Nghị quyết số 26: Tiền đề thực hiện thành công "mục tiêu kép"

  • 09:40 | Thứ Ba, 09/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 29-10-2021, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nghị quyết được ban hành đã khẳng định quyết tâm phòng, chống dịch của tỉnh, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong Nhân dân, tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến với dịch Covid-19, hoàn thành “mục tiêu kép” đã đề ra.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy).
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy).

Nghị quyết số 26 đã khẳng định những thành tựu trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh, ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; sự chủ động phối hợp của Thường trực HĐND với UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về phòng, chống dịch Covid-19. Nhấn mạnh những nỗ lực của UBND tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế và các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nghị quyết đánh giá cao sự chủ động, tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch như ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên…

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và HĐND tỉnh trình bày dự thảo Nghị quyết.
Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và HĐND tỉnh trình bày dự thảo Nghị quyết.

Trân trọng sự tin tưởng, đồng hành của các cấp ủy đảng, chính quyền; tinh thần tự giác, trách nhiệm trong phòng, chống dịch và sự đoàn kết, sẻ chia của đồng bào và nhân dân tỉnh nhà, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, nghị quyết khẳng định: Nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Quảng Bình đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là thành công rất quan trọng, mở ra giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Với 3 điều, 11 nội dung, bên cạnh việc ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp và kết quả phòng, chống dịch, Nghị quyết số 26 đã quy định cụ thể về phương châm, lộ trình, biện pháp, nguyên tắc… phòng, chống dịch. Cùng với đó là vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành; các quyết sách, chính sách, nội dung cần tập trung ưu tiên, tăng cường để phù hợp với từng thời điểm và diễn biến của dịch bệnh. 

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết

Nghị quyết 26 đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch, song phải bảo đảm nguyên tắc “chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng không được trái với quy định của Trung ương, của tỉnh; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên theo thẩm quyền”.

Nội dung của nghị quyết đã đề cập những vấn đề cụ thể, như: “Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài với phương châm “4 tại chỗ”. Các biện pháp phòng dịch hoàn thiện theo công thức: 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân + tầm soát định kỳ và các biện pháp khác”.

Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết
Đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết

Trong đó, từ các bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là trong đợt dịch bùng phát cao điểm từ ổ dịch “cảng cá Nhật Lệ” nên phải tiến hành tầm soát định kỳ, ngẫu nhiên tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao, như: cảng cá, bến tàu, nhà ga, chợ, siêu thị, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu đông dân cư,…

Cũng từ phân tích những yếu tố then chốt, góp phần để tỉnh thành công trong khống chế các ổ dịch, nghị quyết nhấn mạnh: “Chống dịch phải được thực hiện linh hoạt theo nguyên tắc “3 trụ cột”: Cách ly phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt, chặt chẽ nhất, có mục tiêu, lộ trình cụ thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hợp lý, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19, một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19, một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả.

 

Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua rất quan trọng. Song dự báo tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy… phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, việc ban hành nghị quyết là cần thiết, tạo hành lang pháp lý để UBND tỉnh chủ động trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là các tình huống cấp bách trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm nguyên tắc đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết!”.  

Bên cạnh những kết quả tích cực, cần phải khách quan nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch của tỉnh ta vẫn còn những hạn chế nhất định, điển hình là việc kiểm soát bằng mã QRcode còn chậm và chưa thống nhất. Do đó, trong giai đoạn mới, Nghị quyết 26 yêu cầu phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm kết nối liên thông, an ninh, an toàn, thuận lợi cho người dân khi sử dụng.

7 nội dung của Điều 2, Nghị quyết 26 rất cụ thể, thiết thực, như tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng, tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu 2022. Đặc biệt là ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực… phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, với cách tiếp cận mới, nghị quyết tập trung vào những quyết sách mới như đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở để trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng, hệ thống y tế cơ sở có thể đủ điều kiện để tiếp nhận, cách ly F1, F0 ngay từ đầu và tiến tới sẽ chăm sóc, điều trị F0 không triệu chứng.

Nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách xã hội với các giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội bảo đảm mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chuyển hướng từ “zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, việc khôi phục sản xuất kinh doanh ổn định đời sống người dân trong trạng thái “bình thường mới” phải có lộ trình phù hợp, bảo đảm phương châm “an toàn là trên hết”; đồng thời xây dựng các phương án hỗ trợ người dân bị mất việc do dịch bệnh, người lao động quay trở lại làm việc và các chính sách đối với người lao động trở về từ các địa phương khác…

Tầm soát mẫu định kỳ tại các khu vực nguy cơ là nhiệm vụ cần được triển khai thường xuyên.
Tầm soát mẫu định kỳ tại các khu vực nguy cơ là nhiệm vụ cần được triển khai thường xuyên.

Ông Trần Hoàng Giang, nguyên thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh khóa XVI, chia sẻ: Nghị quyết 26 đã quy định nhiều nội dung cụ thể, thống nhất, sát với thực tiễn địa phương và phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong điều kiện tỉnh ta còn nhiều khó khăn, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về phòng, chống dịch đã khẳng định quyết tâm rất cao của tỉnh, không chỉ tạo điều kiện chống dịch hiệu quả mà còn là yếu tố quan trọng để khôi phục và phát triển KT-XH trong thời gian tới! 

Còn ông Nguyễn Đức Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Nghị quyết số 26 đã tạo thuận lợi rất lớn cho lực lượng chống dịch, trong đó có ngành y tế trong cuộc chiến gian khó này. Việc bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vắc-xin, vật tư, nhân lực… trong mọi tình huống quyết định sự thành bại của công tác phòng, chống dịch, nhất là ở những thời điểm cấp bách. Về lâu dài, đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở là hướng đi phù hợp để có thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ngay từ cơ sở, không những dịch bệnh Covid-19 mà còn các dịch bệnh nguy hiểm có thể xuất hiện trong tương lai.  

Ngọc Mai

tin liên quan

Khai giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khóa 18

(QBĐT) - Sáng 9-11, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính khóa 18.
 

Nội dung thông cáo báo chí số 12, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch...
 

Thảo luận về kinh tế - xã hội và phòng chống Covid-19

(QBĐT) - Hôm nay, 8-11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV tiến hành đợt họp thứ 2 theo hình thức trực tiếp tại hội trường. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dẫn đầu và các đại biểu: Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn; Nguyễn Thị Tuyết Nga, Nguyễn Tiến Nam, Trần Quang Minh đã tham gia phiên họp.