Minh Hóa: Đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng
(QBĐT) - Thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, huyện Minh Hóa đã có nhiều hoạt động thiết thực đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. CVĐ đã lan tỏa đến 98% người trên địa bàn huyện.
Là huyện miền núi, có nhiều xã thuộc vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống, những năm trước đây, thị trường tiêu dùng ở huyện Minh Hóa chủ yếu là chợ truyền thống và các sạp hàng nhỏ lẻ tự phát, hàng bán rong… Do vậy, hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là hàng Trung Quốc chất lượng thấp được bày bán tràn lan trong khi người tiêu dùng không có sự lựa chọn khác.
Để người dân trên địa bàn huyện dần thay đổi thói quen tiêu dùng, ưu tiên mua sắm, sử dụng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo CVĐ, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước và ý nghĩa, mục đích của CVĐ "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đồng thời, đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam, kiên quyết tẩy chay hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong đó, BCĐ CVĐ đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhằm chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua việc: Niêm yết giá, kiểm tra việc bán theo giá niêm yết, góp phần ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn huyện, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.
Tại các chợ khu vực nông thôn, miền núi, hàng hóa còn hạn chế, không đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho bà con, huyện Minh Hóa cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, hàng hóa về khu vực nông thôn, miền núi, vùng ĐBDTTS để tiếp cận gần hơn với người dân địa phương. Trong năm 2022, Minh Hóa cũng đã tổ chức 2 đợt hội chợ thương mại với quy mô hơn 100 gian hàng, đây là dịp để mọi người dân được trực tiếp tìm hiểu thông tin và mua sắm các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, góp phần lan tỏa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa Nguyễn Cảnh Tuấn cho biết: Điểm nhấn của CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Minh Hóa là vận động doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện ưu tiên, cấp phép kinh doanh bán hàng lưu động phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt 3 xã miền núi rẻo cao, như: Dân Hóa, Trọng Hóa và Thượng Hóa. Qua các năm, số lượng phiên chợ ở các xã vùng sâu, vùng xa được huyện Minh Hóa tổ chức tăng mạnh, số chuyến xe bán hàng lưu động ngày càng được nhiều doanh nghiệp, tiểu thương thực hiện; quy mô triển khai, chất lượng hàng hóa được nâng cao, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong huyện.
Anh Đinh Minh Thuận, xã Dân Hóa cho biết: Hiện nay, hàng hóa về địa phương ngày càng nhiều, người dân chúng tôi đã tiếp cận được với hàng hóa Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, mỗi tháng ở Dân Hóa có đến 6 phiên chợ, hàng hóa lưu động ở các nơi khác đưa về rất nhiều, người dân có thể lựa chọn thoải mái.
Trong quá trình triển khai CVĐ, vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác phối hợp triển khai thực hiện CVĐ giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa đồng bộ; việc quảng bá, thông tin về hàng hóa sản phẩm sản xuất trong nước chưa nhiều; tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn nhiều; tâm lý, thói quen sính hàng ngoại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, nhất là những người có thu nhập cao…
|
Để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước cũng như quyền lợi người tiêu dùng, hàng năm, huyện Minh Hóa cũng đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành về chất lượng, giá sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cấp tỉnh như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành các sở để kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý, tiêu hủy các mặt hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời chấn chỉnh công tác niêm yết công khai giá theo quy định.
Với những việc làm thiết thực, đến nay, nhận thức và thói quen của người tiêu dùng hàng Việt Nam trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi, lan tỏa đến 98% người dân trên địa bàn. Trên thị trường huyện, hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, chiếm 85% tại các chợ, siêu thị trên địa bàn. Các tổ chức, cơ quan trên địa bàn đã thực hiện mua sắm các thiết bị có nguồn gốc sản xuất trong nước. Hạn chế tối đa các mặt hàng sản xuất nước ngoài, khi cần thiết phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đến nay việc điều trị chăm sức sức khỏe nhân dân tại bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn, sử dụng 90% thuốc sản xuất trong nước. Đặc biệt, BCĐ CVĐ cũng đã tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng thuốc nam, chữa trị bằng đông y.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa cho biết: Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt được hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, BCD CVĐ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung CVĐ đến tận các tầng lớp nhân dân; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; phối hợp với các đơn vị liên quan, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; duy trì thu hút hội chợ thương mại tại Hội Rằm tháng ba hàng năm và Tết Nguyên đán tại huyện Minh Hóa; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá tuyến, điểm du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm, hàng hóa địa phương đến tay người tiêu dùng…
Thanh Hoa
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.