Mùa "tận diệt" chim trời

  • 06:28 | Thứ Bảy, 30/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm là lúc các loài chim di trú thường tìm kiếm thức ăn trên các cánh đồng sau lũ. Với những người săn chim, đây là thời gian cao điểm cho hoạt động săn bắt không kể ngày đêm. Và khi các loài chim trời đứng trước nguy cơ bị “tận diệt” thì các lực lượng chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý.
 
Muôn kiểu săn bắt chim trời
 
4 giờ sáng một ngày cuối tháng 10, ông D.V.U., người có “thâm niên” bẫy chim hơn 20 năm ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) đã thức dậy, chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề” cho ngày làm việc mới. Chiếc xe ba gác được ông chất đầy những con cò giả làm bằng xốp trắng, bẫy kẹp và cả những con chim mồi đã bị khâu mắt lại.
Một người dân đang dùng chim mồi và bẫy để dẫn dụ, săn bắt chim trời.
Một người dân đang dùng chim mồi và bẫy để dẫn dụ, săn bắt chim trời.
“Lúc sáng sớm và chiều muộn là thời điểm các loài chim xuất hiện nhiều nhất nên phải đi sớm, đặt bẫy sẵn. Nếu đi muộn, khi trời đã sáng tỏ, thấy người xuất hiện trên đồng là chim sẽ bay đi nơi khác ngay”, ông U. nói khi vừa bê những cái lồng nhốt chim mồi lên xe.
 
Chúng tôi ngỏ ý muốn đi cùng ông ra đồng xem cách đặt bẫy, ông đưa tay gạt phăng: “Không được, chú thông cảm…!”.
 
Những năm về trước, khi số lượng người bẫy chim chưa nhiều, chim thường tìm về những cánh đồng lúa sau lũ để tìm kiếm thức ăn, nhiều nhất là cò. Không khó để bắt gặp hình ảnh những đàn cò đậu trắng cả một khoảnh ruộng trên các cánh đồng. Thời gian gần đây, nạn đặt bẫy, săn chim tràn lan ở nhiều địa phương trong tỉnh khiến sự xuất hiện của các loài chim lớn như: Cò, triếc, ngàng hay những loài nhỏ hơn như dát, le le, gà nước, sâm cầm… giảm hẳn.
 
Đợi khi trời sáng, chúng tôi thuê một chiếc đò máy của người dân, di chuyển ra cánh đồng vẫn còn mênh mông nước lũ các xã Hoa Thủy, Sơn Thủy (Lệ Thủy). Phóng tầm mắt ra xa trong bán kính khoảng 3km, chúng tôi tận thấy có gần chục đàn cò xuất hiện. Nhưng đến gần mới biết đây chỉ là những con cò giả, cò mồi (đã bị khâu mắt, buộc chân), cách mỗi khoảng từ 5-10m là những chiếc bẫy kẹp, cành cây phết keo dính được người săn bắt chim bố trí nhô lên khỏi mặt nước và được nguỵ trang kín đáo bằng những mảng rác rều.Người lái đò cho biết, khi đàn chim di trú bay ngang, tưởng đồng loại đang kiếm mồi sẽ sà xuống đậu trên những mảng rác ngụy trang ấy, ngay lập tức bẫy sẽ sập, kẹp chân hoặc những cành cây được phết keo sẽ dính chặt. Bất cứ loài chim nào khi mắc bẫy đều sẽ không thể thoát ra được.
 Ngay khi phát hiện thấy phóng viên ghi hình, một người săn bắt chim trời nhanh chóng di chuyển ra khỏi nơi đặt bẫy.
Ngay khi phát hiện thấy phóng viên ghi hình, một người săn bắt chim trời nhanh chóng mang theo những con chim mồi di chuyển ra khỏi nơi đặt bẫy.

Gần đây, nhiều người dân làm nghề bẫy chim ở huyện Bố Trạch còn sáng tạo ra “bẫy công nghệ”. Nghĩa là, họ dùng một chiếc đài cassette có loa công suất lớn và những tấm lưới rộng bố trí xung quanh, không theo quy luật, phía trên mép lưới gắn những chiếc chuông nhỏ báo hiệu khi có chim mắc lưới. Nhìn chiếc bẫy có vẻ đơn giản nhưng theo chia sẻ của anh P.H.H. ở xã Thanh Trạch thì vô cùng hiệu quả khi bắt chim.

Bằng cách sử dụng những con chim mồi như thế này, người săn bắt chim có thể thu hút nhiều đàn chim đến các bẫy được giăng sẵn.
Bằng cách sử dụng những con chim mồi như thế này, người săn bắt chim có thể thu hút nhiều đàn chim đến các bẫy được giăng sẵn.
“Loại bẫy này ở Hà Tĩnh, Nghệ An người ta hay dùng, tôi học theo họ thôi. Nhưng phải nói là rất hiệu quả”, anh H. nói.
 
