.

Đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo

.
10:23, Thứ Bảy, 07/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Lâu nay, người dân xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn luôn giữ tập quán sản xuất lạc hậu, dựa hoàn toàn vào tự nhiên, được mùa hay mất mùa là do thời tiết. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa các mô hình kinh tế giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Khi mới được chia tách và thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nam Hóa lên đến 78% (năm 2003), tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của cán bộ và người dân Nam Hóa trong suốt nhiều năm qua, bộ mặt xã Nam Hóa đã có nhiều khởi sắc,đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo nay giảm xuống còn 27%.

Ông Trần Kim Tuyến, Chủ tịch UBND xã Nam Hóa cho biết, khi mới thành lập, nơi đây chủ yếu là rừng núi hoang vu, giao thông đi lại khó khăn, đất canh tác ít, dân cư thưa thớt, nghèo khó…

Mô hình trồng cỏ, nuôi bò lai đang được người dân xã Nam Hóa tích cực hưởng ứng.
Mô hình trồng cỏ, nuôi bò lai đang được người dân xã Nam Hóa tích cực hưởng ứng.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Nam Hoá đã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung khai thác, phát huy thế mạnh của địa phương, như: đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong lấy mật, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, tích cực phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ-thương mại…nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Theo ông Tuyến, cuộc sống của người dân Nam Hóa gặp khó khăn chủ yếu do không có nguồn vốn để sản xuất, thiếu đất canh tác hoặc có đất canh tác nhưng đất kém hiệu quả ... Chính vì vậy, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn và kỹ thuật cho người dân phát triển sản xuất.

Xã giao nhiệm vụ cho cán bộ khuyến nông thường xuyên theo sát tình hình sản xuất nông nghiệp trong xã, phát huy lợi thế của vùng gò đồi, tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình có thu nhập cao được xã tiếp tục nhân rộng và bảo đảm quyền lợi cũng như đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân thoát nghèo.

Đặc biệt, UBND xã đã xây dựng các mô hình giảm nghèo với trọng tâm là phát triển bò cái lai sinh sản. Việc nhân rộng mô hình này trong những năm qua đã giúp các hộ nghèo nơi đây có thêm thu nhập, tạo động lực vươn lên thoát nghèo. Hiện xã Nam Hóa có tổng đàn gia súc khoảng 1.500 con (trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 58% tổng đàn) và đã trồng được 45ha cỏ chất lượng cao để nuôi bò.

Nhằm giúp người dân thoát nghèo, hàng năm, từ nguồn kinh phí của Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới, bà con được hỗ trợ một con bò lai sinh sản với hình thức đối ứng 50/50, tức là một con bò giống thì người được hưởng phải chịu 50% chi phí.

Trước khi cấp bò cho dân về nuôi, UBND xã phải lựa chọn và bình xét, bảo đảm các hộ phải có nhân lực nuôi được bò và phát triển thành đàn được, phải cam kết không bán bò khi bò chưa sinh sản. Trước và sau khi nhận bò về nuôi, người dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng cỏ, dạy nghề thú y để chủ động phòng trừ bệnh cho bò…

Ông Hoàng Văn Hữu, thôn Hà Trang là một hộ nghèo lâu năm của xã Nam Hóa, trước đây, thu nhập chính của gia đình ông là từ mấy sào ruộng, không đủ chi tiêu và cho con cái ăn học, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Thế nhưng, nhờ trồng cỏ, nuôi bò cái lai sinh sản mà hiện nay gia đình ông đã thoát nghèo. Hiện, nhà ông có 5 con bò.Từ chỗ hai bàn tay trắng, giờ trong tay ông cũng có hàng chục triệu đồng để làm vốn.

Trồng khoai lang trên đất kém hiệu quả cho thu nhập gấp 3 lần trồng cây lúa.
Trồng khoai lang trên đất kém hiệu quả cho thu nhập gấp 3 lần trồng cây lúa.

Bên cạnh mô hình nuôi bò cái lai sinh sản, xã đang khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang Hà Nam Vương để cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp làm miến khoai lang.

Mặc dù mới thử nghiệm với diện tích 2ha trong năm 2017, nhưng theo ông Tuyến, mô hình có hiệu quả gấp 3 lần trồng lúa nên bà con rất phấn khởi. Năm 2018, UBND xã sẽ khuyến khích bà con chuyển đổi 8ha lúa bạc màu còn lại sang trồng khoai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, mô hình trồng rừng kinh tế cũng được chính quyền nơi đây quan tâm, hiện toàn xã có 240ha rừng kinh tế chủ yếu là cây keo lai. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật cũng được người dân hưởng ứng tích cực…

Nhờ đa dạng hóa các mô hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở Nam Hóa đạt 14,6 triệu đồng/người/năm thì năm 2017 đã tăng lên đến 19 triệu đồng/người/năm. Dự kiến, tiêu chí thu nhập của xã sẽ đạt mục tiêu nông thôn mới vào năm 2020.

Thanh Hoa
 

,