Làng biển trong "vòng xoáy" của đất - Bài 1: Vì đâu nên nỗi?

  • 06:20 | Thứ Tư, 27/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau khi Tập đoàn FLC khởi công quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Bình (dự án FLC Quảng Bình), giá đất trên địa bàn xã biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh) không ngừng “leo thang”. Điều đáng nói, có rất nhiều người dân nơi đây bị cuốn vào “vòng xoáy” lướt sóng thị trường đất, để giờ đây trở thành “con nợ”, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
 
Cơn sốt đất của những năm trước đã đẩy không ít người dân xã Hải Ninh (Quảng Ninh) vào con đường khuynh gia bại sản, phải “tha phương cầu thực” và trốn nợ. Đó là hệ quả của tình trạng nhà nhà buôn đất, người người làm “cò đất” và người không có tiền cũng vay ngân hàng để buôn đất.
 
“Say máu” vì những khoản tiền siêu lợi nhuận
 
Những ngày này, ngư dân xã Hải Ninh được mùa biển nên không khí tấp nập người mua kẻ bán, trên bến dưới thuyền diễn ra từ lúc sáng sớm đến tối muộn. “Nhịp sống làng biển nơi đây đã nhộn nhịp trở lại”, đó là lời của anh T., một ngư dân đang chuẩn bị thuyền cho chuyến biển mới. Thấy giọng điệu của anh khá lạ, tôi hỏi: “Sao lại nhộn nhịp trở lại?”. Anh trả lời cụt lủn: “Vì trước đây, nhiều người đã bỏ biển, theo buôn đất, kiếm lời. Nhưng lời đâu không thấy chỉ thấy cục nợ”.
 
Chuyện xảy ra vào những năm 2021-2022. Ở xã Hải Ninh nổi lên phong trào người người làm “cò đất”, nhà nhà đi buôn đất. Giá trị mảnh đất “leo thang” tính bằng ngày, giờ, chứ không phải năm, tháng. Người mua đất, người gom đất tấp nập. Làng biển bãi ngang vốn nghèo khó này chưa bao giờ tấp nập, rộn ràng đến thế. 
Nhiều người dân xã Hải Ninh khuynh gia bại sản và vỡ nợ vì “gom đất” (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Nhiều người dân xã Hải Ninh khuynh gia bại sản và vỡ nợ vì “gom đất” (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Người tứ xứ đổ về đây để hỏi mua đất. Còn người làng biển vốn chân chất, hiền lành, ngày ngày ngụp lặn trên biển cũng nhanh chóng hòa nhập, bắt kịp xu thế để đi buôn đất. “Nói hòa nhập cũng không hẳn đúng, mà bị cuốn vào vòng xoáy của nó”, anh T. bảo và bản thân anh cũng vậy.
 
Năm 2021, tình cờ quen biết một người có mảnh đất ở khu quy hoạch tái định cư trên địa bàn xã muốn bán lại, anh liền chốt giá mua với số tiền hơn 500 triệu đồng (giá gốc trước đó gần 300 triệu đồng). Lúc này, giá đất trên địa bàn có dấu hiệu “tăng nhiệt”. Năm 2022, mảnh đất anh mới mua có người chốt giá 1,2 tỷ đồng. Vậy là hời quá. Chỉ trong vòng hơn một năm, mà kiếm được gần 700 triệu đồng, thì đó đúng là giấc mơ. Đấy cũng là năm, giá đất ở xã Hải Ninh tăng chóng mặt. Cái lợi “quá khủng” và đồng tiền có được quá dễ dàng, thì có ai không “say máu”, anh từng nghĩ như thế.
 
