Vui, buồn "nghề" canh tàu cá
(QBĐT) - Trong muôn nẻo đường nghề, những người làm nghề canh giữ tàu cá của ngư dân sau những chuyến ra khơi hay trong mùa biển động luôn chứa đựng nhiều câu chuyện vui buồn…
Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến thăm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Gianh (xã Bắc Trạch, Bố Trạch). Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Long, một chủ tàu ở xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) cho biết: Mỗi tháng tàu nghỉ ra khơi từ 10-15 ngày. Vì vậy, tôi phải thuê người trông coi tàu. Bình thường mùa nắng thì người giữ tàu ở lại tầm 10-12 ngày, đến mùa đông có khi cả tháng.
Anh Cao Quý Chung, cán bộ khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Gianh cho biết: Ở đây bảo đảm cho trên 400 tàu vào neo đậu. Chủ tàu là những người ở các xã lân cận hoặc ngoại tỉnh, nên việc thuê người trông giữ tàu là rất cần thiết nhằm giảm thiểu những rủi ro trong khu neo đậu.
Chị Hồ Thị Ánh (55 tuổi), ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho hay: Tôi làm nghề canh tàu cá này cũng đã được 5 năm rồi. Mỗi tháng tôi ở lại tàu khoảng 10-15 ngày tùy theo lịch đi biển của chủ tàu. Buổi tối, một mình trông tàu khá buồn nhưng tôi cũng cố gắng làm việc để kiếm thêm 1,5 triệu đồng/tháng nhằm trang trải cuộc sống.
Cũng theo chị Ánh: "Công việc này phù hợp với sức khỏe của chị lại chủ động về thời gian. Nên dù có những lúc vất vả như phải hút nước, tát nước khi bị tràn vào tàu, thường xuyên kiểm tra phòng tránh cháy nổ..., nhưng vì gắn bó với nghề khá lâu nên tôi cũng quen dần".
Thông thường, vào mùa nắng, những người giữ tàu làm việc từ ngày 13-18 âm lịch hàng tháng; mùa mưa, thời gian giữ tàu sẽ kéo dài hơn, từ tháng 8-9 đến cuối tháng 11 âm lịch. Mỗi ngày giữ tàu được 80-100 nghìn đồng/tàu. Công việc canh tàu mặc dù đơn giản nhưng trách nhiệm khá lớn. Nếu xảy ra rủi ro khi trông giữ thì đa phần hai bên tự thương lượng. “Mình chỉ hợp đồng miệng, nên mỗi khi có sự cố xảy ra về người hay về tài sản cũng phải chấp nhận theo kiểu “lệ làng” thôi”, một người giữ tàu cho biết.
Ông Trần Hữu Ku (71 tuổi), ở xã Đức Trạch, người có kinh nghiệm canh tàu cá gần 10 năm, cho biết: Trước đây gia đình tôi cũng là dân biển, trong nhà từng có có 2-3 chiếc tàu. Nhưng nay già rồi nên tôi chọn nghề canh tàu. Nói "nghề" canh tàu có vẻ đơn giản nhưng nghề này dễ đối mặt với nhiều rủi ro không lường trước được. Có đợt nhiều tàu bị mất trộm bình ắc quy, lưới, neo, chân vịt... anh em giữ tàu mất thu nhập trong vài tháng. Tàu mất trộm thì người canh tàu phải bồi thường, có thiết bị đắt tiền mấy chục triệu đồng. Tàu tôi may mắn chưa bị mất trộm, nhưng anh em ở đây lâu lâu lại bị nạn vậy".
Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quảng Bình Đặng Thuyên cho biết: Hiện, toàn tỉnh có các khu neo đậu, như: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Gianh; khu neo đậu tại tránh trú bão cho tàu cá thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Chợ Gộ (Quảng Ninh)... Với các khu neo đậu này đã đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú cho tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, số lượng tàu cá vào ra, tránh trú nhiều như vậy đồng nghĩa với việc những người canh tàu cũng nhộn nhịp theo nghề của mình. Mỗi tháng thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 1,5-2 triệu đồng. Mức thu nhập này quá thấp so với thực tế công việc cũng như trách nhiệm đặc trưng của nghề nghiệp.
Được biết, lực lượng làm nghề canh tàu có đến 70% là phụ nữ, có khoảng 50% là người lớn tuổi. Họ không hề được trang bị các thiết bị bảo hộ cần thiết, không có kiến thức cũng như những phương án ứng phó khi gặp các tình huống rủi ro hay khi tai nạn nghề nghiệp ập đến.
Thiết nghĩ, các cơ quan, ban, ngành chức năng quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động này; cần có những lớp tập huấn dạy kỹ năng và xử lý tình huống để hạn chế thấp nhất những rủi ro nghề nghiệp có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người lao động, góp phần tạo nên môi trường làm việc an toàn và ổn định.
Hiền Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.