Theo anh H., khi trời bắt đầu tối thì ra đồng, chọn địa điểm cao ráo rồi giăng lưới xung quanh, sau đó dùng đài mở băng có ghi âm tiếng cuốc kêu. Tiếng chim cuốc từ chiếc đài phát ra sẽ “quyến rũ” những con cuốc khác quanh vùng đang đi tìm bạn tình. Thế là lao vào “thiên la địa võng” lưới đã giăng sẵn.
 
Khó xử lý?
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Mùa mưa lũ hàng năm là thời điểm các loài chim di trú để tìm kiếm thức ăn. Năm nay, tại hầu hết các địa phương trong tỉnh đều ghi nhận khá nhiều loài chim lớn xuất hiện trên những cánh đồng huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, TX. Ba Đồn… Hoạt động săn bắt chim trời của người dân cũng phổ biến hơn.
Hoạt động mua, bán các loai chim trời đánh bắt được vẫn diễn ra tại một số chợ trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động mua, bán các loài chim trời đánh bắt được vẫn diễn ra tại một số chợ trên địa bàn tỉnh.
Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã. Theo đó, đơn vị chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về giá trị đa dạng sinh học, tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã.
 
Đặc biệt là tuyên truyền không săn, bắt, bẫy, bắn, mua, bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di trú trên địa bàn. Mặt khác, các hạt kiểm lâm chủ động tham mưu cho chính quyền cấp xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi sử dụng lưới, bẫy và các dụng cụ khác để bắt các loài chim di trú; đồng thời thu gom, tiêu hủy các loại dụng cụ này, góp phần tạo nơi trú ngụ an toàn cho các loài chim.
 
“Hiện, các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể về việc xử phạt cũng như mức phạt đối với các hành vi bẫy, bắt chim trời. Lực lượng Kiểm lâm chỉ dừng lại ở việc nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân mà thôi”, ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Lực lượng chức năng phối hợp thu gom, tiêu hủy các dụng cụ săn bắt chim trời.
Lực lượng chức năng phối hợp thu gom, tiêu hủy các dụng cụ săn bắt chim trời.
Ông Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) cho hay: Trước việc một số người dân săn bắt chim trời theo lối “tận diệt” sau mỗi mùa mưa bão hàng năm, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh về vai trò của việc bảo vệ môi trường sinh thái, không săn bắt các loài chim trời, nhất là trong thời điểm di trú của một số loài chim lớn như: Triếc, cò, ngàng… Mặt khác, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt truy quét, loại bỏ các loại bẫy và dụng cụ săn bắt chim của người dân.
 
“Một số người dân thường di chuyển ra cánh đồng xa, đặt bẫy bắt chim lúc đêm tối nên rất khó phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Việc xử phạt cũng không dễ dàng, bởi khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường nơi đặt bẫy thường không có bóng dáng của người dân”, ông Thục nói.
 
Theo quan sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, hoạt động mua, bán các loài chim trời vẫn diễn ra. Tuy nhiên, ngay khi có sự xuất hiện của các lực lượng chức năng, người dân sẽ lập tức chuyền tay nhau mang ra khỏi chợ và giấu đi. Mùa mưa bão chưa kết thúc, đồng nghĩa với hoạt động di trú của các loài chim trời và săn bắt của một số người dân vẫn đang tiếp diễn.
 
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của lực lượng chức năng, hơn 2 tháng qua đã có hàng ngàn con cò giả, các loại bẫy bắt chim của người dân được thu hồi, tiêu hủy; hàng trăm con chim trời đã được thả. Ý thức của người dân vẫn là vấn đề then chốt trong việc bảo vệ môi tường sinh thái và không gian an toàn cho các loài chim bản địa, di trú sau mỗi mùa mưa bão hàng năm.

Nguyễn Hoàng

 

tin liên quan

Tập huấn chuyên sâu về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

(QBĐT) - Trong hai ngày 27 và 28-10, Sở Tư pháp đã tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên sâu về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cho đối tượng là công chức làm công tác pháp chế và công chức tham mưu công tác xây dựng VBQPPL của các sở, ngành và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ mô hình "Giáo xứ tự quản về an ninh trật tự"

(QBĐT) - Dù mới bắt tay vào triển khai thực hiện được hơn 1 năm, nhưng mô hình "Giáo xứ tự quản về an ninh trật tự (ANTT)" tại xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) đã góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị và ANTT tại địa phương. Mô hình này từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả các loại tội phạm trên địa bàn; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong nhân dân; mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với giáo xứ ngày càng đoàn kết, gắn bó.

Bắt 2 đối tượng tàng trữ trái phép gần 4.000 viên ma túy tổng hợp

(QBĐT) - Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh vừa bắt 2 đối tượng tàng trữ gần 4.000 viên ma túy.