Điểm tựa cho người dân phát triển kinh tế

  • 11:03 | Thứ Tư, 30/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) thực sự phát huy hiệu quả khi giúp người dân có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và phát triển mô hình trang trại, gia trại lớn hơn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Về thôn Khương Hà, Hưng Trạch (Bố Trạch) hỏi về chị Ngô Thị Nga, không ai là không biết. Ở thôn, chị là một trong những hộ tiêu biểu về khởi nghiệp và phát triển kinh tế giỏi. Chị Nga cho hay: “Gia đình tôi trước đây kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng. Làm thì chỉ đủ ăn, chứ nói để làm giàu thì rất khó. Lúc đó tôi đã suy nghĩ phải tập trung phát triển thêm những mô hình kinh tế khác để có thêm thu nhập cho gia đình".
 
Được sự tư vấn của chị em phụ nữ thôn, chị Ngô Thị Nga mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ gói vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn. Từ vài con lợn, tôi đã tái đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau nhiều năm đầu tư phát triển, hiện tại gia đình tôi có 12 con lợn nái, 240 con lợn thịt.
 
“Máu” làm giàu của chị vẫn chưa dừng ở đó, với tính cần cù, chịu khó, chị Nga còn đầu tư chăn nuôi bò, gà nhằm thêm nguồn thu nhập. Để tăng hiệu quả kinh tế và chủ động nguồn thức ăn phục vụ cho mô hình chăn nuôi, chị đã đầu tư trồng thêm 3ha sắn. “Sẵn diện tích đất gò đồi của gia đình, tôi đã trồng 3ha sắn để tăng thêm nguồn thu nhập, lại vừa có nguồn thức ăn cho gà và lợn. Chăn nuôi bằng thức ăn chính là sắn nên đầu ra của gà, lợn trang trại tôi được khách hàng ưa chuộng mà giá thành cũng cao hơn”, chị Nga chia sẻ.  
 Nguồn vốn vay tín dụng đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế.
Nguồn vốn vay tín dụng đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế.
Ngoài mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chị còn đầu tư nuôi 250 tổ ong lấy mật. Mô hình kinh tế tổng hợp này đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định hàng năm trên 200 triệu đồng. Nhờ thu nhập khấm khá, gia đình chị đã xây được nhà cửa khang trang và đầu tư cho các con học hành.
 
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng CSXH thực sự đã trở thành điểm tựa để những hộ gia đình như chị Nga và nhiều hộ gia đình khác vươn lên phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Những năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH của Chính phủ thực sự đã phát huy hiệu quả khi đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thông qua các địa phương, tổ chức, các gói vay đã đến được đúng đối tượng vay ở vùng nông thôn, miền núi. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ đã đầu tư phát triển kinh tế. Từ những mô hình nhỏ ban đầu, nhiều hộ đã phát triển thành những mô hình chăn nuôi, trồng trọt có quy mô lớn.
 
Hiện nay, phương thức cho vay chủ yếu của NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình là cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân. Qua phương thức vay này, các tổ chức chính trị đã lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao vốn tín dụng. Bên cạnh đó, để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng cần vay, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cũng phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, thường xuyên quan tâm, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở. Những tổ này thực hiện nhiệm vụ tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người đủ điều kiện để cho vay dưới sự giám sát của chính quyền và các tổ chức hội.
 
Phương thức cho vay này đã thể hiện được những ưu điểm khi đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chuyển tải nguồn vốn tín dụng CSXH đến hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội.
 
NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Đến thời điểm hiện tại, doanh số cho vay đạt trên 1.494 tỷ đồng, bình quân cho vay 62,7 triệu đồng/khách hàng, tăng so với năm 2021 là 15,4 triệu đồng/khách hàng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 6.985 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,17% tổng dư nợ ủy thác. Trong 9 tháng năm 2022, có hơn 21 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn hàng nghìn lao động địa phương.
 
Đ.N
 

tin liên quan

Doanh nghiệp đẩy mạnh khuyến mại, kích cầu tiêu dùng

(QBĐT) - Hưởng ứng "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2022" từ ngày 15/11-22/12 trên phạm vi toàn quốc, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Qua đó kích cầu tiêu dùng, khai thác tối đa thị trường nội địa, nâng cao mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dịp cuối năm, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.

TX. Ba Đồn: Chuyển biến trong quản lý tài nguyên khoáng sản

(QBĐT) - Mặc dù không có nhiều tài nguyên khoáng sản (TNKS) và trữ lượng không lớn như các địa bàn lân cận, nhưng thời gian qua tình trạng vi phạm trong vận chuyển, khai thác trên địa bàn TX. Ba Đồn vẫn diễn ra. UBND thị xã đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và các xã, phường tăng cường quản lý TNKS, quyết tâm đưa công tác này đi vào nền nếp.

Trồng 14,3ha cây dược liệu dưới tán rừng

(QBĐT) - Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, chi cục đã hỗ trợ cho bà con trong tỉnh trồng 14,3ha cây dược liệu dưới tán rừng.