Tập trung tháo gỡ khó khăn, tận dụng các cơ hội để phục hồi và phát triển (*)

  • 12:22 | Thứ Hai, 08/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Hôm nay, 8-11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiến hành đợt họp thứ 2 với sự tham gia trực tiếp của các đại biểu tại hội trường. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH), phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các nội dung quan trọng khác. Báo Quảng Bình xin giới thiệu nội dung bài phát biểu.

 Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu sáng 8-11.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào sáng 8-11.

Kính thưa Quốc hội!

Gần 2 năm trôi qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện và trở thành đại dịch toàn cầu, chúng ta đã bước qua 4 “làn sóng” dịch bệnh với nhiều cung bậc cảm xúc cùng những câu chuyện lay động lòng người trên khắp cả nước.

Chúng ta đã được chứng kiến tinh thần vì Nhân dân, vì nhiệm vụ quên mình của lực lượng y tế, công an, quân đội trên tuyến đầu chống dịch đến những hành động nhường cơm, sẻ áo đậm nghĩa đồng bào, lắng lòng trước những mất mát, hi sinh và vỡ òa hạnh phúc khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát và ngăn chặn.

Quảng Bình, một trong 5 tỉnh cuối bùng phát dịch, cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Cả hệ thống chính trị vào cuộc và đặc biệt đã nhận được sự đồng thuận, ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, chỉ trong vòng một tháng, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, đẩy lùi.

Là địa phương còn rất khó khăn nhưng đã có nhiều tấm gương tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Đó là một cặp vợ chồng có hoàn cảnh rất bình thường, ủng hộ hơn 2 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị y tế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời gửi thư, tặng bằng khen, tuyên dương, động viên, thúc đẩy người dân tiếp tục ủng hộ công tác chống dịch. Những điều này chứng minh lòng yêu nước của Nhân dân ta chưa lúc nào nguội tắt, những hành động nghĩa khí đó sẽ biến thành sức mạnh thúc đẩy “con thuyền” đất nước tiến lên.

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo tình hình KT-XH của Chính phủ. Năm qua, với nhiều sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội Đảng toàn quốc XIII, bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, trong bối cảnh đó, trước những khó khăn chồng chất của dịch bệnh, thiên tai nhưng đất nước đã chứng kiến sự chuyển giao nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa các thế hệ lãnh đạo. Quá trình chuyển giao đã có sự kế thừa và vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sự ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Nhờ vậy, chúng ta hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng như báo cáo đã nêu.

Đặc biệt, nước ta cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Trước những trải nghiệm chưa từng thấy trong suốt nhiều thập kỷ về thân phận những người lao động bị cuốn vào làn sóng di cư từ Nam ra Bắc, sắp tới có thể là từ Bắc vào Nam. Từ sự đứt gãy của nền kinh tế, đặc biệt là sự "xóa sổ" gần như hoàn toàn của hoạt động du lịch trong mấy tháng qua, tôi xin đề xuất một vài kiến nghị để phục vụ cho việc phát triển KT-XH thời gian tới như sau:

Về phục hồi và phát triển du lịch, đề nghị Chính phủ cân nhắc:

Hỗ trợ tài chính và đào tạo lại, bảo đảm sự tồn tại của các DN và người lao động du lịch. Cụ thể, cần hỗ trợ tài chính trực tiếp và linh hoạt cho các DN nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch và người dân kinh doanh du lịch cộng đồng; tăng cường thanh khoản và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư, các khoản tín dụng, gia hạn trả nợ…

Tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các DN và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội để phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

Xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch vốn dĩ đang bị “nén” suốt mấy tháng qua. Giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn để tạo được sự tin tưởng cho du khách. Hiện nay, nhiều địa phương, trong đó có Quảng Bình đã khởi động lại hoạt động du lịch với các quy định, lộ trình để du khách không cần cách ly y tế. Do đó, cần có quy trình xử lý sự cố xảy ra liên quan đến dịch bệnh, đồng thời đánh giá mức độ an toàn. Quy trình này cần được chuẩn hoá trong phạm vi toàn quốc và cần có sự kết nối với các nước để “làm ấm” lại thị trường du lịch.

Về lao động và việc làm, 2 năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp và khó khăn. Vì thế, theo tôi, cần tập trung các giải pháp sau:

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân để duy trì lại “nguồn cung” lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù; đa dạng hóa các hình thức trợ cấp; mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức… nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu DN và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa trở lại được bình thường.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Cần tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ lại quê nhà.

Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Vì thế, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế, đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, tránh việc đào tạo tràn lan, tốn kém nhưng lại không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Kính thưa Quốc hội!

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang bước vào mùa thiên tai, bão lũ. Thiên tai dù được dự báo trước song vẫn đủ sức công phá, cướp đi sinh mệnh và tài sản của người dân. Nhưng trong đau thương, chúng tôi luôn cố gắng tìm ra giải pháp để thích ứng. Sở Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực thiết lập mô hình du lịch mùa thiên tai. Tôi cho rằng đó sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời mỗi con người, cũng như những trải nghiệm đớn đau nhưng đáng giá mà chúng ta đã trải qua trong các đợt dịch covid 19 vừa qua. Trong “nguy” luôn có “cơ”, tôi tin tưởng ngọn lửa của lòng yêu nước mới được thổi bùng lên trong cơn bĩ cực vừa qua sẽ tiếp tục hun đúc nhiệt huyết cống hiến của những người con đất Việt, đưa Việt Nam bước ra khỏi đại dịch với tâm thế của một Việt Nam hùng cường.

------------------

(*) Tít bài PV rút từ ý của bài phát biểu.

tin liên quan

Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển KH-XH và công tác phòng chống dịch

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 8-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Khẳng định thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam chủ động, tích cực

Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao TÔ ANH DŨNG có cuộc trả lời phỏng vấn về kết quả và ý nghĩa của chuyến công tác. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

Cách mạng Tháng Mười - Cuộc cách mạng của lòng dân

Cách mạng Tháng Mười đã diễn ra cách đây hơn 100 năm nhưng tầm ảnh hưởng của nó vượt mọi không gian, thời gian, dẫn dắt các quốc gia trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng của lòng dân, là động lực và hình mẫu cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.