Chuyện quản lý:

Đâu là giải pháp để bảo vệ rừng hiệu quả?

  • 07:09 | Thứ Tư, 12/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ phá rừng. Bên cạnh trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cần được rà soát, xem xét, giải quyết thấu đáo để chủ rừng (CR) yên tâm, gắn bó với nhiệm vụ, ngăn ngừa các vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
 
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy một số nguyên nhân cơ bản như các hạn chế về mặt cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các CR là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; tình trạng thiếu lao động, năng lực và kiến thức chăm sóc, bảo vệ rừng (BVR); trước đây một số địa phương, việc giao đất, giao rừng chưa đầy đủ, cụ thể, dẫn đến tình trạng người nhận đất, nhận rừng không biết rừng ở đâu, ranh giới, vị trí giữa các CR không rõ ràng dẫn đến tình trạng lấn chiếm, phá hoại, sử dụng trái pháp luật.
 
Về vấn đề cơ chế, chính sách đối với các hộ gia đình là CR, những năm qua, ngoài các đối tượng như hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, được hưởng các chế độ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ ĐBDTTS giai đoạn 2015-2020 (hiện đang được thực hiện theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp) và Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ (đối với huyện Minh Hóa) thì các hộ gia đình còn lại không được hỗ trợ. Bù lại, họ được phép khai thác các loại lâm sản Nhà nước không cấm. Đối với những diện tích rừng nghèo kiệt có thể được cải tạo, làm giàu và hưởng lợi theo quy định. 
Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng.
Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ rừng.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ có chủ trương dừng khai thác rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc. Điều này đã góp phần khắc phục tình trạng suy thoái rừng, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và rừng được tạo mới. Tuy nhiên bên cạnh đó, những hoạt động khai thác lâm sản, cải tạo rừng cũng chấm dứt, đồng nghĩa với việc các CR không thuộc diện hộ nghèo, hộ ĐBDTTS không còn quyền lợi gì từ diện tích rừng được giao khoanh nuôi, bảo vệ. Cùng với những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thì đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người dân không “mặn mà” với các diện tích rừng được giao.
 
Về nhân lực BVR, trên thực tế có những hộ gia đình nhận khoán từ những năm 1990-1995. Trải qua gần 30 năm, có những CR đã qua đời nhưng vẫn đứng tên. Và rất nhiều CR đã hết tuổi lao động, con cái đi làm ăn xa, việc bảo vệ, khoanh nuôi chỉ là trên danh nghĩa, các diện tích rừng gần như bị phó mặc. Đối với CR là các tổ chức, vấn đề thiếu nhân lực vẫn là bài toán nan giải, trong khi đó công tác BVR đòi hỏi trách nhiệm cao, áp lực lớn, nhưng các chế độ, chính sách đãi ngộ vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Và thực trạng giao đất, giao rừng những năm qua còn nhiều tồn tại. Bên cạnh sự mơ hồ trong ranh giới, sự “vênh” nhau giữa hồ sơ và thực địa, có những diện tích rừng quá xa khu dân cư, giao thông khó khăn… đã dẫn đến việc CR không thể nắm rõ ranh giới, bao quát và bảo vệ.
 
Những nguyên nhân nêu trên cũng đã được các cơ quan chức năng nắm bắt và từng bước có sự điều chỉnh. Hiện, dự thảo nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp đang được trình Chính phủ. Việc triển khai thực hiện nghị định mới với các chính sách toàn diện, nội dung phù hợp trong giai đoạn phát triển hiện nay được kỳ vọng sẽ góp phần quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
 
Là tỉnh xếp thứ hai về độ che phủ rừng trong cả nước với 68,7%, những năm qua Quảng Bình đã thực hiện cơ bản hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm và nhiệm kỳ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trước những tồn tại, khó khăn từ thực tiễn của địa phương, cơ sở, cần có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVR nói chung, chất lượng chăm sóc các diện tích rừng được giao cho các hộ dân, tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ nói riêng.
 
Đó là tổng rà soát đối với các CR là hộ gia đình. Những CR không bảo đảm điều kiện về nhân lực cần được động viên để chuyển giao các diện tích rừng cho đúng đối tượng. Quá trình chuyển giao cần có các chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng cho các CR. Tại một số địa phương, cơ quan chức năng cũng đã vận động bà con trả lại rừng nếu không đủ khả năng bảo vệ. Tuy nhiên với tâm lý chờ đợi những đổi thay về chính sách có thể mang lại nguồn lợi cho gia đình nên rất ít hộ chủ động giao lại rừng. Do đó, đối với các diện tích rừng đã nhận khoán, đa số hộ dân đang ở tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì nặng”.
 
Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức cho CR, cần xây dựng các cơ chế tạo thuận lợi cho bà con trong sản xuất, canh tác dưới tán rừng, khai thác các loại lâm sản Nhà nước không cấm, các dịch vụ từ môi trường rừng, góp phần tăng thu nhập để bà con yên tâm chăm sóc, khoanh nuôi, BVR.   
 
Chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan liên quan để rà soát, thống kê diện tích đất rừng, bảo đảm các CR nắm rõ các diện tích được giao khoanh nuôi, bảo vệ. Đồng thời cần nghiên cứu, hỗ trợ, triển khai các mô hình quản lý, BVR theo cộng đồng, nhóm hộ để có sự liên kết, hỗ trợ.  
 
Bên cạnh việc sửa đổi cơ chế, chính sách, những giải pháp này sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề từ gốc, thay vì những giải pháp mạnh nhưng chỉ giải quyết phần ngọn khi xảy ra các vụ việc phá rừng.
 
Được biết, nghị định mới về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp đang được trình Chính phủ kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập của Nghị định 75/2015/NĐ-CP, trong đó có các chính sách hỗ trợ CR. Đây là cơ sở quan trọng, tín hiệu vui đối với người giữ rừng, để cùng chung tay thực hiện tốt mục tiêu phát triển rừng bền vững trong giai đoạn mới.
 
Ngọc Mai

tin liên quan

Quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND về ban hành Quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại TX. Ba Đồn

(QBĐT) - Ngày 11/4, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại thị xã Ba Đồn.

Phổ biến các văn bản pháp luật về lĩnh vực du lịch

(QBĐT) - Chiều 11/4, Sở Du lịch tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật về lĩnh vực du lịch năm 2023 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn TP. Đồng Hới, huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.