Hướng tới thương hiệu "Cam Lệ Thuỷ"

  • 10:37 | Thứ Ba, 28/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm trở lại đây, thực hiện chủ trương của huyện Lệ Thủy về chuyển đổi diện tích đất gò đồi hiệu quả thấp sang trồng cam và các loại cây có múi, nhiều người dân địa phương đã nắm bắt cơ hội này để từng bước làm giàu trên chính vườn đồi quê hương. Vụ thu hoạch năm nay, cây cam ở Lệ Thủy được mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Cơn bão năm 2016 đã làm cho 0,25ha diện tích cây cao su của gia đình anh Trần Văn Xuyến và chị Trần Thị Hạnh ở thôn Trường Giang, xã Trường Thủy bị gãy đổ hoàn toàn. Được sự hỗ trợ từ dự án cam mật Quảng Bình của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, gia đình anh chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn sang trồng 150 gốc cam mật bản địa.
 
Nhờ được tham quan học tập mô hình, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, anh chị đã hiểu đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây cam, từ đó, áp dụng kỹ thuật chăm sóc để cây đủ sức vượt qua giai đoạn thích nghi ban đầu, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của vùng đất gò đồi Lệ Thủy.
 
Sinh trưởng từ 3-4 năm, cây cam đã phát triển xanh tốt và bắt đầu cho quả. Phấn khởi trước thành quả lao động của gia đình, chị Trần Thị Hạnh chia sẻ: “Năm 2020, vườn cam đã ra quả bói, gia đình tôi thu được 1,5 tấn quả. Giá bán lúc đó 25.000 đồng/kg, được trên 30 triệu đồng, đủ tiền chi phí đầu tư và công chăm sóc cây cam những năm đầu.
 
Năm nay, cam trĩu quả, giá bán có thấp hơn nhưng với 4 tấn quả, gia đình tôi cũng thu được khoảng 80 triệu đồng, trong đó, lãi từ 50-60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng cao su trước đây”.
 
Trường Thủy là xã vùng gò đồi, có diện tích trồng cam lớn nhất huyện Lệ Thủy với 35ha, trong đó chủ yếu là giống cam mật bản địa, cam Vũ Quang Hà Tĩnh, cam Khe Mây. Giai đoạn khó khăn nhất là những năm đầu khi mới trồng, cây thường gặp các bệnh, như: Lá sâu vẽ bùa, sâu đục thân…, đòi hỏi người trồng phải theo dõi, phát hiện mầm bệnh sớm để kịp thời phun thuốc phòng trừ.
Từ 150 gốc cam, năm 2021, gia đình anh Trần Văn Xuyến thu lãi từ 50-60 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng cây cao su trước đây.
Từ 150 gốc cam, năm 2021, gia đình anh Trần Văn Xuyến thu lãi từ 50-60 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng cây cao su trước đây.
Trong quá trình trồng, phải tiến hành bấm tỉa những cành sâu bệnh, cành khuất sâu trong tán, chỉ chọn lọc để lại những cành đủ sức cho quả. Vượt qua mấy năm đầu, cây sẽ phát triển dồi dào sức sống, dễ chăm sóc và bước sang giai đoạn cho quả. Thời điểm này, trên các vườn đồi ở xã Trường Thủy, người dân đang tất bật thu hoạch cam, với năng suất đạt khoảng 2 tấn/ha; giá bán tại vườn 20.000 đồng/kg, chủ vườn thu về trên dưới 400 triệu đồng/ha.
 
Ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy cho biết: “Hiện tại, cơ bản tại các vườn, bà con đã thu hoạch xong, chỉ còn một số ít vườn cam mật bản địa chín muộn hơn. UBND xã tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để kết nối với doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm cho bà con hiện tại và cả trong những năm tới. Xã đề nghị UBND huyện, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy tạo mọi điều kiện để xây dựng thương hiệu cam Trường Thủy theo tiêu chuẩn VietGAP, có nhãn mác để kết nối tiêu thụ về lâu dài”.
 
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Lệ Thủy có trên 85ha diện tích trồng cam, trong đó trên 44ha cho sản phẩm. Vụ cam năm nay thu hoạch trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp  nên đầu ra có phần khó khăn hơn và giá bán tại vườn giảm 5 ngàn đồng/1 kg so với vụ năm ngoái.
 
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cam trong huyện khá mạnh, một phần lớn là nhờ sự vào cuộc của lực lượng bán hàng online trên địa bàn. Từ 1 ha trồng cam, người dân thu lãi trên 300 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây rừng trước đây.
 
Theo ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; đồng thời, mở các lớp chuyển giao hoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật cắt cành, tạo tán, chăm sóc cây cho bảo đảm năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng. Chúng tôi sẽ hỗ trợ cho bà con xây dựng các vùng theo tiêu chuẩn VietGAP và phân tích chất lượng sản phẩm, dán tem truy xuất nguồn gốc, tiến tới đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm Cam Lệ Thủy”.
 
An Phương - Hoài Thu
(Đài TT-TH Lệ Thủy)
 
 

tin liên quan

Phục hồi sản xuất công nghiệp sau giãn cách xã hội

(QBĐT) - Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn kịp thời của tỉnh cùng sự hướng dẫn của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các DN đang từng bước khắc phục khó khăn, vừa chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Nông dân Quảng Trạch: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

(QBĐT) - Thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Quảng Trạch đã khuyến khích hội viên tích cực phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, gắn với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Trạch bị đình trệ. Để kịp thời giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, huyện Quảng Trạch đã kịp thời ban hành kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ. Đến nay, một số doanh nghiệp đã nhận được gói hỗ trợ, qua đó, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh.