Tập trung phát triển và sử dụng nguồn nhân lực

  • 07:44 | Thứ Ba, 08/04/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNL chất lượng cao là nhu cầu bức thiết trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc đào tạo, thu hút và sử dụng NNL khu vực công nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung ở một số địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn…
 
Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết, theo thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) trên địa bàn giai đoạn 2021-2024, toàn huyện có 81 công chức ở các cơ quan chuyên môn và 1.509 VC; 287 CB, VC cấp xã. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ CB, CC, VC ngày càng được nâng cao, bảo đảm khung năng lực, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm; có số lượng phù hợp, có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; tạo động lực để đội ngũ CB, CC, VC không ngừng trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm cao với công việc được giao.
 
Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động (LĐ) trên địa bàn huyện là 52.700 người, chiếm tỷ lệ khoảng 58%; trong đó, LĐ nông nghiệp hơn 49%, LĐ dịch vụ trên 30% và LĐ công nghiệp, xây dựng gần 20%. Tuy nhiên, việc giải quyết việc làm đối với người LĐ còn mang tính mùa vụ, không ổn định, cơ bản là giải quyết việc làm tại chỗ theo kinh tế hộ gia đình.
 
Để nâng cao chất lượng công tác dự báo, thông tin về thị trường LĐ, hàng năm huyện đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thu thập thông tin về thực trạng LĐ, việc làm, thất nghiệp và biến động qua từng thời kỳ để có cơ sở hoạch định chính sách việc làm và phát triển NNL phù hợp yêu cầu nguồn LĐ của địa phương.
Thông qua các lớp đào tạo nghề, trình độ của người lao động được nâng lên, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, đặc biệt là ở nông thôn. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Thông qua các lớp đào tạo nghề, trình độ của người lao động được nâng lên, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, đặc biệt là ở nông thôn. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 73% (trong đó, LĐ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 30%); LĐ đang làm việc trong các ngành kinh tế có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 29%. Tỷ lệ LĐ đã qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đạt 75%. Thông qua các lớp đào tạo nghề, trình độ của người LĐ được nâng lên, qua đó, giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn LĐ, đặc biệt là ở nông thôn, giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần xây dựng quê hương.
 
Ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, xác định việc phát triển và sử dụng NNL là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, như: Kỹ thuật chế biến món ăn, may nón lá, may công nghiệp, đan lát thủ công, làm chổi đót, kỹ thuật xây dựng, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, trồng và nhân giống nấm, nuôi ong... Đặc biệt, công tác đào tạo nghề gắn với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, đã tạo việc làm và thu nhập cho LĐ địa phương.
 
Công tác xây dựng đội ngũ CB, CC, VC trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng gắn với tuyển dụng, thu hút nhân tài, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC được huyện Quảng Trạch đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Đến nay, 100% CB, CC cấp huyện có trình độ đại học trở lên, trong đó có 25% có trình độ trên đại học; 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo cấp học, trong đó trình độ giáo viên trên chuẩn đạt 96%; trên 86% CB, CC cấp xã có trình độ đại học; 90% VC các đơn vị sự nghiệp đạt trên chuẩn về trình độ chuyên môn.
Theo đại diện Công ty TNHH May Thái Phương (gồm cơ sở ở xã Quảng Hợp và Quảng Tùng, Quảng Trạch), hàng năm với sự gia tăng của các đơn hàng may mặc nên công ty thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng LĐ. Với việc công nhân có tay nghề, đơn vị vừa giảm được chi phí đào tạo mà người LĐ có thể bắt nhịp ngay với quy trình sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
 
Trở lực thu hút nhân lực chất lượng cao
 
Thời gian qua, NNL trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao cả về trình độ, tay nghề và ý thức, kỷ luật LĐ, đáp ứng yêu cầu công tác trong khu vực công và thị trường LĐ. Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng NNL, nhất là NNL chất lượng cao vẫn còn “vướng” rất nhiều rào cản, “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến quá trình tận dụng hiệu quả thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Theo đại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh, khó khăn mà huyện đang gặp phải là sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai nội dung liên quan đến phát triển NNL chưa chặt chẽ.
 
Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ chưa đầy đủ về dạy nghề, coi dạy nghề chỉ có tính chất thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, do đó, người LĐ sau khi được đào tạo nghề ít có cơ hội tìm kiếm được việc làm. Ngoài ra, sự chuyên nghiệp, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, văn hóa công sở của một số CB, CC, VC vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
 
“Do đó, để đổi mới công tác quản lý nhà nước về phát triển NNL cần thực hiện việc phân cấp, tách bạch và phân định rõ việc quản lý, sử dụng nhân lực trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp, các hợp tác xã. Sử dụng đúng người vào đúng công việc để phát huy được năng lực, sở trường; đồng thời, quan tâm về chính sách tiền lương, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến để LĐ gắn bó với công việc và phát huy tốt nhất khả năng của họ”, ông Lê Ngọc Huân nhấn mạnh.
 
Trong bối cảnh cả nước đang sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thiết nghĩ cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng người tài; quy định về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, thiết lập khung đánh giá năng lực đội ngũ CB, CC, VC thực chất để tinh giảm triệt để những người “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Đặc biệt, cần xây dựng chính sách tiền lương phù hợp, theo đúng nghĩa tiền lương phải là nguồn thu nhập chính của đội ngũ CB, CC, VC và người LĐ. Bởi vì trả lương “đúng người, đúng việc” là cách đầu tư hiệu quả cho phát triển NNL, đồng thời cải thiện môi trường làm việc khoa học, hiệu quả.
 
Trong giai đoạn 2021-2024, toàn tỉnh có 14.000 người được đào tạo đại học, tập trung vào các ngành nghề: Du lịch, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; hơn 85.000 người được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng, góp phần nâng cao chất lượng NNL, giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
M.Văn

tin liên quan

Xây dựng 50 công trình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo

(QBĐT) - Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Quảng Bình có 4 xã, gồm: Liên Trạch (Bố Trạch), Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) và Phù Hóa (nay là xã Phù Cảnh, Quảng Trạch).

Tai nạn giao thông liên hoàn, Quốc lộ 1 qua cầu Gianh ách tắc nhiều giờ

Một xe ô tô 5 chỗ di chuyển đến giữa cầu Gianh với tốc độ nhanh rồi đâm vào đuôi xe ô tô con màu trắng làm xe trắng mất lái, lấn sang làn đường bên kia và đâm vào xe container đang chạy chiều ngược lại.

Xe máy tông nhau trên Quốc lộ 1, 3 người thương vong

(QBĐT) - Ngày 6/4, tin UBND xã Đồng Trạch (Bố Trạch) cho biết, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe máy trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng.