Tuyên Hóa: "Khoảng trống" trong quản lý và bảo vệ rừng?

  • 08:20 | Thứ Tư, 22/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mới đây, ở khu vực rừng giáp ranh (RGR) giữa xã Kim Hóa, Lê Hóa (Tuyên Hóa) và xã Hồng Hóa (Minh Hóa) có gần 5,7ha rừng bị chặt phá và xâm lấn khá quy mô và trắng trợn. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xác minh, điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, vụ việc nói trên là “hồi chuông” cảnh báo về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL, BVR) nói chung và RGR nói riêng.
 
“Khó lắm” (!?)
 
Huyện Tuyên Hóa hiện có trên 94.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên trên 78.800ha, rừng trồng trên 12.000ha. Theo thống kê, toàn huyện có trên 3.700ha rừng vi phạm Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.  
Khi đặt vấn đề về công tác QL, BVR ở khu vực giáp ranh với chính quyền các địa phương, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Khó lắm!”. Lý do mà các địa phương đưa ra đều khá giống nhau là, vì diện tích quản lý rộng, đường sá, địa hình đi lại khó khăn nên khó tuần tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng.
 
Trong số gần 5,7ha rừng, đất lâm nghiệp bị chặt phá và xâm lấn nói trên, xã Kim Hóa có gần 3,7ha. Kim Hóa là địa phương có diện tích rừng lớn nhất của huyện Tuyên Hóa, với hơn 16.600ha đất rừng và đất lâm nghiệp; trong đó có gần 4.800ha rừng do UBND xã quản lý, hơn 4.800ha do các hộ gia đình, cá nhân quản lý. Do địa bàn rộng, Kim Hóa cũng là địa phương có nhiều diện tích RGR với xã Hồng Hóa (Minh Hóa) và tỉnh Hà Tĩnh.
 
Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi lo lắng nhất là khu vực RGR với địa bàn huyện Minh Hóa. Bởi, RGR ở khu vực này xa dân cư, địa hình đi lại khó khăn, lại gần với rừng sản xuất của người dân. Vì vậy, nguy cơ rừng bị phá, xâm lấn là rất lớn, trong khi việc giao rừng cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ (KN, BV) còn nhiều bất cập và lỏng lẻo. Vụ việc vừa qua là một ví dụ. Tất cả diện tích rừng bị phá, xâm lấn đều đã giao cho 4 hộ dân, nhưng khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng tìm chủ rừng để làm việc, thì có 2/4 chủ rừng đã mất từ lâu”.  
Hiện trường vụ phá rừng tự nhiên ở khu vực rừng giáp ranh giữa xã Kim Hóa, Lê Hóa (Tuyên Hóa) và xã Hồng Hóa (Minh Hóa).
Hiện trường vụ phá rừng tự nhiên ở khu vực rừng giáp ranh giữa xã Kim Hóa, Lê Hóa (Tuyên Hóa) và xã Hồng Hóa (Minh Hóa).
Từ vụ việc nói trên, giờ đây, không chỉ chính quyền xã Kim Hóa canh cánh nỗi lo những cánh rừng vùng giáp ranh bị phá, xâm lấn trái phép, mà nhiều địa phương khác cũng nơm nớp không yên. Xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) hiện có hơn 10.200ha đất rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, có hơn 1.900ha rừng do UBND xã quản lý, gần 8.320ha do các hộ gia đình, cá nhân quản lý. Do diện tích rừng giáp với nhiều xã trên địa bàn huyện và các xã: Xuân Trạch (Bố Trạch), Quảng Sơn (TX. Ba Đồn), Tân Hóa (Minh Hóa), nên công tác QL, BVR ở khu vực giáp ranh gặp không ít khó khăn.
 
Do sự phức tạp trong QL, BVR , ngay tại xã Cao Quảng có 1 trạm kiểm lâm, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương chia sẻ: “Địa bàn lớn, khoảng cách rộng, cả lực lượng Kiểm lâm lẫn đội chống lâm tặc của xã cũng khó có thể bao quát, kiểm soát hết tình hình. Mỗi chuyến tuần tra, kiểm tra, cán bộ chúng tôi phải mất gần 1 ngày đi rừng mới đến khu vực RGR, thì khó có thể phát hiện sớm các hành vi phá rừng. Hơn nữa, đội chống lâm tặc của xã chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên khi có vụ việc xảy ra, triển khai thiếu kịp thời”.
 
Rừng KN, BV: Chủ rừng không mặn mà
 
Tìm hiểu tại các địa phương, phần lớn diện tích rừng ở khu vực giáp ranh này đều là rừng tự nhiên đã giao cho các hộ dân KN, BV. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, rừng ở đây vẫn chưa được chủ rừng quản lý đúng quy định.
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho hay: “Hiện, trên địa bàn xã vẫn còn nhiều diện tích rừng đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân KN, BV nhưng chưa xác định được ranh giới cụ thể. Thậm chí, có chủ rừng còn không biết diện tích rừng của mình ở đâu. Vì vậy, tình trạng rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm để trồng rừng, hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân của tình trạng nói trên là do việc giao đất giao rừng trước đây còn định tính, theo địa hình ngọn đồi kia, con suối nọ, chứ không có ranh giới cụ thể. Bên cạnh đó, một nghịch lý nữa là người dân nhận thấy rừng KN, BV không mang lại thu nhập, nên họ không thiết tha, mặn mà với rừng”.
 
Tương tự, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Thực tế, người dân chỉ quan tâm đến diện tích rừng trồng keo tràm mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Còn đối với diện tích rừng KN, BV, họ gần như phó mặc cho chính quyền địa phương tuần tra, quản lý”.
 
Thanh Hóa là xã rẻo cao biên giới của huyện Tuyên Hóa, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, lao động thiếu việc làm, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng. Những năm qua, rừng tự nhiên trên địa bàn xã Thanh Hóa cũng đang đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm. Xã Thanh Hóa hiện có gần 3.300ha đất rừng sản xuất, trong đó có hơn 461ha đất lâm nghiệp do xã quản lý, hơn 633ha rừng trồng giao cho hộ gia đình, còn lại là đất có rừng tự nhiên. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Hữu Tâm, tình trạng người dân thiếu đất sản xuất và việc làm đã tạo áp lực rất lớn lên các diện tích rừng tự nhiên và rừng đã được giao cho người dân KN, BV. Trong khi nhiều hộ dân thiếu trách nhiệm trong QL, BVR được giao, để có rừng sản xuất, một số hộ còn lợi dụng rừng bị cháy, thậm chí phá rừng tự nhiên để trồng keo tràm trái pháp luật.
 
Những “khoảng trống” cần được “lấp đầy”
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ. Vì vậy, tỉnh cần sớm cụ thể hóa, hướng dẫn và triển khai chính sách, kinh phí hỗ trợ cho chủ rừng. Qua đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của chủ rừng trong QL, BVR.
Phải chăng, những khó khăn nói trên đã khiến hàng nghìn ha rừng tự nhiên giao cho người dân KN, BV bị xâm lấn, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép trong thời gian qua? Và bao giờ những “khoảng trống” đó chưa được “lấp đầy”, chưa có biện pháp giải quyết, thì rừng tự nhiên sẽ tiếp tục bị phá và xâm lấn.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là các diện tích rừng ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, địa hình đi lại khó khăn. Sau vụ việc rừng vùng giáp ranh của xã Kim Hóa, Lê Hóa (Tuyên Hóa) và xã Hồng Hóa (Minh Hóa), UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường BVR, đặc biệt là rừng ở khu vực giáp ranh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, nhiều diện tích rừng KN, BV đã giao cho các hộ dân, nhưng ranh giới, diện tích trên thực địa chưa được giao cụ thể. Người dân được giao rừng KN, BV, nhưng chưa được hưởng lợi từ rừng, chưa có chế độ, kinh phí chi trả cho chủ rừng, nên trách nhiệm QL, BVR của chủ rừng chưa cao.
 
Một bất cập nữa trong công tác giao rừng hiện nay là chủ rừng chưa được giao trữ lượng rừng và hàng năm chưa có hội đồng thẩm định, đánh giá rừng để kiểm tra, kiểm soát. Đây chính là căn cứ quan trọng để đánh giá trách nhiệm của chủ rừng.
 
“Để khắc phục những “khoảng trống” nêu trên, thời gian tới, bên cạnh tăng cường triển khai các giải pháp QL, BVR, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn, dự án để tổ chức rà soát, phân định lại ranh giới rừng KN, BV. Đối với những diện tích rừng không xác định được chủ rừng, hoặc chủ rừng không thực hiện hết trách nhiệm được giao, sẽ tiến hành thu hồi và giao cho các hộ có ý thức, trách nhiệm hơn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết thêm. 
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Xử lý nghiêm các vụ phá rừng

(QBĐT) - Sau khi phát hiện vụ khai thác rừng trái pháp luật tại khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh quản lý, Chi cục Kiểm lâm đã trực tiếp chỉ đạo, tiến hành phối hợp kiểm tra, xác minh và tham mưu xử lý vụ việc để chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đề nghị khởi tố vụ phá rừng giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa

(QBĐT) - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa Nguyễn Văn Huệ vừa cho biết, cơ quan này đã chuyển hồ sơ vụ rừng vùng giáp ranh giữa xã Kim Hoá, Lê Hoá (Tuyên Hoá) và xã Hồng Hóa (Minh Hoá) bị chặt phá, xâm lấn sang Viện Kiểm sát nhân dân huyện, đề nghị khởi tố vụ án.

Kỷ luật cảnh cáo lãnh đạo Trường tiểu học Quảng Thạch

(QBĐT) - Chiều ngày 16/3, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Trạch đã tổ chức công bố quyết định thi hành kỷ luật đảng đối với lãnh đạo Trường tiểu học Quảng Thạch.