Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản
(QBĐT) - Sau hơn 5 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), hoạt động của các tổ chức ĐGTS đi vào nền nếp, đóng góp tích cực cho ngân sách và sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động ĐGTS, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước giữ vai trò rất quan trọng.
Thực trạng hoạt động ĐGTS
Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) nhận xét: Tài sản đấu giá tại nước ta hầu hết là tài sản công, trong đó đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) chiếm đến 90%; tài sản thuộc sở hữu tổ chức, cá nhân đưa ra bán đấu giá chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 0,06% so với số cuộc đấu giá bắt buộc. Trong ĐGQSDĐ, tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp.
Từ thực trạng trên, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về ĐGTS, Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Cục Bổ trợ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, có trên 20.000 thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS và 100.000 thông báo về ĐGTS được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia về ĐGTS. Cục Bổ trợ Tư pháp tiếp nhận gần 200 kiến nghị, phản ánh liên quan đến trình tự, thủ tục ĐGTS, đồng thời ban hành 20 văn bản đề nghị các sở tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục ĐGTS. Cục Bổ trợ Tư pháp thành lập 5 đoàn thanh, kiểm tra theo kế hoạch và nhiều đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra hoạt động ĐGTS tại các địa phương, trong đó có Quảng Bình.
Tại Quảng Bình, Sở Tư pháp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 10 văn bản, 2 thông báo kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS, chú trọng đến ĐGQSDĐ.
Hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp tổ chức ĐGTS vi phạm quy trình, thủ tục ĐGTS. Toàn tỉnh có 6 tổ chức ĐGTS, 2 chi nhánh công ty đấu giá và 15 đấu giá viên (ĐGV).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp ký kết 27 hợp đồng dịch vụ ĐGTS, tổ chức thành công 369 cuộc đấu giá, giá trị tài sản bán được hơn 356 tỷ đồng, chênh lệch tăng 118 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Về ĐGQSDĐ, 100% cuộc đấu giá đều tổ chức theo hình thức bỏ phiếu gián tiếp. Các phương án đấu giá tuân thủ lấy ý kiến của cơ quan tư pháp trước khi trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình tổ chức đấu giá từ niêm phong thùng phiếu, miệng phiếu đến mở niêm phong và công bố giá luôn chịu sự giám sát của các cơ quan: Tư pháp; Tài nguyên-Môi trường; chính quyền địa phương nơi có đất đấu giá, từ đó hạn chế tối đa việc thông đồng, dìm giá và tiêu cực trong hoạt động ĐGTS.
Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước
Qua thực tiễn hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS, ông Trần Chí Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Về công tác quản lý nhà nước đối với văn phòng đại diện của doanh nghiệp ĐGTS có trụ sở tại địa phương khác, khi có dấu hiệu vi phạm trình tự, thủ tục ĐGTS, quá trình kiểm tra, xác minh hồ sơ và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn vì tất cả hồ sơ liên quan được lưu giữ tại trụ sở chính doanh nghiệp ĐGTS.
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các văn phòng đại diện này, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể, ĐGV của tổ chức ĐGTS chỉ được thực hiện đấu giá đối với các tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu nhà nước trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp ĐGTS đặt trụ sở. Việc xây dựng Trung tâm Dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp thành đơn vị đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước tại địa phương là cần thiết.
Cũng theo ông Trần Chí Tiến, thực tế hiện nay khi những tài sản đưa ra đấu giá có giá trị lớn, dự kiến số lượng người tham gia nhiều, thù lao dịch vụ đấu giá cao thì các doanh nghiệp ĐGTS nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức ĐGTS. Tuy nhiên đối với những tài sản đưa ra đấu giá có giá trị nhỏ, tài sản ở vùng khó khăn, vùng “nhạy cảm”, số lượng người tham gia đấu giá ít, thù lao dịch vụ đấu giá thấp (đơn cử như tài sản thi hành án, tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước, tài sản phát mại...) thì các doanh nghiệp ĐGTS không đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức ĐGTS.
Đối với những trường hợp này, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS là đơn vị “đứng mũi chịu sào”, rất khó cân bằng giữa hoàn thành nhiệm vụ chính trị và cơ chế tự chủ tài chính. Nên chăng cần có cơ chế, lộ trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ đối với Trung tâm Dịch vụ ĐGTS. ĐGV làm việc tại Trung tâm được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề nghiệp tương tự như công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý.
Về chuyển đổi vị trí Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS, hiện tại, theo quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị không được giữ vị trí quá 2 nhiệm kỳ. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS cũng phải tuân thủ quy định trên. Tuy nhiên, tiêu chuẩn cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá của Bộ Tư pháp rất gắt gao (5 năm chỉ có 1 kỳ kiểm tra) nên dự nguồn đấu giá viên là Giám đốc Trung tâm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác hết sức khó khăn, thậm chí nhiều địa phương không thực hiện được.
Để bảo đảm hài hòa trong áp dụng Luật ĐGTS và quy định về công tác cán bộ, ông Trần Chí Tiến đề xuất “gỡ nút thắt” theo hướng cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá cho dự nguồn vị trí Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS, chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: Cử nhân chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng; thời gian công tác 3 năm trở lên; được quy hoạch vị trí giám đốc; thời gian trực tiếp tham mưu, quản lý nhà nước về hoạt động ĐGTS từ 5 năm trở lên và cho “nợ” khóa bồi dưỡng nghề ĐGTS. Sau đó, trong vòng 2 năm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS phải hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề ĐGTS theo quy định. Nếu không “trả nợ”, đương nhiên chức vụ không còn và quyết định cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá cũng hết hiệu lực.
Thanh Long
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.