(QBĐT) - Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em là những nội dung trọng tâm của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Triển khai dự án từ cuối năm 2022, đến nay, hai xã miền núi Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh) đã có nhiều khởi sắc và kỳ vọng mới.
Dự án 8 được triển khai tại huyện Quảng Ninh trong bối cảnh nhiều thuận lợi như xã Trường Sơn được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam lựa chọn là đơn vị làm điểm toàn quốc về xây dựng và vận hành mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" (TTTCĐ); đồng bào hai xã Trường Sơn và Trường Xuân chủ yếu là dân tộc Kinh và Bru-Vân Kiều, đa số thông thạo tiếng Việt, trình độ nhận thức khá cao; cán bộ hội viên tiếp cận và sử dụng internet thành thạo. Bên cạnh những thuận lợi đó, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông của một số bản còn khó khăn, một số thôn, bản cách xa nhau; những bất cập trong các văn bản hướng dẫn triển khai dự án… là những khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện dự án.
Đi qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, với sự phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi dự án 8 từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh và các phòng, ban liên quan, đặc biệt là tinh thần nỗ lực, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN huyện và 2 xã thuộc dự án, đã xuất hiện những “con số biết nói”.
Công tác tuyên truyền được xác định là giải pháp then chốt nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nói chung, chị em phụ nữ nói riêng, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Đã có 19 TTTCĐ do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh, huyện cùng hai xã Trường Sơn, Trường Xuân thành lập, so với kế hoạch đề ra vượt 8 tổ.
Các TTTCĐ được hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị; tập huấn truyền thông trên nền tảng số; truyền thông theo chủ đề phù hợp với địa phương, truyền thông tại các buổi hội họp của thôn, bản. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng cũng được trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới…
“Điều quan trọng hơn nữa là những nội dung gần gũi, thiết thực với đời sống hàng ngày không chỉ thu hút chị em hội viên mà có nhiều nam giới tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm, từ đó, những người chồng, người cha có sự thấu hiểu để từng bước gánh vác, sẻ chia cùng vợ con trong cuộc sống. Có thể nói đây là "cái được" rất lớn trong hoạt động truyền thông, tiền đề cho những kết quả quan trọng của dự án!”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh Nguyễn Thị Như Ngọc chia sẻ.
Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 triển khai tại 11 xã và 8 thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc 5 huyện (Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy). Với 8 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, đến nay, dự án 8 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội của phụ nữ và trẻ em tại các địa bàn hưởng lợi.
Cùng với thay đổi “nếp nghĩ”, dự án 8 đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thay đổi “cách làm” cho chị em. Đó là thành lập 13 tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản (TKVVTB), gồm Trường Xuân 2 tổ, Trường Sơn 11 tổ; thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Sơn với 31 thành viên, trong đó có 20 thành viên nữ; phối hợp thành lập Tổ hợp tác măng tại bản Khe Ngang, xã Trường Xuân với 4 thành viên nữ tham gia hội đồng quản trị. Từ vị trí những người phụ thuộc trong gia đình, không có tiếng nói, sau khi tham gia các TTKVVTB, hợp tác xã, tổ hợp tác, chị em từng bước thay đổi, nỗ lực làm kinh tế, vươn lên khẳng định vai trò của mình trong gia đình và cả xã hội.
Dự án 8 cũng làm tốt vai trò đồng hành của mình khi phối hợp cùng Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai hỗ trợ HTX Nuôi ong lấy mật Đại ngàn Trường Sơn, thôn Long Sơn, xã Trường Sơn với 31 thành viên được tập huấn, tư vấn về quản lý chất lượng, khai thác sản phẩm, sơ chế và bảo quản mật ong sau thu hoạch. Các chị cũng được tập huấn kỹ thuật liên quan của nghề nuôi ong nhằm phát huy hiệu quả những tiềm năng thế mạnh nơi địa bàn mình sinh sống.
Không chỉ quan tâm chăm lo nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế cho chị em hội viên, 4 mô hình “Địa chỉ tin cậy” ra đời và đi vào hoạt động đã tạo điểm tựa tin cậy cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình (BLGĐ). Cùng với các kiến thức phòng tránh bạo lực, ứng xử khi bị BLGĐ, các “Địa chỉ tin cậy” được trang bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để phụ nữ, trẻ em tạm lánh trong những trường hợp khẩn cấp. Quan trọng hơn là thông qua các hoạt động tuyên truyền và sự ra đời của các địa chỉ tin cậy, phụ nữ và trẻ em nhận diện rõ những hành vi BLGĐ để ứng xử phù hợp. Huyện Quảng Ninh cũng vượt chỉ tiêu tỉnh giao với 4 tổ (kế hoạch 1 tổ).
Để nâng cao quyền năng, bảo đảm tiếng nói, sự tham gia thực chất cho phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN xã Trường Sơn đã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách, trong đó tập trung vào các vấn đề cấp thiết trong gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp với Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trường Sơn thành lập Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng để các em tự bảo vệ mình, tạo diễn đàn để các em chia sẻ các vấn đề quan tâm và phát huy năng lực chính mình. Các em cũng được tham gia cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi lần thứ I năm 2023, với tên gọi “Lắng nghe con nói”.
Dự án 8 của huyện Quảng Ninh được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn làm điểm với hoạt động đầu tiên là thành lập TTTCĐ tại 3 thôn, bản vào cuối năm 2022. Tiếp đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo điểm ra mắt mô hình "Địa chỉ tin cậy", CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi và 2 TTTCĐ.
“Bên cạnh những khó khăn ban đầu, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh, đến nay dự án 8 tại huyện Quảng Ninh đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Đặc biệt là ở các bản là người Bru-Vân Kiều, bà con được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, khuôn mẫu giới trong việc nhà, công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các kiến thức về hôn nhân và gia đình. Đội ngũ cán bộ thôn, bản đã tiếp cận tốt các kiến thức, kỹ năng, tự tin, mạnh dạn trong công tác truyền thông và giao tiếp. Nam giới bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề về phụ nữ, trẻ em, biết chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Diệp Thị Minh Quyết cho biết.
(QBĐT) - Cùng với quyết tâm và các quyết sách đúng đắn của tỉnh để gìn giữ, phát triển nguồn tài nguyên quý báu của quê hương và bao tấm gương thầm lặng đã mang đến màu xanh bền vững cho rừng Quảng Bình.
(QBĐT) - Qua báo cáo sơ bộ của các huyện, thị xã, thành phố về tình hình Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhân dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.