Trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi

  • 08:29 | Thứ Sáu, 04/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho trẻ em bị bỏ rơi được tiến hành như thế nào?
Đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở thường xuyên được tập huấn nâng cao kiến thức về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Đội ngũ cán bộ tư pháp ở cơ sở thường xuyên được tập huấn nâng cao kiến thức về công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Trả lời: Thẩm quyền ĐKKS cho trẻ bị bỏ rơi là UBND cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi. Trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
 
Bước 1: Lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi. Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc Công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
 
Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND hoặc Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về sự việc trẻ bị bỏ rơi. Biên bản được lập thành 2 bản, một bản lưu giữ tại cơ quan lập, bản còn lại giao cho tổ chức hoặc cá nhân tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
 
Bước 2: Niêm yết. UBND cấp xã nơi lập biên bản có trách nhiệm niêm yết tại trụ sở UBND xã trong thời gian 7 ngày liên tục về thông tin trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ; không có người nhận là cha, mẹ đẻ và chứng minh được mối quan hệ huyết thống với trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành ĐKKS cho trẻ.
 
Bước 3: ĐKKS cho trẻ.
 
- Người có trách nhiệm ĐKKS là cá nhân hoặc đại diện tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
 
- Hồ sơ ĐKKS cho trẻ bị bỏ rơi tương tự như hồ sơ ĐKKS trẻ thông thường. Biên bản xác nhận trẻ bị bỏ rơi có giá trị thay thế giấy chứng sinh trong trường hợp trẻ không có giấy chứng sinh.
 
- Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; thành phần dân tộc của trẻ xác định theo pháp luật dân sự. Phần khai sinh về cha, mẹ của trẻ trong giấy khai sinh và sổ hộ tịch để trống (tuyệt đối không gạch chéo hoặc tự ý ghi tên của người tạm thời nuôi dưỡng trẻ vào các phần khai này). Trong sổ hộ tịch không ghi “Trẻ bị bỏ rơi”.
 
Trong quá trình ĐKKS cho trẻ bị bỏ rơi, cần lưu ý một số điểm:
 
- Việc xác định dân tộc cho trẻ: Việc xác định dân tộc cho trẻ xác định theo quy định tại Điều 29, Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Trường hợp có căn cứ xác định về ngày tháng năm sinh, nơi sinh của trẻ thì ghi họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh của trẻ theo những căn cứ đã được xác định.
 
- Trường hợp trẻ bị bỏ rơi có giấy tờ kèm theo ghi về họ, chữ đệm, tên của trẻ và thông tin của cha mẹ nhưng sau khi thực hiện niêm yết theo quy định mà không tìm được cha mẹ đẻ thì những thông tin này chỉ ghi chú trong cột ghi chú của sổ ĐKKS (không ghi vào mặt sau giấy khai sinh của trẻ); phần ghi về người mẹ và người cha trong sổ ĐKKS và giấy khai sinh của trẻ được để trống.
 
 Hội Luật gia Quảng Bình

tin liên quan

Bộ Công an: 'Vụ án liên quan bị can Trương Mỹ Lan khó nhưng phải làm'

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và bị can là bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm là vụ án rất khó với lực lượng thực thi pháp luật, nhưng khó vẫn làm.
 

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tổ chức hơn 300 "Tiết học biên cương"

(QBĐT) - Thượng tá Ngô Văn Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, từ năm 2012 đến nay, các đơn vị trong lực lượng đã phối hợp với các trường học trên 2 tuyến biên giới tổ chức 327 "Tiết học biên cương" cho gần 8.300 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh.
 

Lệ Thủy: Xác minh vụ chặt phá hơn 12ha rừng phòng hộ ở Sen Thủy

(QBĐT) - Hơn 12ha rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại khu vực hồ Bàu Sen, xã Sen Thủy (Lệ Thủy) do Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong (BQL KDTTN ĐC-KNT) và xã Sen Thủy làm chủ rừng đã bị khai thác, chặt phá. Trước sự việc nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ.