"Kiếm Tết" nơi mép sóng

  • 07:39 | Thứ Ba, 06/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày cận kề Tết Giáp Thìn ở vịnh Hòn La, biển động, từng cột sóng lớn vẫn đều đặn đập vào ghềnh đá làm tung bọt trắng xóa. Vậy nhưng, trên những ghềnh đá sát mép, nhiều người dân xã Quảng Đông (Quảng Trạch) vẫn miệt mài hái rong biển với mong muốn có thêm tiền để sắm sửa một cái Tết đủ đầy hơn.
 
Mùa đông, biển động, ngư dân xã Quảng Đông không thể ra khơi. Nhưng mùa biển độngcũng là lúc các loài rong biển sinh sôi trên những ghềnh đá, sát mép sóng. Rong biển ở vùng biển xã Quảng Đông có 2 loài chính. Loài mọc trên những tảng đá, người dân địa phương gọi là rong mứt. Loại thứ 2 thường mọc ở chân ghềnh đá, nơi tiếp xúc với sóng biển, gọi là rong đỏ.
 
Nhiều năm nay, nghề hái rong biển đã trở thành một nghề mưu sinh của nhiều gia đình nơi đây trong những ngày biển động không thể ra khơi. Đặc biệt, nhờ nghề hái rong biển, nhiều gia đình đã có một cái Tết đủ đầy hơn. 
Chiều muộn, chị Bạch Minh Ánh vẫn miệt mài hát rong “kiếm Tết” trên ghềnh đá ở vịnh Hòn La.
Chiều muộn, chị Bạch Minh Ánh vẫn miệt mài hái rong “kiếm Tết” trên ghềnh đá ở vịnh Hòn La.
Những ngày này, ngay từ sáng sớm, anh Đinh Văn Dũng (37 tuổi, trú thôn Vịnh Sơn) cùng nhóm 4 người bạn ra ghềnh đá vịnh Hòn La thu hái rong biển. Họ mang ủng, quần mưa và áo ấm để tránh những con sóng đánh ướt người. Dụng cụ hái rong là con dao tự chế hình móc câu, dài khoảng 40cm, phía cán có dây buộc để đeo vào tay phòng sóng đánh rơi xuống biển. Mỗi người mang theo một túi lưới đeo bên hông.
 
Anh Dũng chọn mỏm đá xa nhất, nơi chưa ai thu hoạch tiến đến. Cẩn thận từng bước chân bám vào ghềnh đá trơn trượt, cheo leo đầy ngọn sóng, anh Dũng nói nơi sóng đánh càng mạnh, đá trơn, chênh vênh thì rong đỏ mọc càng nhiều.
 
Vừa hái rong, nhóm anh vừa để ý nhìn con sóng rồi nói lớn cảnh báo nhau để tránh sóng đánh rơi xuống biển. "Không cẩn thận là bị rơi xuống biển, sóng đánh đau ê ẩm, bị thương khắp người", anh Dũng cho hay. 
 
Kết thúc một ngày làm việc, nhóm anh Dũng hái được 20kg rong đỏ. Với giá bán 250.000 đồng/kg, mỗi người trong nhóm có thu nhập một triệu đồng, giúp họ có thêm tiền để mua sắm Tết.
 
Không đủ sức khỏe và dũng cảm hái rong đỏ như đàn ông, những người phụ nữ chọn khai thác rong mứt gần bờ, trên các tảng đá khi thủy triều rút. Mỗi người mang theo một rổ nhựa hoặc bao lác đựng rong. Họ cầm một miếng kim loại mỏng, hình tròn để tách rong mứt khỏi đá. 
Rong mứt.
Rong mứt.
Chiều muộn nhưng trên bãi đá phía Bắc cảng Hòn La, chị Bạch Minh Ánh (35 tuổi, trú thôn Đông Hưng) vẫn miệt mài hái rong mứt. Chị Ánh là người Ba Vì (Hà Nội) nhưng vào làm dâu ở xã Quảng Đông đã gần 10 năm nay. Chồng chị làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòn La nên thu nhập cũng hạn chế. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị Ánh theo những chị em ở trong thôn đi hái rong mứt và dần quen với công việc mưu sinh này.
 
Chị Ánh cho biết, sau khi đã thành thạo công việc, mỗi này chị có thể hái được được 2kg rong mứt. Với giá bán 200.000 đồng/kg mỗi ngày chị có thu nhập khoảng 400.000 đồng. “"Nghề hái rong thì phải canh sóng, chịu rét, nhưng chịu khó thì cũng có thêm thu nhập. Đặc biệt trong những ngày cận Tết, không có việc làm, thì đi hát rong mứt cũng có thêm ít tiền để mua sắm Tết”, chị Ánh chia sẻ.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền chia sẻ: “Mùa rong biển kéo dài từ tháng 10 năm nay đến hết tháng giêng năm sau, trùng với thời điểm biển động, ngư dân ít đi biển nên phần nào mang về nguồn thu nhập cho người dân. Tuy vậy, lấy rong biển do đối mặt với sóng dữ nên cũng dễ xảy ra tai nạn. Xã thường xuyên khuyến cáo bà con hết sức cẩn thận khi hái rong”.
Phan Phương

tin liên quan

Sắm Tết thời công nghệ

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của công nghệ, những "phiên chợ Tết online" được mở ra làm cho Tết thời nay cũng mang những sắc thái mới mẻ hơn.

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn. Bởi vậy, để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và vui xuân an toàn, các ngành chức năng của TX. Ba Đồn đã tăng cường các giải pháp bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

An toàn giao thông: Tự bảo vệ mình trước nguy cơ tai nạn giao thông do rượu, bia

Theo đánh giá của chuyên gia, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi người. Tình trạng lạm dụng rượu, bia cũng tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, an toàn giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội.