Những cụ già sống khỏe quê tôi

  • 07:27 | Thứ Năm, 28/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi còn nhớ, trong một talkshow trên truyền hình, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi bàn về tiêu chí “lý tưởng” cho tuổi già của mình có nói: “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người biết đến”. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những cụ già quê tôi “sống khỏe”. Còn tất nhiên rồi, bởi vì họ là những nông dân “cổ cày, tay trâu” nên làm gì có “của để dành” và có “nhiều người biết đến”.
 
Hãy sống đầy yêu thương và vị tha
 
Đó là câu trả lời của cụ Nguyễn Thêm (SN 1929) ở tổ dân phố (TDP) Đình Chùa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), khi tôi hỏi về bí quyết sống thọ, sống khỏe. Ở tuổi 95, cụ Nguyễn Thêm vẫn sống hạnh phúc bên cụ bà tuổi 95 và một “Tứ đại đồng đường”.
 
Cụ Thêm hiện là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) thơ làng Thổ Ngọa và CLB Đường thi sông Gianh. Hàng tháng, cụ vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn ở hai CLB. Cụ có một trí nhớ đặc biệt. Trong chiến tranh, cụ bị bom Mỹ cắt cụt tay phải, việc cầm bút tay trái khi về già trở nên khó khăn, vậy là cụ làm thơ bằng… ghi nhớ trong đầu. Khi nào cần, cụ đọc hết bài này sang bài khác cho con cháu hoặc thi hữu ghi lại.
 
Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 xuân Giáp Thìn 2024, được Chi hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Trạch-TX. Ba Đồn và UBND phường Ba Đồn tổ chức tại đình Phan Long, mặc dù thời gian hạn chế, nhưng tôi vẫn sắp xếp để cụ “trình diễn” thơ. Khi người dẫn chương trình giới thiệu, nhìn cụ chững chạc bước lên sân khấu, trong khán phòng nhiều người không tin cụ đã 95 tuổi.
 
Ngạc nhiên hơn nữa, khi nhiều người trẻ đọc thơ phải cầm giấy thì cụ một tay cầm micro biểu diễn rất hùng hồn một bài thơ dài 20 câu thể “song thất lục bát”. Tôi nghe tiếng xì xào, chắc là tuổi trong căn cước công dân thôi… Tôi bèn cầm micro xin thưa là, chúng tôi đang giới thiệu tuổi chính thức, còn trong căn cước thì ghi cụ sinh năm… 1927 ạ!
 
Cụ Thêm là một pho tư liệu sống của quê tôi. Mặc dù chỉ học hết bậc tiểu học thời Pháp thuộc, nhưng nhờ thông minh, ham đọc sách, sự quan sát và trí nhớ đặc biệt nên cụ rất thông lịch sử, địa lý và các chuyện kim cổ. Những bài viết về làng xã ngày xưa của tôi đều tham khảo ý kiến cụ. Trong bài viết “Giai thoại Cồn Két” đăng trên Báo Quảng Bình, thân sinh cụ chính là vị lý trưởng giành lại Cồn Két từ tên mật thám Pháp.
b
Cụ Nguyễn Thêm và cụ Nguyễn Thị Thi.
Cụ kể: “Từ nhỏ, tôi đã được cha dạy về tình yêu thương và lòng vị tha, ngay cả đối với những vật nuôi trong nhà. Một hôm, có một tên trộm vào vườn bẻ bắp bị tôi bắt được. Tôi túm tóc hắn định cho mấy bạt tai, thì cha tôi đi ra. Cha cầm tay tên trộm hỏi, anh đã bị đánh chưa? Tên trộm lắc đầu. Cha tôi mỉm cười, cho tên trộm về và cho cả số bắp đã bẻ. Ông quay sang nói với tôi, họ đói mới làm cái việc bất đắc dĩ đó, họ cũng đầu đen máu đỏ con ạ, nên tha thứ cho họ… Có lẽ nhờ vậy mà tôi luôn sống yêu thương, vị tha nên được sống thọ, sống khỏe thế này chăng!”.
 
Tuổi 90 cụ bà múa võ, cụ ông viết thơ tình
 
Ở phường Quảng Thuận, có nhiều phụ nữ tên Thi nhưng nếu ai hỏi nhà mệ “Thi Võ” thì người ta chỉ ngay ngôi nhà có lối quanh co, nằm sâu hun hút ở TDP Me Hội. Cụ Trần Thị Thi học võ từ người cha của mình thuở ấu thơ. Nhiều người vẫn kể, hồi nhỏ cụ đã theo cha đi thi đấu khắp vùng và thường không có đối thủ thiếu niên. Mỗi khi làng Thổ Ngọa có lễ hội, cụ đều được mời biểu diễn những bài võ thuật rất điêu luyện.
 
Hoàn cảnh cụ Thi rất khó khăn, chồng mất sớm, một tay nuôi đàn con dại, nhưng cụ không để đói nghèo làm mai một những bài võ gia truyền. Hàng đêm, cụ thường ra bờ sông Gianh tập luyện, bởi vậy, năm nay đã 87 tuổi, cụ vẫn đi những bài quyền như “o con gái”. Mồng 5 Tết Giáp Thìn 2024, CLB thơ làng Thổ Ngọa đến chơi, cụ đã biểu diễn bài quyền “Hoa mai” và “Song kiếm” trong sự ngạc nhiên và vỗ tay tán thưởng, khiến cụ Nguyễn Thêm phải xin chụp ảnh để làm kỷ niệm.
 
