Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã từng bước cụ thể hóa và vận dụng tốt các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), ổn định an ninh chính trị, thay đổi diện mạo các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Nhiều chính sách hiệu quả
Quảng Ninh có 19 bản của 2 xã Trường Xuân và Trường Sơn có đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống với hơn 1.000 hộ dân. Để phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách, chương trình phát triển KT-XH xóa đói, giảm nghèo; nhất là chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS giai đoạn 2021-2030.
Huyện đã lồng ghép, triển khai hiệu quả nguồn vốn các chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh với dự án phát triển KT-XH trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, xây dựng 96 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH, tập trung vào hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa, trường học… với tổng trị giá trên 200 tỷ đồng.
![]() |
Hiện, trên địa bàn huyện, 100% xã có đường ô tô rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; đường ô tô vào đến 89% thôn, bản; hơn 78% thôn, bản có điện lưới quốc gia; trên 90% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường học kiên cố…
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân cho biết, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất được xác định là nội dung quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế vùng ĐBDTTS trên địa bàn. Huyện đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ bà con thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cây con giống mới vào sản xuất... Từ năm 2019 đến nay, các chương trình, chính sách đã hỗ trợ cho bà con trên 5,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng chất lượng, có năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng vào canh tác; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng nguồn thu nhập.
Công tác giao đất, giao rừng cho ĐBDTTS đạt được những kết quả tích cực, giúp cho bà con ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững. Huyện đã giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 2.500ha cho 346 hộ, 10 cộng đồng tham gia năm 2019. Hiện nay, huyện đang triển khai giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 46.326ha cho 925 hộ với 19 cộng đồng tham gia khoanh nuôi, bảo vệ.
Nâng cao đời sống đồng bào vùng cao
Trường Sơn là xã duy nhất trong toàn tỉnh có thôn đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn huyện có 3 thôn: Long Sơn, Liên Xuân và Hồng Sơn (xã Trường Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM tại xã đặc biệt khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức, các chương trình, chính sách hướng về ĐBDTTS trên địa bàn xã được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo sự thay đổi rõ rệt ở các bản làng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng; giá trị truyền thống văn hóa được bảo tồn, phát huy; chất lượng y tế, giáo dục, chất lượng đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, giúp các bản thuộc hai xã biên giới, miền núi Trường Sơn và Trường Xuân, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều công trình, phần việc giúp đỡ 19 bản với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng và 500 ngày công lao động. |
Cùng với quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, các cơ chế, chính sách, nhất là về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách xã hội... được huyện xây dựng, triển khai bảo đảm kịp thời. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã vận động xây mới được 127 ngôi nhà, sửa chữa 7 ngôi nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Lan, bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi mới có điều kiện xây dựng nhà mới với diện tích hơn 50m2. Dự kiến Tết năm nay, gia đình tôi sẽ có ngôi nhà mới khang trang, vững chắc để ở”.
Theo ông Lê Ngọc Huân, các chính sách đặc thù cho vùng ĐBDTTS được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại nguồn lực to lớn, giúp huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH nói chung, phát triển vùng ĐBDTTS nói riêng. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách cho ĐBDTTS, tạo điều kiện để ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐBDTTS tích cực, chủ động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ ở cơ sở; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người ĐBDTTS; chăm lo xây dựng và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; nâng cao vị trí, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.
Lan Chi