Quảng Thạch mất mùa tiêu

  • 13:55 | Thứ Ba, 28/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, nhiều diện tích tiêu của xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) đã bị nhiễm các loại bệnh, giảm năng suất nặng nề. Đặc biệt vụ tiêu năm 2021, bà con nông dân đã mất rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc cho các diện tích tiêu, nhưng thành quả mang lại không được như mong đợi khi cây tiêu bị mất mùa trầm trọng.
 
Thời gian qua, hầu hết các vườn tiêu của bà con nông dân xã Quảng Thạch đã bị nhiễm các loại bệnh chết thâm, héo úa, có những diện tích tiêu vẫn xanh tốt nhưng lại không có quả, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng.
 
Thôn 4 xã Quảng Thạch có 100% hộ dân tham gia trồng tiêu, với tổng diện tích khoảng 12ha. Hàng năm, cho sản lượng khoảng 20 tấn hạt tiêu. Tuy nhiên, vụ tiêu năm 2021, sản lượng thu hoạch chỉ đạt bằng 1/10 so với các năm.
 
Ông Trần Đức Dục, thôn 4 xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây tiêu để phát triển kinh tế, nhưng năm 2021, cây tiêu hầu như không cho hạt khiến bao tiền của, công sức của gia đình đổ sông đổ bể.
 
Vụ mùa năm sau chúng tôi rất mong các cấp có chính sách hỗ trợ để người dân trồng tiêu giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, có động lực tiếp tục duy trì diện tích tiêu hiện có".
 
“Mất mùa tiêu đồng nghĩa với đời sống người dân sẽ vất vả hơn rất nhiều. Để khắc phục khó khăn,  bà con phải tăng gia, sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng, trồng xen các loại cây nén, gừng, nghệ vào các diện tích tiêu, lấy cây này bù cây kia, có thêm nguồn thu nhập”, ông Hoàng Phi Long, Trưởng thôn 4, xã Quảng Thạch chia sẻ thêm.
 
Là một trong những gia đình có diện tích trồng tiêu lớn, với khoảng 600 gốc, hàng năm, gia đình anh Nguyễn Văn Tý ở thôn 4 xã Quảng Thạch phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để mua phân bón, lắp đặt hệ thống tưới nước, bảo đảm cho cây tiêu phát triển tốt.
 
Đến mùa thu hoạch, gia đình anh Nguyễn Văn Tý huy động thêm 3-4 lao động để phụ giúp gia đình hái tiêu, phơi tiêu. Nếu được mùa, mỗi năm, gia đình anh Tý thu được gần 1 tấn tiêu. Nhưng năm nay, sau bao nhiêu công sức, tiền của đã bỏ ra, gia đình anh Tý chỉ thu hoạch được khoảng 70kg hạt tiêu. 
Anh Nguyễn Văn Tý  (thôn 4 xã Quảng Thạch) lo lắng về vụ tiêu mất mùa.
Anh Nguyễn Văn Tý (thôn 4 xã Quảng Thạch) lo lắng về vụ tiêu mất mùa.
Anh Nguyễn Văn Tý tâm sự: "Kinh phí cho con cái học hành, chi tiêu, mua sắm, sinh hoạt trong gia đình... chủ yếu dựa vào cây tiêu, nhưng năm nay thực sự mất mùa nặng nề. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, kinh tế gia đình sẽ rất vất vả, rất khó duy trì diện tích tiêu hiện tại".
 
Do có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây tiêu, những năm trước đây, xã Quảng Thạch luôn xác định cây tiêu là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
 
Hiện toàn xã Quảng Thạch có khoảng 580 hộ trồng tiêu với trên 65ha. Để hoàn thiện các diện tích trồng tiêu, bà con nông dân phải đầu tư rất nhiều công đoạn, như: Làm luống, đào hố, bón phân, trồng các loại cây để làm trụ cho tiêu leo, sau đó mới tiến hành hom tiêu, che, ủ cho tiêu lên mầm, đầu tư hệ thống tưới nước, làm cỏ, bón phân quanh năm.
 
Nếu cây tiêu phát triển tốt thì mỗi ha cho thu hoạch từ 1,5-2 tấn tiêu hạt, tổng sản lượng toàn xã đạt khoảng 110 tấn, trị giá trên 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021, cây tiêu mất mùa do bị bệnh, sản lượng toàn xã Quảng Thạch chỉ thu hoạch được chưa đầy 5 tấn, các hộ dân trồng tiêu gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ông Phan Duy An, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: "Cây tiêu là cây trồng chủ lực của người dân xã Quảng Thạch, nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021, qua kiểm tra thực tế cho thấy, sản lượng cây tiêu bị giảm rất mạnh do ảnh hưởng của thời tiết. Thời gian tới, chính quyền địa phương nỗ lực triển khai các giải pháp khắc phục, trước hết là vận động bà con chuyển đổi một số diện tích cây tiêu đã trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Đồng thời, xã khuyến khích, vận động bà con tiếp tục chăm bón những diện tích tiêu mới trồng, diện tích đang có khả năng cho hiệu quả cao. Đặc biệt, địa phương cũng sẽ có kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị liên quan để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm tiêu của nông dân".
 
Để giảm thiểu rủi ro cho các hộ dân trồng tiêu, xã Quảng Thạch cũng đã vận động, hướng dẫn nông dân tận dụng các diện tích đất đồi, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng tiêu bị bệnh sang trồng các loại cây có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, như: Nén, gừng, nghệ và một số loại cây ăn quả khác. Bà con có thể trồng dặm các loại cây trên vào diện tích tiêu đang phát triển để tăng thêm thu nhập.
 
Theo đó, đến nay, toàn xã Quảng Thạch đã phát triển được khoảng 100ha trồng các loại cây, nén, gừng, nghệ và cây ăn quả. Người dân cũng đã tích cực trồng luân canh các loại cây hoa màu theo mùa vụ, nâng cao thu nhập kinh tế, không để đất bị bỏ hoang.  
 
Thế Lực-Mỹ Hiền
(Đài TT-TH Quảng Trạch)
 
 
 
         
 
 

tin liên quan

Hướng tới thương hiệu "Cam Lệ Thuỷ"

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của huyện Lệ Thủy về chuyển đổi diện tích đất gò đồi hiệu quả thấp sang trồng cam và các loại cây có múi, nhiều người dân địa phương đã nắm bắt cơ hội này để từng bước làm giàu trên chính vườn đồi quê hương. Vụ thu hoạch năm nay, cây cam ở Lệ Thủy được mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phục hồi sản xuất công nghiệp sau giãn cách xã hội

(QBĐT) - Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn kịp thời của tỉnh cùng sự hướng dẫn của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các DN đang từng bước khắc phục khó khăn, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Nông dân Quảng Trạch: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Quảng Trạch đã khuyến khích hội viên tích cực phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, gắn với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.