.
Lệ Thủy:

Để biển trở thành điểm đến hấp dẫn

.
09:36, Thứ Năm, 05/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, huyện Lệ Thủy chú trọng đầu tư phát triển du lịch, đưa ngành "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong đó có du lịch biển.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, du lịch biển Lệ Thủy vẫn nằm ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác một cách hiệu quả, thiết thực. Biển vẫn chưa thực sự trở thành một điểm dừng chân hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá cảnh quan, sinh thái quê hương Đại tướng.

Theo Kế hoạch số 535/KH-UBND ngày 19-3-2018 của UBND huyện Lệ Thủy về phát triển dịch vụ - du lịch năm 2018, huyện tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ - du lịch, ưu tiên đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái Khe Nước Trong, bãi tắm Tân Hải, Bàu Sen; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp các cơ sở lưu trú và nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch…

Bãi biển xã Ngư Thủy Bắc thu hút ngày càng nhiều du khách.
Bãi biển xã Ngư Thủy Bắc thu hút ngày càng nhiều du khách.

Trên thực tế, hiện nay, các bãi biển ở Lệ Thủy vẫn còn khá hoang sơ, nhếch nhác, chưa được quy hoạch, xây dựng một cách bài bản, trong khi vào mùa hè, lượng khách (chủ yếu là người dân trên địa bàn huyện) đến với biển khá lớn, nhất là vào các dịp cao điểm và ngày nghỉ, ngày lễ. Đơn cử như bãi tắm biển ở xã Ngư Thủy Bắc.

Các bãi giữ xe nơi đây không theo một trật tự nhất định, không được sắp xếp ngay ngắn theo hàng lối, mạnh ai nấy bỏ, choán hết cả lối đi; nơi thì có vé, nơi không, tùy thích. Tại đây, dù các hộ gia đình đã đấu thầu, chia lô, nhưng lại không có hàng rào, dây chằng ngăn cách giữa các bãi giữ, khiến cho tình trạng xe cộ rất lộn xộn.

Các hàng quán phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho thực khách cũng vô cùng nhếch nhác, tuềnh toàng, mất mỹ quan. Từ mái nhà, bạt che, bàn ghế cho đến các khu vực chế biến thức ăn, đồ uống… đều tạm bợ. Chưa kể, sau khi du khách ra về, trên bờ cát, dưới biển và dọc đường là một "chiến trường" rác thải với đầy đủ chủng loại.

Dẫu biết rằng, hàng quán ở đây chủ yếu đông khách vào dịp 2 tháng hè, nhưng thiết nghĩ, để thu hút khách du lịch và tạo được dấu ấn bền vững, các hộ kinh doanh cần có sự đầu tư lâu dài, nỗ lực xây dựng môi trường sạch, đẹp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường biển.

Đáng lưu ý, chúng tôi không hề thấy một tấm biển cảnh báo nguy hiểm hay bóng dáng lực lượng cứu hộ, phương tiện cứu sinh nào ngoại trừ mấy chiếc phao tắm bằng săm ô tô dùng để cho thuê để ở trên bờ. So với các bãi biển trong tỉnh, bãi tắm Ngư Thủy Bắc được xem là bằng phẳng, ít vùng xoáy và nước khá trong. Nhưng không có nghĩa như thế là bảo đảm an toàn tuyệt đối 100% cho người tắm, nhất là các em nhỏ.

Một điểm nữa cũng cần được nói đến, đó là tại đây hầu như không có công trình vệ sinh công cộng, không một bể chứa rác. Du khách và người dân địa phương cứ “tiện đâu xả đấy”. Giá như nơi đây, các hàng quán đều có công trình vệ sinh riêng, nhà tắm nước ngọt riêng và đặt các thùng chứa rác dọc trên bờ thì sẽ tránh được những hình ảnh không mấy đẹp mắt.

Hiện tại đang là cao điểm của mùa hè và mùa du lịch, ngày càng có nhiều du khách biết và tìm đến các bãi biển của Lệ Thủy, nhất là biển Ngư Thủy Bắc. Vì vậy, cần có sự vào cuộc kịp thời và mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch các hàng quán, xây dựng những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách khi tham gia tắm biển.

Có như thế, biển sẽ trở nên đẹp hơn, sạch hơn và thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đồng thời góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch huyện nhà.

Văn Hải

                                                                                                    

 

      


 

,