Trường Chính trị Quảng Bình:

Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

  • 05:50 | Thứ Bảy, 06/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Quảng Bình đã chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của nhà trường.
 
Hiện nay, số lượng giảng viên của Trường Chính trị Quảng Bình là 28/45 tổng số biên chế, trong đó có 2/28 giảng viên có trình độ tiến sỹ (chiếm 7,1%), 25/28 giảng viên có trình độ thạc sỹ (chiếm 89,2 %), 1/28 giảng viên có trình độ cử nhân (chiếm 3,5%); có 3/28 giảng viên cao cấp, chuyên viên cao cấp (chiếm 10,7%), 11/28 giảng viên chính (chiếm 39,2 %), 15/28 giảng viên (chiếm 53,5%). 
 
Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, thời gian qua, nhà trường đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên thông qua việc cử giảng viên đi học cao học, các lớp đào tạo giảng viên các bộ môn, bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị (LLCT), phương pháp giảng dạy quản lý hành chính nhà nước, các lớp cao cấp LLCT do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Khu vực III tổ chức.
Xây dựng đội ngũ giảng viên có ý nghĩa quyết định đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh.
Xây dựng đội ngũ giảng viên có ý nghĩa quyết định đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Chính trị tỉnh.
Vì thế, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị ngày một nâng cao cả về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; một số giảng viên có khả năng s­ư phạm tốt, kết hợp sáng tạo các ph­ương pháp nghiên cứu, giảng dạy hiện đại, vận dụng cho từng môn học, bài học và từng đối t­ượng học viên, mang lại hiệu quả cao, phát huy được tính chủ động, tích cực và sáng tạo của người học.
 
Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên còn bộc lộ một số mặt tồn tại, hạn chế: Số lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao còn thiếu (giảng viên có trình độ tiến sỹ chiếm 7,1%); cơ cấu về độ tuổi, giới tính chưa thật sự cân đối và phù hợp với đặc thù công tác giảng dạy LLCT, số giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy LLCT và thực tiễn công tác chiếm tỷ lệ cao; vẫn còn giảng viên chưa đạt trình độ cao cấp LLCT-hành chính; cơ cấu về chuyên ngành đào tạo chưa hợp lý.
 
Năng lực giảng dạy và kiến thức thực tiễn của một bộ phận giảng viên, nhất là giảng viên trẻ còn có những bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới; phương pháp giảng dạy chưa theo kịp với xu thế phát triển mới, vẫn còn tình trạng dạy và học theo cách truyền thống, nặng về thuyết trình, đơn điệu, ít thực tiễn, khiến người học chưa phát huy được tư duy sáng tạo. Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy LLCT cũng như sử dụng các phương tiện trợ giảng chưa phong phú, chưa thực hiện tốt phương châm lấy người học làm trung tâm.
 
Để tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm về số lượng và yêu cầu về chất lượng đáp ứng các tiêu chí theo quy định, hướng tới xây dựng Trường Chính trị chuẩn, thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung sau:
 
Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ các quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ và quy tắc ứng xử, rèn luyện tác phong sư phạm, kỷ luật làm việc, kỷ luật phát ngôn. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức chính trị, đạo đức cách mạng, mẫu mực về lời nói, việc làm, có ý thức giữ gìn danh dự của nhà giáo, có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, tâm huyết với nghề.
 
Hai là, đổi mới công tác quy hoạch cán bộ, giảng viên bảo đảm sự chủ động, tính kế thừa liên tục, trong đó chú trọng công tác quy hoạch giảng viên chuyên môn, trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành phù hợp, tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sỹ. Bố trí giảng viên giảng dạy các môn học bảo đảm sở trường và phù hợp chuyên ngành đào tạo.
 
Tạo dựng môi trường dạy và học tích cực, động viên đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy bổ sung biên chế bảo đảm tỷ lệ giảng viên phải chiếm 75% tổng số biên chế theo quy định, tạo điều kiện để thu hút những người có đủ phẩm chất trình độ, năng lực giảng dạy LLCT nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên.
 
Ba là, xây dựng kế hoạch cụ thể cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, thường xuyên cử giảng viên tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới. Khuyến khích giảng viên tích cực tham gia thực hiện các đề tài khoa học các cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tư duy thực tiễn trong giảng dạy.
 
Tổ chức công tác nghiên cứu tổng kết nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã thực hiện, từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn, rút kinh nghiệm phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học, cách thức quản lý… Hoàn thiện cơ chế đưa giảng viên đi biệt phái có thời hạn ở cơ sở, giúp giảng viên nắm bắt kiến thức thực tiễn đang diễn ra nhằm định hướng cho người học hướng giải quyết các vấn đề tại địa phương, cơ sở hiệu quả.
 
Thứ tư là, tiếp tục đề xuất các cơ quan chức năng sớm xây dựng cơ chế chính sách cho cán bộ, giảng viên. Nhà trường cần tiếp tục chăm lo, cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức bằng nghề nghiệp, chuyên môn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên phát huy năng lực để tăng thêm thu nhập chính đáng, làm cho giảng viên gắn bó với nghề nghiệp, gắn bó với nhà trường, tận tâm tận lực cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
 
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ giảng viên nói riêng là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường. Với những kết quả đã đạt được, cùng định hướng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, tin tưởng rằng, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình sẽ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.
 
BOX: Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về LLCT-hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
 
ThS. Đặng Ngọc Bắc
(Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh)

tin liên quan

Chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thành lập

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7-11-1981 - 7-11-2021), ngày 5-11, tại Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng đoàn đại biểu đến thăm và chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tổ chức đảng nhiều năm liền trong sạch vững mạnh

(QBĐT) - Xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, Chi bộ tổ dân phố (TDP) Truyền Thống, thị trấn Nông trường (NT) Việt Trung (Bố Trạch) đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, lãnh đạo các đoàn thể, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn minh… 

Bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng khóa IV năm 2021

(QBĐT) - Ngày 5-11, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) tỉnh phối hợp với Chi bộ Công ty TNHH S&D Quảng Bình tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT) dành cho đối tượng kết nạp Đảng khóa IV, năm 2021.