.

Tập trung sắp xếp, sáp nhập các cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả

.
08:44, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Y tế là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, phát triển, hiệu quả nhằm triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế.
 
P.V: Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết số 19 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành Y tế tỉnh sẽ triển khai những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy được ngành Y tế xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý.
 
Thực hiện tốt nội dung trên còn góp phần khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp và nâng cao hiệu quả chi ngân sách của Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập.
 
Để triển khai có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 19, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phương án kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị y tế trực thuộc có cùng chức năng tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế hiệu quả hơn.
Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị y tế trực thuộc có cùng chức năng tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế hiệu quả hơn.
Ngành Y tế hiện có 3 cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) và 25 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với lĩnh vực dân số, toàn ngành có 8 Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.
 
Thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Đề án số 981/ĐA-UBND ngày 20-6-2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Y tế sẽ thực hiện sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau: Ngành sẽ tiến hành thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở hợp nhất 6 trung tâm có cùng chức năng, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm phòng chống sốt rét - nội tiết, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe.
 
Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã sẽ sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện, thành phố, thị xã. Sau khi sáp nhập, mỗi huyện, thành phố, thị xã chỉ có một Trung tâm y tế đa chức năng, trực tiếp quản lý mạng lưới trạm y tế tuyến xã.
 
Mặt khác, ngành sẽ tiến hành nâng cấp Trường trung cấp Y tế thành Trường cao đẳng Y tế và đổi tên Bệnh viện Y học cổ truyền thành Bệnh viện Y Dược cổ truyền, đồng thời nâng cấp bệnh viện này từ hạng III lên hạng II với quy mô 140 giường bệnh.
 
Ngành cũng tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình theo hướng chuyên sâu để phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân khu vực Bắc Quảng Bình và các vùng lân cận.
 
Ngành sẽ chuyển đổi các phòng khám đa khoa khu vực: Lệ Ninh, Sơn Trạch, Thanh Lạng, Hóa Tiến, thành đơn nguyên điều trị nội trú của bệnh viện đa khoa tuyến huyện và giải thể các phòng khám đa khoa khu vực: Đồng Sơn, Mai Hóa, Nam Long… cùng một số nhiệm vụ liên quan khác.
 
Như vậy, sau khi kiện toàn, ngành Y tế sẽ giảm từ 25 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 20 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 8 Trung tâm DS-KHHGĐ tại Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
 
P.V: Theo ông, khó khăn lớn nhất trong triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 19 là gì? Và ngành đã xây dựng giải pháp nào để khắc phục? 
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị y tế cơ sở trực thuộc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sáp nhập, chắc chắn ngành sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định liên quan đến việc cơ cấu lại đội ngũ nguồn nhân lực, như: sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho đội ngũ cán bộ đang giữ các chức vụ chủ chốt của các đơn vị, giải quyết tình trạng dôi dư cán bộ làm công tác hành chính.
 
Điều này tác động đến tâm lý, tâm tư, tình cảm, thời gian cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức. Khó khăn nữa là vấn đề bố trí trụ sở làm việc cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC)… Và nữa, lộ trình thực hiện việc sáp nhập ngắn nên Sở Y tế cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng đề án, phương án kiện toàn các đơn vị.
 
Theo lộ trình đến cuối năm 2019, ngành sẽ hoàn thành việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc. Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, trước mắt, ngành sẽ cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh đã triển khai, đồng thời, xây dựng các giải pháp cụ thể phù hợp trên cơ sở phân tích điều kiện thực tế tại các đơn vị để trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Ngành đang xây dựng lộ trình sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý các đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập.
 
P.V: Việc sắp xếp, sáp nhập như trên sẽ đem lại hiệu quả như thế nào đối với ngành, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Mục đích của việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trực thuộc có cùng chức năng là nhằm làm tinh gọn bộ máy, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế hiệu quả hơn. Ví dụ, việc sáp nhập 6 trung tâm y tế tuyến tỉnh về một mối sẽ giúp cho công tác kiểm soát các bệnh được tập trung hơn, hạn chế những nhiệm vụ tương đồng nhưng lại bố trí ở nhiều đơn vị; giảm được số lượng bác sỹ trước đây làm quản lý để tập trung cho công tác chuyên môn…
 
Việc sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện vào Trung tâm y tế huyện sẽ khắc phục phần nào tình trạng thiếu cán bộ có chuyên môn trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng sẽ tạo điều kiện cho đơn vị tập trung được nguồn lực, trang thiết bị, nguồn kinh phí, tiết kiệm cho việc chi thường xuyên và biên chế do giảm số lượng cán bộ, viên chức làm công tác hành chính, phục vụ tại của các đơn vị.
 
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
                                                                      Nhật Văn (thực hiện)
,