Thầy giáo... dạy mầm non
(QBĐT) - Vốn là nhân viên văn phòng của một trường mầm non (MN), nhưng với lòng yêu trẻ, anh Cao Văn Chương đã quyết tâm học lên đại học, nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo. Sau khi tốt nghiệp, năm 2020, anh được tuyển vào giảng dạy tại Trường MN số 2 Trọng Hóa (Minh Hóa). Cũng từ đó, người thầy đặc biệt ấy gắn bó với mảnh đất biên cương và các em nhỏ bên dãy Giăng Màn.
Tấm lòng yêu trẻ
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa (Minh Hóa), anh Cao Văn Chương (SN 1983) sớm bộc lộ năng khiếu hát, múa và thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của trường. Đam mê văn nghệ lại yêu trẻ con nên nhiều em nhỏ trong xóm thường đến nhà anh chơi, học hát, học múa.
Năm 2010, anh Chương được nhận vào làm nhân viên văn phòng tại Trường MN Tân Hóa. Mặc dù làm việc văn phòng nhưng anh lại trở thành cây văn nghệ chủ lực của trường, xã mỗi khi có hội diễn. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, lại làm việc tại trường MN nên tình yêu trẻ ngày càng lớn trong anh. Anh Chương kể: “Những lúc rảnh việc, tôi thường đến lớp xem các cô giáo MN dạy múa, hát cho các cháu. Lúc ra chơi, thấy các cháu ríu rít chạy theo cô, tôi lại càng yêu trẻ và ước mơ trở thành giáo viên dạy MN".
Với tình yêu trẻ của mình, năm 2015, anh Cao Văn Chương quyết định đi học lớp giáo dục MN tại Trường đại học Quảng Bình. Anh Chương kể: “Ngày đó, gia đình, bạn bè tôi phản đối nhiều lắm. Bởi lâu nay họ vẫn nghĩ, dạy MN là công việc của các cô giáo. Nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Trong lớp khi đó toàn là nữ, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy khó hòa đồng nhưng vẫn quyết tâm theo học cho đến cùng”. Năm 2019, anh Chương tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và đến năm 2020 thì được tuyển dụng vào dạy tại Trường MN số 2 Trọng Hóa…
Người thầy giáo đặc biệt
Ngày mới nhận công tác, thầy Cao Văn Chương được phân công về dạy điểm lẻ ở bản Dộ thuộc Trường MN số 2 Trọng Hóa. Dộ là bản làng xa trung tâm xã nhất, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống của người dân, học sinh còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với tình yêu thương học trò, thầy Chương đã từng bước vượt qua khó khăn.
Thầy Chương kể: “Điểm trường bản Dộ rất đơn sơ. Lớp học MN của tôi có 29 cháu thuộc 2 độ tuổi khác nhau nên công việc vô cùng vất vả. Học sinh ở đây thường mắc các bệnh đường ruột nên đến lớp hay sốt, đau bụng. Mỗi lần như vậy tôi đều phải tự tay dọn dẹp. Do vậy, mỗi khi lên lớp, tôi phải mang theo cả thuốc chữa bệnh, vài bộ quần áo dự phòng, khăn mặt, giấy… để tắm rửa cho các cháu. Những khi trời rét, các cháu bỏ học rất nhiều nên tôi phải đến từng nhà để vận động phụ huynh cố gắng đưa con em đến lớp”…
Sau một năm gắn bó với bản Dộ, thầy Chương được chuyển công tác về điểm trung tâm ở bản Ra Mai. Phó hiệu trưởng phụ trách Trường MN số 2 Trọng Hóa Cao Thị Trang cho biết: “Thầy Chương là người có chuyên môn vững vàng, yêu nghề, mến trẻ. Ngoài giờ lên lớp, thầy còn tích cực cùng các cô giáo làm đồ chơi cho các cháu. Mọi việc tay chân nặng nhọc nhất trong trường cũng đều do thầy gánh vác. Hiện nhà trường cũng đang tiếp tục bồi dưỡng để thầy dự thi giáo viên MN dạy giỏi cấp huyện trong thời gian tới”.
Trong cuộc trò chuyện với cô Cao Thị Trang, tôi nghe tiếng thầy giáo dạy trẻ trong lớp vọng ra. “Hôm nay, các con học bài: Cháu yêu cô chú công nhân. Thầy mong muốn các con sau này sẽ trở thành những người thợ giỏi để xây nhà, làm đường bê tông cho bản làng mình nhé! Những đứa trẻ đồng thanh hô: Vâng ạ!”. Và tiếng hát của thầy và trò cất lên giữa đại ngàn...
Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Minh Hóa Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: "Thầy giáo Cao Văn Chương là nam giới duy nhất dạy MN trên địa bàn huyện. Là đàn ông nhưng thầy rất đam mê nghề nghiệp, yêu trẻ, có chuyên môn tốt nên được các đồng nghiệp, học trò, phụ huynh yêu quý. Tôi mong sau này sẽ có thêm nhiều giáo viên nam dạy MN, về cắm bản xa xôi để dạy học, mang tình yêu thương đến với con em dân bản như thầy Chương-đó là điều rất đáng trân trọng…”. |
Quan sát thầy Chương dạy trên lớp, tôi thấy từng cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, dạy các cháu từng động tác múa, bón từng thìa cơm, ngụm nước, hay ủ ấm cho trẻ ngủ giữa những ngày rét buốt như người cha hiền chăm sóc con thơ.
“Để dạy trẻ MN, ngoài những kiến thức đã học ở trường, đồng nghiệp nữ, tôi còn học cách chăm sóc cho các con từ vợ mình. Dù ở biên giới xa xôi, trẻ đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lớp học vẫn luôn đông đủ, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi”, thầy Cao Văn Chương tâm sự.
Vượt qua nhiều khó khăn, thầy Chương và các cô giáo Trường MN số 2 Trọng Hóa vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “ươm” những mầm xanh bên dãy Giăng Màn. Và niềm hạnh phúc của người thầy đặc biệt ấy là thấy những ánh mắt thơ ngây, nụ cười trong trẻo của những đứa trẻ nơi biên cương đang khỏe mạnh, lớn khôn từng ngày...
NGUYỄN ĐỨC