Chung tay phòng, chống đuối nước cho học sinh

  • 14:35 | Thứ Hai, 16/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ. Các cấp chính quyền địa phương và cơ sở giáo dục đã tập trung đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả nhiều công trình bể bơi nhằm trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh (HS). Qua đó, góp phần vào việc nâng cao thể chất và phòng, chống đuối nước cho HS trên địa bàn. 
 
Ông Nguyễn Tiến Doanh, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non-tiểu học Sở Giáo dục -Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: Hiện tại, toàn tỉnh có 54 bể bơi, trong đó, huyện Lệ Thủy là đơn vị có số bể bơi nhiều nhất với 23 bể (18 bể cố định theo quy chuẩn), tiếp đến là huyện Quảng Ninh 12 bể… Hầu hết các bể bơi được xây dựng từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn xã hội hóa…
Tổ chức cho trẻ, HS học bơi là một trong những giải pháp nhằm phòng tránh đuối nước, nâng cao sức khỏe
Tổ chức cho trẻ, HS học bơi là một trong những giải pháp nhằm phòng tránh đuối nước, nâng cao sức khỏe

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về tăng cường phòng, chống đuối nước, thương tích cho trẻ em, ngành GD-ĐT đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho HS.

Các trường học đã thực hiện tốt việc lồng ghép nội dụng phòng tránh đuối nước trong các môn học và hoạt động giáo dục; đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề. HS còn được thực hành diễn tập cứu đuối, nâng cao kỹ năng sống sót trong môi trường nước hoặc khi có tai nạn xảy ra.

Ngoài ra, ngành GD-ĐT còn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tổ chức, đoàn thể trong triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho HS. Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Tổ chức Goden West trong thực hiện Dự án “Bơi an toàn cho trẻ em” đã có rất nhiều HS cấp TH, THCS được học bơi  miễn phí, nhiều giáo viên (GV) được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Dự án còn hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở vật chất cho nhiều bể bơi trên địa bàn tỉnh. 

Để tổ chức tốt hoạt động dạy bơi cho HS, ngành GD-ĐT đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo điều kiện cho GV, nhất là GV dạy bộ môn giáo dục thể chất được tham gia các khóa tập huấn về bơi, kỹ năng, phương pháp dạy môn bơi.
 
Ngành đã phối hợp với chính quyền các địa phương khảo sát, đánh giá những nơi có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, như: Hố sâu, vùng nước xoáy, đập tràn, hồ chứa nước… để cắm biển cảnh báo và thông tin rộng rãi đến các bậc phụ huynh, HS, người dân để chủ động phòng tránh.
 
Bên cạnh đó, ngành còn triển khai nhiều hoạt động bảo đảm an toàn cho HS trong dịp nghỉ hè, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động các gia đình tạo điều kiện cho trẻ tham gia các khóa học bơi.
 
Huyện Minh Hóa là địa phương vùng miền núi rẻo cao nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đuối nước, nhất là đối với trẻ em bởi trên địa bàn huyện có nhiều khe, suối dòng nước chảy xiết…
 
Ông Trần Minh Thiết, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Minh Hóa cho biết: Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai chương trình dạy bơi, kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi vào chương trình học tập và kết hợp với phụ huynh trong việc quản lý HS.
 
Phòng GD-ĐT huyện cũng đã tập trung các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, phụ huynh về hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ; đồng thời, phát huy hiệu quả 10 bể bơi do các nghệ sỹ trao tặng tại các trường học. Tuy nhiên, việc xã hội hóa hoạt động dạy bơi trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Số lượng bể bơi không đủ để đáp ứng nhu cầu học bơi của HS, thiếu kinh phí duy trì, bảo dưỡng bể bơi và phụ cấp cho GV dạy bơi. Vì vậy, Minh Hóa rất cần sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa của cấp, ngành trong triển khai, đẩy mạnh hoạt động dạy, học bơi trên địa bàn huyện.
HS Lệ Thủy khởi động trước khi tranh tài tại Giải điền kinh, bơi lội HS cấp tỉnh
HS Lệ Thủy khởi động trước khi tranh tài tại giải điền kinh, bơi lội HS cấp tỉnh
Lệ Thủy là địa phương triển khai tốt nhất hoạt động dạy, học bơi cũng như phát triển phong trào thể dục thể thao trên địa bàn. Nhiều năm qua, Phòng GD-ĐT huyện đã đưa nội dung dạy bơi an toàn và phòng, chống đuối nước vào vào chương trình dạy cho HS TH, THCS.
 
Nguồn kinh phí đầu tư bể bơi trường học do ngân sách địa phương và từ hoạt động xã hội hóa (trung bình mỗi bể bơi trường học khoảng 600 triệu đồng). Nhờ quan tâm đến hoạt động dạy bơi nên tỷ lệ HS biết bơi ở Lệ Thủy tăng dần qua các năm học.
 
Theo thống kê, năm học 2019-2020, toàn huyện có 14.926/20.791 HS TH, THCS biết bơi. Năm học 2020-2021 có 16.416/21.243 HS TH, THCS biết bơi. Năm học 2021-2022, Lệ Thủy có 17.920/22.007 HS TH, THCS biết bơi, đạt tỷ lệ trên 81%. Nhiều HS là gương mặt tiêu biểu trong các giải thi đấu bơi lội cấp huyện, tỉnh. 
 
Em Nguyễn Thị Thanh Thanh HS lớp 7B Trường THCS Mai Thủy (Lệ Thủy) cho hay: Được tiếp xúc với bộ môn bơi từ năm lớp 3 nên em đã nắm vững các kỹ thuật bơi, có khả năng phản xạ tốt trong môi trường nước. Thành quả mà em có được là 2 huy chương vàng môn bơi lội cấp tỉnh năm học 2021-2022 và đang nỗ lực tập luyện để tham dự giải tại cuộc thi cấp quốc gia. Tại giải điền kinh, bơi lội HS cấp tỉnh, Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy đã xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn khối các phòng GD-ĐT, trong đó, bộ môn bơi  có nhiều giải thành tích nhất, với 19 huy chương vàng, 15 huy chương bạc, 22 huy chương đồng.
 
Ngoài ra, các địa phương, như: huyện Quảng Ninh, TP. Đồng Hới cũng có nhiều nỗ lực trong xã hội hóa hoạt động dạy bơi và có nhiều HS đoạt huy chương vàng tại giải điền kinh, bơi lội HS cấp tỉnh. Tiêu biểu là các em ở TP Đồng Hới, như: Trần Huy Bảo Châu, Lưu Minh Khang, Nguyễn Trần Đăng Khoa (TH Đồng Phú), Phạm Khánh Phương (TH số 1 Nam Lý)…;  Trần Ngọc Trâm Anh (TH Xuân Ninh), Hà Gia Hân, Lê Thị Thanh Hiền (THCS thị trấn Quán Hàu) của huyện Quảng Ninh…
 
Từ việc nhân rộng mô hình bơi an toàn, phát triển mạng lưới bể bơi để tổ chức dạy kỹ năng bơi và kỹ năng sống sót trong môi trường nước cho HS, đến nay, tỷ lệ HS biết bơi trong các cấp học ngày càng tăng (khoảng 20%). Tại các lớp học bơi, HS được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng tránh đuối nước, phương pháp cứu đuối, sơ cấp cứu người bị nạn và được thực hành kỹ thuật bơi, như: Bơi sải, bơi ngửa, bơi ếch. Qua đó, góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn đuối nước và xây dựng phát triển phong trào tập luyện môn bơi trong nhà trường. 
 
Mùa hè đến, nhất là thời điểm vừa kết thúc năm học, nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em, HS tăng cao, trong khi đó, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng miền núi còn ít. Thực tế cho thấy, do điều kiện công việc, tâm lý chủ quan, không ít phụ huynh vẫn chưa thật sự quan tâm, quản lý con em… Một số HS tự ý hoặc nói dối cha mẹ để tụ tập vui chơi ở những nơi thiếu các điều kiện an toàn  dẫn đến những hậu quả khó lường, trong đó có đuối nước. Vì vậy, để phòng tránh những rủi ro tai nạn thương tâm đối với trẻ, ngoài sự nỗ lực của ngành GD-ĐT và các cấp, ngành, cần sự chủ động vào cuộc hơn nữa của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, bảo đảm môi trường vui chơi an toàn cho trẻ. 
 
Nh. V

tin liên quan

Cô giáo vùng cao tâm huyết với nghề

(QBĐT) - Trong 4 năm tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện gần đây, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đạt 4 giải đồng đội và 6 giải cá nhân môn Sinh học. Đây là thành quả đáng ghi nhận đối với một ngôi trường vùng cao, trong đó có đóng góp không nhỏ của cô giáo Nguyễn Thị Thanh.
 

Hơn 1.200 học sinh tham gia ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp

(QBĐT) - Sáng nay, 15/5, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2022.

Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022

Tính đến 17 giờ ngày 13/5, các thí sinh đã hết thời hạn đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 và hệ thống quản lý thi đã khóa chức năng "Đăng ký dự thi".