Liên kết sản xuất giống lúa chất lượng cao

  • 05:50 | Thứ Hai, 05/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2022-2023, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã thực hiện mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo” với diện tích 250ha tại địa bàn 6 xã của huyện Bố Trạch. Mô hình không chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo sạch theo chuẩn VietGAP mà còn góp phần thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.
 
Những năm qua, việc áp dụng các giống lúa mới có năng suất cao vào thâm canh sản xuất đã đưa năng suất, sản lượng lúa của huyện Bố Trạch ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu lương thực, cải thiện đời sống của bà con nông dân.
 
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo theo phương thức truyền thống đem lại giá trị không cao cho bà con nông dân do sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết tổ chức sản xuất, chưa chú trọng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu sức cạnh tranh, bị thương lái ép giá nên giá trị hàng hóa thấp, lợi nhuận thấp.
Giống lúa QS88 và VN20 sinh trưởng phát triển tốt.
Giống lúa QS88 và VN20 sinh trưởng phát triển tốt.
Để góp phần phát triển sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín thương hiệu sản phẩm nông sản, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và trên hết là thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình đã chủ trì thực hiện mô hình "Liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo” trên địa bàn huyện Bố Trạch với diện tích 250ha tại địa bàn 6 xã: Trung Trạch, Đại  Trạch, Tây Trạch, Hải Phú, Bắc Trạch và Hạ Trạch. Mô hình sử dụng 2 giống lúa chất lượng cao là QS88 và VN20. Các hộ dân tham gia liên kết được đơn vị chủ trì dự án hỗ trợ 50% giá giống với định mức gieo 6kg/sào trên toàn bộ 250ha và 30% giá phân bón định mức 240kg/ha trên diện tích 75ha. 
 
"Chúng tôi mong muốn thời gian tới, huyện Bố Trạch sẽ áp dụng giống lúa QS88 vào sản xuất chủ lực trong vụ đông-xuân 2023-2024, tiếp tục hỗ trợ 50% giống lúa và 30% phân bón trên toàn bộ diện tích mô hình đang thực hiện, tuyên truyền sâu rộng hiệu quả liên kết do mô hình mang lại so với phương thức sản xuất truyền thống nhằm nhân rộng diện tích trên toàn huyện", ông Nguyễn Xuân Kỳ cho biết thêm.
Mô hình nhằm theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu về sinh trưởng phát triển, năng suất, chất lượng, tình hình sâu bệnh hại và hiệu quả kinh tế của giống lúa mới để làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống lúa của các địa phương trên địa bàn huyện.
 
Đặc biệt, mô hình cũng giúp người dân áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng phương thức thâm canh lúa cải tiến SRI giảm chi phí đầu vào như vật tư phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.
 
Vụ sản xuất đông-xuân năm 2022-2023, Tổ hợp tác (THT) thôn 7, xã Trung Trạch đã liên kết thực hiện 15ha giống lúa QS88. Tổ trưởng THT Phan Văn Phệ cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi nhận thấy, giống lúa QS88 sinh trưởng và phát triển tốt, cứng cây, bộ rễ ăn sâu, chống chịu được thời tiết bất lợi, không bị ngã đổ khi có mưa, gió lớn.
 
Đặc biệt, lúa trổ thoát bông dài, tỷ lệ hạt lép thấp, hạt chắc cao, năng suất cao so với các giống lúa khác. Vụ đông-xuân 2023-2024 chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất tập trung giống lúa này theo chuỗi nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên.
 
Còn THT thôn Phúc Tự Tây, xã Đại Trạch, vụ đông-xuân năm nay, THT thực hiện 12ha giống lúa QS88 và 27ha giống lúa VN20. Bên cạnh 2 giống lúa này, một số hộ dân trong THT thử nghiệm thêm các giống lúa khác nhưng hiệu quả không cao bằng. 
Giống lúa QS88 và VN20 sinh trưởng phát triển tốt.
Giống lúa QS88 sinh trưởng phát triển tốt.
Ông Phan Duy Trinh, Tổ trưởng THT cho biết: Không chỉ cho năng suất cao mà giống lúa QS88 cho gạo nấu cơm rất ngon. Đặc biệt, cuối vụ có mưa lớn kèm lốc xoáy, nhiều diện tích lúa đại trà bị đổ ngã nhưng 2 giống lúa này chống chịu tốt, không ảnh hưởng nhiều, năng suất đạt 65-70 tạ/ha, vượt trội so với lúa ngoài mô hình, doanh thu 55-56 triệu đồng/ha, lợi nhuận ước đạt 12-15 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 15-20%.
 
Giám đốc công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình Nguyễn Xuân Kỳ cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ công ty thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng để hướng dẫn người dân cách nhận biết các giai đoạn sinh trưởng và nhu cầu các loại phân bón để bón đúng, phù hợp, kiểm tra hướng dẫn công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Thực hiện mô hình, kết quả cho thấy, so với những giống lúa gieo trồng đại trà hiện nay ở các địa phương, giống lúa QS88 và VN20 có ưu điểm nổi bật hơn. Đây là những giống lúa có nhiều triển vọng để mở rộng diện tích, thay thế những giống lúa đã thoái hóa, đồng thời là hướng đi mới để thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị.
 
Thanh Hoa
 
 

tin liên quan

Kỳ vọng OCOP - Bài 2: Gập ghềnh giữ sao và nâng sao OCOP

(QBĐT)  - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" được triển khai đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng cho nhiều địa phương. Để chứng minh chất lượng, các SP OCOP đã không ngừng được cải tiến trong khâu sản xuất, chế biến, đóng gói nhằm tạo sức hút, để không phải đối mặt với nguy cơ "tụt hạng" và đích đến là nâng tầm chất lượng SP với người tiêu dùng.
 

15 sản phẩm OCOP hết hạn công nhận

(QBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm OCOP 3 sao bị rút sao, nguyên nhân là do đã hết hạn công nhận.

Minh Hóa: Giữ rừng mùa nắng gắt

(QBĐT) - Liên tiếp các đợt nắng gắt, kéo dài của mùa khô năm 2023 đã và đang diễn ra tại địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Minh Hóa nói riêng khiến cho nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng kinh tế đứng trước nguy cơ bị cháy, rất đáng lo ngại.