Tiên phong đưa cây tre lục trúc về vùng gò đồi Bố Trạch

  • 13:52 | Thứ Ba, 06/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Bố Trạch đã mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất và đã mang lại hiệu quả. Điển hình là mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của chị Lê Thị Lan Hương ở thôn Bàng, xã Hòa Trạch.
 
Trước đây, phần diện tích này được dùng để trồng cây cao su, tuy nhiên sau khi cơn bão mạnh khiến toàn bộ diện tích cây cao su bị gãy, đổ, chủ cũ đã chuyển nhượng cho chị Lê Thị Lan Hương. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ vùng gò đồi, chị Lê Thị Lan Hương đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu và nhận thấy tre lục trúc là loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và đã được trồng thành công ở các tỉnh phía Bắc.
 
Cuối năm 2021, chị Hương quyết định cải tạo 2ha đất để đầu tư trồng 3.200 cây tre lục trúc lấy măng. Quá trình trồng và chăm sóc, đến nay vườn tre lục trúc của chị đang sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Chị Lê Thị Lan Hương chia sẻ: “Để có thể trồng được cây tre lục trúc lấy măng thì trước tiên mình phải chọn cây giống bảo đảm chất lượng. Sau đó là phải nắm vững được quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc; phải chọn được chất đất phù hợp, không bị ngập úng. Để tạo độ tơi xốp cho măng phát triển, người trồng phải thường xuyên tưới nước và phủ mùn cưa hoặc trấu tại các gốc tre và sau 6 tháng sẽ bón phân cho tre lục trúc một lần”.
Mỗi ngày vườn tre lục trúc của chị Hương cho thu hoạch từ 10-20kg măng.
Mỗi ngày vườn tre lục trúc của chị Hương cho thu hoạch từ 10-20kg măng.
Tre lục trúc là loại cây trồng mới, xanh về môi trường, sạch về dinh dưỡng, có khả năng kháng sâu bệnh cao, dễ trồng và có khả năng chắn gió, giữ đất tốt. Sau khi trồng 1 năm sẽ cho thu hoạch và thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ 10-15 năm. Hiện nay, mỗi ngày vườn tre lục trúc của chị Lê Thị Lan Hương đang cho thu hoạch từ 10-20kg măng.
 
Đặc biệt, quy trình trồng và chăm sóc tre lục trúc lấy măng thực hiện theo tiêu chuẩn sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên đây được xem là loại thực phẩm sạch được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm làm ra hiện đang được các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn đặt mua với mức giá 60 nghìn đồng/kg.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch Dương Viết Trường cho biết: “Chính quyền địa phương đánh giá rất cao về sự sáng tạo, nhạy bén của chị Lê Thị Lan Hương khi triển khai mô hình trồng tre lục trúc lấy măng tại địa bàn xã Hòa Trạch. Dù chỉ mới được trồng hơn 1 năm nhưng quá trình kiểm tra, theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây tre lục trúc rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Những hiệu quả bước đầu mô hình này mang lại đang hứa hẹn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con tại các địa bàn vùng gò đồi của xã Hòa Trạch”.
 
Được biết, măng lục trúc có vị thơm ngon, ngọt, có thể ăn sống được mà không bị đắng gắt như các loại măng khác. Đặc biệt, ngoài việc thu hoạch măng, thân tre lục trúc cũng có thể sử dụng để làm đồ mỹ nghệ, làm nguyên liệu giấy, viên nén xuất khẩu; phần lá có thể dùng để gói bánh, làm nguyên liệu lên men.
 
“Hiện nay, tôi đang tiếp tục đầu tư trồng thêm 21ha tre lục trúc lấy măng tại xã Lý Trạch và sẽ liên kết với các hộ dân trong vùng để hỗ trợ giống, kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình này. Tiến tới sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm “Măng tre lục trúc” để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài” chị Lê Thị Lan Hương cho biết thêm.
 
Tiến Thành
(Trung tâm VH-TT-TT Bố Trạch)
 

tin liên quan

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh đã mạnh dạn chinh phục, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn sỏi đá... thành những mô hình kinh tế hiệu quả.

Minh Hóa: Giữ rừng mùa nắng gắt

(QBĐT) - Liên tiếp các đợt nắng gắt, kéo dài của mùa khô năm 2023 đã và đang diễn ra tại địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đứng trước nguy cơ bị cháy, rất đáng lo ngại. 
 

15 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận

(QBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm OCOP 3 sao bị rút sao, nguyên nhân là do đã hết hạn công nhận.