Ấn tượng từ mô hình "Vườn rau của bé"

  • 07:33 | Thứ Năm, 03/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, mô hình “Vườn rau của bé” được triển khai hiệu quả tại nhiều trường mầm non (MN) trên địa bàn tỉnh. Với mô hình này, các trường học đã cung cấp nguồn rau sạch cho bữa ăn bán trú của trẻ và lồng ghép việc giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ biết quý trọng thành quả lao động. Tiêu biểu trong triển khai thực hiện mô hình là Trường MN Phú Hải (TP. Đồng Hới).
 
Cô giáo Trần Thu Hương, Hiệu trưởng Trường MN Phú Hải cho biết: Với khoảng 240m2 đất và tận dụng các thùng xốp, hộp nhựa…, các cô giáo đã dành nhiều thời gian, tâm sức để xây dựng nên vườn rau sạch của trường. Qua đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn của các cô, mỗi luống rau đều được vun xới gọn gàng, thẳng tắp. Mùa nào thức đấy, mô hình “Vườn rau của bé” có đầy đủ các loại rau, củ, quả, như: Bắp cải, cải ngọt, khoai lang, đậu cove, hành lá, su hào, súp lơ, cà chua, rau cần, mồng tơi…
 
Để có vườn rau sạch “tự cung tự cấp” phục vụ cho các hoạt động giáo dục trải nghiệm cũng như tăng cường chất xơ và vitamin trong khẩu phần ăn của trẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tranh thủ sau những giờ đứng lớp và cuối tuần để làm đất, gieo trồng, chăm sóc.
 
Điểm thuận lợi của trường khi triển khai thực hiện mô hình này là nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh. Có một phụ huynh của trường đứng ra hỗ trợ các cô khâu ươm giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Vì vậy, vườn rau ở đây không chỉ phong phú về chủng loại mà xanh tốt quanh năm. Từ khi có mô hình này, nhà trường không phải đặt mua thực phẩm rau, củ tại các chợ, siêu thị… vừa tiết kiệm được một phần chi phí vừa có thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, góp phần cung cấp bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho trẻ.
Trẻ vô cùng thích thú với hoạt động làm vườn trong các giờ học ngoại khóa.
Trẻ vô cùng thích thú với hoạt động làm vườn trong các giờ học ngoại khóa.

Điều đáng nói là vườn rau còn là nơi mà trẻ được thỏa sức trải nghiệm với các hoạt động như tưới cây, nhận biết và thu hoạch các loại rau, củ, quả… Vào các giờ học ngoại khóa, trẻ rất thích thú khi được tham gia làm vườn dưới sự hướng dẫn của các cô giáo… Qua các hoạt động chăm sóc, vun xới, nhặt cỏ, bắt sâu, các cô giáo luôn giới thiệu cho trẻ về những loại cây, giúp trẻ cảm nhận, ghi nhớ các bài học về giá trị của sức lao động ngay từ khi còn nhỏ, tạo cho trẻ sự hòa nhập, gần gũi với thiên nhiên.

Với suy nghĩ chăm cây cũng giống như chăm trẻ, mỗi ngày nhìn cây phát triển xanh tốt, các cô cảm thấy hạnh phúc với thành quả mình làm ra. Vườn rau còn là nơi để các cô thư giãn, cùng nhau làm việc, trò chuyện xây đắp thêm tình đoàn kết và lòng yêu nghề, mến trẻ.

Không chỉ là nơi để trẻ được thử sức làm nông dân, mô hình này còn giúp cho nhà trường tổ chức thành công nhiều hoạt động sôi nổi thu hút sự hưởng ứng tích cực của trẻ như tiệc buffet cho trẻ với nhiều món ăn được chế biến từ rau, củ hoặc sân chơi “Spa của bé” với việc hướng dẫn cho trẻ sử dụng dưa leo đề đắp mặt nạ chăm sóc da, thư giãn…
 
Chị Phạm Hồng Lan, nhân viên dinh dưỡng của trường cho hay: "Từ mô hình “Vườn rau của bé”, chúng tôi thường xuyên có nguồn rau, củ, quả sạch, phong phú để chế biến bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. Để khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, chúng tôi luôn chú ý đến việc thay đổi thực đơn thường xuyên, chế biến bữa ăn bảo đảm vừa ngon vừa đẹp mắt nhằm thu hút trẻ."
 
Được biết, mô hình “Vườn rau của bé” là một trong những hoạt động mà nhà trường rất chú trọng, gắn với việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tạo môi trường cho trẻ học tập trải nghiệm, giúp trẻ khám phá, phát triển tri thức về thế giới tự nhiên diệu kỳ xung quanh, góp phần giáo dục kỹ năng sống. Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần tăng cường sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc xây dựng, chăm sóc cảnh quan môi trường, chăm sóc, giáo dục trẻ.
 
Trong những ngày này, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều phụ huynh không yên tâm khi cho trẻ đến trường nên nhà trường không sử dụng hết số lượng rau, củ, quả thu hoạch hàng ngày. Vì vậy, các cô phải bán cho những người có nhu cầu và chuẩn bị làm đất để trồng vụ mới.
 
Ngoài các loại rau theo thời vụ, các cô đang nghiên cứu học hỏi kỹ thuật để đưa vào trồng thêm cây dưa lưới nhằm làm phong phú hơn nguồn thực phẩm cung cấp cho trẻ tại chỗ; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thông qua các buổi ngoại khóa nhằm giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, giúp trẻ tự tin, năng động hơn, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
 

Không chỉ mô hình “Vườn rau của bé” khá ấn tượng, Trường MN Phú Hải còn có nhiều hoạt động giúp trẻ trải nhiệm, góp phần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ như: Giúp trẻ hình thành thói giữ quen vệ sinh môi trường, dạy trẻ làm bánh (bánh quy, bánh bông lan)…

Ngoài ra, các cô giáo còn tự làm túi giấy để sử dụng trong sinh hoạt thường ngày và cung ứng cho một số shop. Số tiền thu được từ hoạt động này cộng với tiền nuôi heo đất, các cô sử dụng cho việc hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

                                                                             Nh. V

 
 

tin liên quan

Ra quân các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022

(QBĐT) - Chiều nay, 28/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ ra quân các đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022. Đến dự có đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

TP. Đồng Hới: Tổ chức dạy học phù hợp theo cấp độ dịch Covid-19

(QBĐT) - Những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Đồng Hới diễn biến phức tạp, số người nhiễm Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng. Để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh (HS), UBND TP. Đồng Hới vừa có văn bản chỉ đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và các đơn vị liên quan về việc tổ chức dạy học "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"

Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung Sổ tay phòng dịch trong trường học

Nội dung sửa đổi, bổ sung này dựa trên Công văn số 796/BYT-MT ngày 21/2 của Bộ Y tế gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp.