.

Trả lời của các bộ, ngành về kiến nghị của cử tri Quảng Bình

.
09:08, Thứ Tư, 12/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chế độ chính sách cho đối tượng thanh niên xung phong, bộ đội xuất ngũ, giáo viên mầm non về hưu, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đề xuất tinh giản bộ máy... là những kiến nghị được nhiều cử tri đặt ra trong phiên tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh. Đoàn ĐBQH đã có Báo cáo số 62/BC-ĐĐBQH ngày 27-6-2018 và Báo cáo số 87/BC-ĐĐBQH ngày 8-5-2018 để tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Hiện nay, nhiều bộ, ngành đã trả lời các kiến nghị của cử tri Quảng Bình.

Trả lời các kiến nghị về chế độ, chính sách cho các đối tượng đặc thù

Các cử tri là giáo viên mầm non về hưu tại nhiều địa phương, như: Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn, kiến nghị về việc lương hưu quá thấp, nên họ rất khó khăn trong trang trải cuộc sống. Nhiều giáo viên thuộc diện này mới chỉ được đóng bảo hiểm xã hội từ năm 1995 mặc dù đã cống hiến trong nghề hơn 30 năm.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, theo pháp luật bảo hiểm xã hội, người đóng ít và thời gian đóng ngắn thì được hưởng mức lương hưu thấp và ngược lại. Do đó, nhóm giáo viên mầm non có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn (thường chỉ đủ 20 năm) và mức đóng thấp (dựa trên mức lương tối thiểu chung thời điểm đó) nên được hưởng mức lương hưu thấp.

Thấu hiểu được những khó khăn của nhóm đối tượng về hưu trước khi có điều chỉnh, cải cách tiền lương, Nhà nước ta đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Nhờ vậy, năm 2016, nhóm đối tượng có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2 triệu đồng/người/tháng đã được điều chỉnh tăng thêm; ngoài ra, nhóm đối tượng giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1-1-1995 sau khi điều chỉnh có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được trợ cấp thêm để mức lương hưu bằng mức lương cơ sở (thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11-11-2015 của Quốc hội và Nghị định số 55/2016-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ).

Từ ngày 1-7-2017, mức lương hưu của các đối tượng này đã được tăng thêm 7,44% và tiếp tục tăng thêm 6,92% từ 1-7-2018 theo Nghị quyết 49/2017/QH14 ngày 13-11-2017 của Quốc hội, Nghị định số 76/2017/NĐ-CP ngày 30-6-2017 và Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 của Chính phủ.

Nhiều cử tri là bộ đội địa phương phục viên phản ánh, theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước; còn đối tượng quân nhân là bộ đội địa phương, bộ đội tại các quân khu không trực tiếp tham gia chiến trường dù công tác tại cùng thời điểm đó thì chỉđược hưởng trợ cấp một lần khi xuất ngũ nên còn thiệt thòi...

Đối với kiến nghị này, Bộ Quốc phòng giải trình, việc quy định đối tượng hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ đã được các bộ, ngành nghiên cứu kỹ, báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho chủ trương và Thủ tướng ban hành quyết định bảo đảm điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, khả năng bảo đảm ngân sách của Nhà nước và phù hợp với tính chất, đặc điểm chiến tranh bảo vệ tổ quốc, cân đối với các chế độ, chính sách đã ban hành.

Theo đó, Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đã quy định: quân nhân (không phân biệt quân nhân là bộ đội địa phương, bộ đội các quân khu) nhập ngũ sau ngày 30-4-1975 có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 1-4-2000 hoặc chuyển ngành rồi thôi việc trước ngày 1-1-1995,trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế trong thời gian và địa bàn theo quy định hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thì mới được xem xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định nêu trên.

Một số cử tri là thân nhân Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng có kiến nghị nên có chế độ hương khói cho các Mẹ khi mất.

Tiếp nhận kiến nghị này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời: trong 12 diện đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, chỉ đối tượng liệt sỹ có quy định riêng như quy định về mộ, nghĩa trang liệt sỹ, chế độ thăm viếng, di chuyển, quy tập hài cốt liệt sỹ, chế độ thờ cúng liệt sỹ. Các đối tượng người có công khác, kể cả cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng khi từ trần đều không có tiền trợ cấp cho người thờ cúng.

 “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cũng là thân nhân liệt sỹ, khi còn sống được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ, được hưởng ưu đãi đối với danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Vì thế, khi các Mẹ từ trần thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí một lần.

Đồng thời, Bộ giải trình rõ, căn cứ vào điều kiện kinh tế- xã hội và tổng thể mặt bằng chính sách chung hiện nay thì chưa có cơ sở để thực hiện trợ cấp cho người thờ cúng đối với “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Trả lời kiến nghị về cơ chế xử lý cán bộ đứng đầu

Nhiều cử tri phản ánh việc quản lý Nhà nước trên các mặt của đời sống xã hội còn bị buông lỏng, chưa tập trung thực hiện ổn định liên tục để phòng ngừa. Chỉ khi xảy ra vấn đề, các cơ quan mới rốt ráo vào cuộc, chủ yếu là để giải quyết tình thế.

Điển hình như khi xảy ra cháy nổ khu chung cư, quán karaoke, nhà hàng; phát hiện thuốc ung thư giả, hàng giả, hàng kém chất lượng; hoạt động tôn giáo trái phép; lấn chiếm lòng đường vỉa hè gây ách tắc giao thông..., chính quyền, các lực lượng chức năng mới ồ ạt ra quân. Cử tri băn khoăn về chế tài nào để xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sự cố.

Tiếp thu, giải trình kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ đã quy định chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí; trách nhiệm người đứng đầu khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Đồng thời, tại Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị TW7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược cũng đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp xây dựng quy định về thẩm quyền người đứng đầu. Thậm chí, xử lý nghiêm những người có sai phạm kể cả khi chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Thời gian tới, các cơ quan liên quan, như: Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương…, sẽ phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ, đặc biệt chế tài quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngoài ra, nhiều đề xuất, kiến nghị của cử tri liên quan đến việc cải tiến nội dung, cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để tiết kiệm thời gian, kinh phí nhưng vẫn bảo đảm nội dung đã được Tổng thư ký Quốc hội trả lời; kiến nghị về kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng hợp nhất các đầu mối Sở, ngành có chức năng phạm vi quản lý gần giống nhau… cũng được được Bộ Nội vụ tiếp thu, có lộ trình giải quyết cụ thể.

Diệu Linh


 

,