Nói đến võ thì cụ Thi, nhưng nói về văn phải kể đến cụ Trần Duy Nghiêm (89 tuổi) ở TDP Đình Chùa. Cụ Nghiêm là người đồng sáng lập ra CLB thơ làng Thổ Ngọa cách đây 31 năm. Thơ của cụ được đăng rất nhiều ở Tạp chí Nhật Lệ và nhiều báo khác. Tôi rất thích thú mảng “thơ tình” của cụ. Tứ, hình ảnh, ngôn ngữ trong thơ tình cụ Trần Duy Nghiêm rất trẻ trung và ý nhị. Nếu không thấy người mà chỉ đọc thơ, người đọc có thể nghĩ của một nhà thơ trẻ nào đó: “Gọi trăng vào cửa sổ/Cho bóng em ngã dài/Anh cứ là bỡ ngỡ/Đùa anh, em giấu hoài…” (Gọi trăng), và: “Có nụ hôn vội vã/trăng vương rớt bên hồ/Có nụ hôn bất ngờ/Vương vào trăng khuyết nửa/Có nụ hôn dang dở/Trăng vương mãi đến giờ…” (Vương).
 
Cụ Nghiêm cũng có trí nhớ đặc biệt, mắt cụ kém viết không thẳng hàng nên cụ cũng làm thơ bằng ghi nhớ, cụ có thể đọc lại hàng trăm bài thơ đã làm mà không sai một chữ. Hơn 20 năm, cụ bà nay đã 86 tuổi, bị tai biến tay chân yếu, nhưng hai cụ vẫn hỗ trợ cho nhau sống hạnh phúc vì con cái ở xa. Thơ bạn bè tặng, cụ bà đọc cho cụ ông nghe. Cụ ông làm thơ, cụ bà đọc thuộc. Cụ bà Nguyễn Thị Cầm hóm hỉnh: “Choa sống khỏe là nhờ thơ tình của ông Nghiêm đấy!”.
 
Những cụ ông, cụ bà lạc quan, hài hước
 
Quê tôi còn nhiều cặp vợ chồng U90 lắm, nhưng chỉ xin kể ra đây những người sống khỏe nhờ lạc quan, hài hước. Dù cụ Trần Thó qua đời cách đây hai năm, thọ 103 tuổi, nhưng cũng nên nói đến tính hài hước của cụ. Hình như với cụ Thó, không nói “trạng” là cụ không chịu được, ngồi với cụ là chỉ có cười. Cụ không nói nhưng tôi đồ rằng đó là bí quyết sống thọ.
 
Cũng ở TDP Me Hội với cụ Thi, có cụ Lô năm nay 101 tuổi. Năm cụ 90 tuổi, con cháu định tổ chức mừng thọ, cụ ngăn cản rất lạc quan: “Chín mươi tuổi thì thọ chi, để trăm tuổi hãy mừng”. Năm ngoái cụ 100 tuổi, con cháu muốn tổ chức mừng thọ, cụ lại cản, con cháu nhắc lại lời cụ mười năm trước, cụ đành chịu.
 
Tôi đã có bài viết “Hạnh phúc là còn được lao động” đăng Báo Quảng Bình cách đây hai năm. Bài viết nói về đôi vợ chồng cụ Nguyễn Cháu và Trương Thị Thỉ. Sau hai năm, cụ ông 91 tuổi, cụ bà 89 tuổi, vẫn sống khỏe, vẫn hăng say lao động. Đầu xuân, đến thăm hai cụ trong căn nhà khang trang cậu út mới xây xong, thấy hai cụ ngồi xem ca nhạc trên tivi, miệng hát theo “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” mà ước mơ cho mình mai sau quá.
 
Không thể kể hết về những cụ sống khỏe quê tôi. Ví như, ở TDP Đình Chùa, còn có cụ bà Nguyễn Thị Hợp (SN 1929) vẫn kể chuyện tiếu lâm; cụ Nguyễn Thế Sỹ (SN 1938) sáng vẫn chạy thể dục như thanh niên và nhiều cụ khác nữa.
 
Tôi nhận thấy điểm chung của các cụ là nông dân, chuyên cần lao động, ăn uống phần nhiều bằng sản phẩm tự làm ra, sạch và đơn giản. Điều quan trọng ở họ là sống lạc quan, yêu đời, vị tha, nhân ái. Tôi tin, các cụ là tấm gương sáng mãi cho hậu thế noi theo.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Cần những "cú hích" đủ mạnh - Bài 2: Đi tìm lời giải cho "bài toán khó"

(QBĐT) - Mặc dù các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng không thể phủ nhận hành trình giảm nghèo thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn đang là chặng đường gập ghềnh, trắc trở với nhiều "bài toán khó".

Cần những "cú hích" đủ mạnh - Bài 1: Khó chồng khó

(QBĐT) - Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thông tin, tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, công tác giảm nghèo về thông tin vẫn đang gặp không ít vướng mắc. 

Làng biển trong "vòng xoáy" của đất - Bài 1: Vì đâu nên nỗi?

(QBĐT) - Sau khi Tập đoàn FLC khởi công quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình (dự án FLC Quảng Bình), giá đất trên địa bàn xã biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh) không ngừng "leo thang". Điều đáng nói, có rất nhiều người dân nơi đây bị cuốn vào "vòng xoáy" lướt sóng thị trường đất, để giờ đây trở thành "con nợ", với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.