Ngay sau đó, anh và một người em “hùn vốn” mua 2 thửa đất ngay bên cạnh khu vực dự án FLC, với giá 1,8 tỷ đồng/thửa. Thời điểm đó, đất ở khu vực này gọi là “đất vàng”. Ngày hôm trước, anh mới đặt “tiền cọc” 300 triệu đồng, 3 ngày sau có người trả giá 2,8 tỷ đồng. Theo phân tích của anh, giá đất còn “leo thang” cao hơn nên bán nhanh một ngày là thiệt một đống tiền. Anh định bụng, đợi đến ngày thứ năm mới bán, thì sang ngày thứ tư, thông tin Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt. Vậy là đất “quay đầu” hạ giá. May sao, anh kịp bán trước khi giá xuống thấp. “Mình thức tỉnh sớm và chưa tham ôm đất quá nhiều, nhưng cũng còn nợ một ít”.
Để nhẹ gánh nợ, nhiều người dân xã Hải Ninh trở lại vươn khơi bám biển.
Để nhẹ gánh nợ, nhiều người dân xã Hải Ninh trở lại vươn khơi bám biển.
Nói rồi anh nhìn về phía đại công trình của dự án FLC, nơi có những tòa nhà dãy ngang dãy dọc nhô lên trước biển, xót xa kể: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, thời điểm dự án rầm rộ xây dựng, anh cũng góp vốn nhận thầu thi công một số công trình, thế nhưng “có làm mà không có ăn”. Tất tật tiền thi công suốt mấy tháng, anh chưa nhận được đồng nào, trong khi đó là tiền vay ngân hàng hết. Giờ đây, cùng khoản nợ mua đất, anh đang gánh khoản nợ hơn 3 tỷ đồng, với khoản tiền lãi phải trả hàng tháng gần 30 triệu đồng. Sau hơn một năm bỏ biển, theo đất, theo thầu xây dựng, giờ đây, anh buộc phải quay trở lại với biển, hy vọng biển sẽ “cưu mang” gia đình và làm nhẹ gánh khoản nợ tiền tỷ đang mắc phải.
 
Vay tiền ngân hàng để cho “vay nóng”
 
Trong “vòng xoáy” ấy, Cừa Thôn, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) là địa bàn có nhiều người gánh nợ nặng nề nhất. Trưởng thôn Cừa Thôn Mai Thanh Phương cho biết, từ khi dự án FLC khởi công, thị trường đất đai trên địa bàn bắt đầu sôi động. Người ở các địa phương khác rầm rập đến mua đất, đẩy giá đất từ vài chục triệu đồng lên đến hàng tỷ đồng/thửa. Phong trào tách đất, “gom đất” để bán kiếm lời cũng rộ lên từ đó. Đến cả người bán rau cũng đi vay tiền để buôn đất. Có nhiều trường hợp thế chấp nhà, đất đai vay tiền ngân hàng về để cho người khác “vay nóng”, tham gia “lướt sóng” đất.
 
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Nhàn cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Hải Ninh, từ năm 2020 đến tháng 3/2024, đơn vị đã thụ lý giải quyết 51 vụ việc dân sự, 7 vụ hình sự. Các vụ việc dân sự đều liên quan đến tranh chấp đất đai, tranh chấp hợp đồng đặt cọc, ngân hàng khởi kiện đòi nợ quá hạn. Đáng chú ý, các khoản vay diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022 và đều nợ số tiền lớn từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Điều đáng lo ngại, hiện ở Cừa Thôn có đến gần 80% hộ dân nợ ngân hàng vì tham gia “lướt sóng” đất và khoảng 30% trong số đó hiện là “con nợ” của các ngân hàng, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Từ năm 2023, khi dự án FLC không còn thi công, giá đất bắt đầu xuống, không còn người mua kẻ bán tấp nập như trước. Những người lỡ “ôm đất”, không bán được, nghiễm nhiên cũng ôm luôn cả đống tiền nợ.

“Thôn, xã biết chuyện đó, nhưng làm sao ngăn cản họ được. Nhiều cuộc họp thôn xóm, chúng tôi đều cảnh báo, nhưng sức hấp dẫn của khoản tiền siêu lợi nhuận từ đất khiến họ không thể “ngoảnh mặt làm ngơ”, ông Mai Thanh Phương cho biết thêm.
 
Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh Hoàng Minh Lễ cho hay: “Hiện, chính quyền địa phương chưa nắm được có bao nhiêu trường hợp vỡ nợ vì “ôm đất”, “cò đất”. Những năm trước đây, hiếm hoi lắm mới có trường hợp phát mại tài sản vì nợ ngân hàng. Nhưng giờ đây, nhiều người đã bị phát mại tài sản để thi hành án và thời gian tới có lẽ sẽ còn nhiều người nữa. Vấn đề hiện nay là khuyến khích người dân vươn khơi bám biển, tích cực lao động sản xuất và xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài”.
Dương Công Hợp
 
>>> Bài 2: Ám ảnh vì đất

tin liên quan

Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7

Sáng 26/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.  

Chính phủ bỏ quy định Cảnh sát giao thông được trích lại 70% tiền xử phạt

Chính phủ bỏ đề xuất lực lượng Cảnh sát giao thông được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, một doanh nghiệp bị xử phạt 90 triệu đồng

(QBĐT) - Cục trưởng Cục QLTT vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP xây lắp và thương mại Ngân Hà với số tiền phạt 90 triệu đồng; đồng thời tịch thu tang vật vi phạm là 1 bộ máy phát điện đã qua sử dụng, trị giá hơn 1,2 tỉ đồng.