Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8)
Điểm tựa cho nạn nhân chất độc da cam
(QBĐT) - Trung tâm Bán trú chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin (Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh) là nơi duy nhất tại Quảng Bình triển khai các hoạt động phục hồi chức năng dành cho NNCĐDC, góp phần để họ hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh chia sẻ: Trung tâm được xây dựng năm 2014, với tổng trị giá đầu tư khoảng 15 tỷ đồng, bao gồm các thiết bị máy móc phục hồi chức năng và các phòng điều trị chức năng chuyên biệt. Năm 2016, trung tâm chính thức đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, hàng năm, trung tâm đón nhận trung bình từ 200-300 nạn nhân đến điều trị và phục hồi chức năng. Chi phí mỗi suất điều trị khoảng 4,2 triệu đồng/đợt/người (tỉnh hỗ trợ 2,2 triệu đồng, huyện hỗ trợ 2 triệu đồng); riêng tiền ăn hỗ trợ 120 nghìn đồng/người/ngày; mỗi đợt điều trị kéo dài trong 10 ngày (quy trình 21 ngày).
Để bảo đảm đúng đối tượng, trung tâm đã phối hợp với các địa phương khảo sát trước các trường hợp đến xông hơi tẩy độc, bởi phương pháp điều trị phải phù hợp với tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật, nếu người bệnh tuổi quá cao hoặc vận động, đi lại khó khăn sẽ không tham gia được.
Trung tâm được bố trí 6 cán bộ, nhân viên, trong đó có bác sĩ, y sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên hỗ trợ chăm sóc cho các NNCĐDC/dioxin trong suốt thời gian điều trị. Trung tâm có 3 buồng xông hơi cùng các thiết bị bổ trợ hiện đại, như: Máy phục hồi chức năng, bấm huyệt, máy siêu âm, máy kéo cột sống... Năm 2023, trung tâm đã mua sắm bổ sung các trang thiết bị thiết yếu để phục vụ tốt hơn cho các nạn nhân khi đến tham gia điều trị bệnh với tổng kinh phí 340 triệu đồng.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe, thời gian qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã thường xuyên thăm hỏi các nạn nhân vào các dịp lễ, Tết hoặc khi ốm đau, trợ cấp khi gặp khó khăn. Năm 2022, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ trực tiếp với 11.000 suất quà, trị giá 4,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, hội cũng đã tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đoàn từ thiện… hỗ trợ cho các đối tượng NNCĐDC/dioxin trong tỉnh nhằm giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Cụ thể: Trợ cấp làm nhà cho nạn nhân Ngô Thị Quý (Tuyên Hóa); tổ chức thăm, tặng 89 suất quà cho nạn nhân huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng); tặng quà cho 2 trung tâm có nuôi dưỡng NNCĐDC; tặng 40 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho 40 gia đình nạn nhân ở huyện Tuyên Hóa…
Cùng với đó, chế độ chính sách chăm lo cho các hội viên cũng được Hội NNCĐDC/dioxin quan tâm, tính đến cuối quý II/2023, toàn tỉnh có 2.872 hội viên là nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Nhờ có khoản trợ cấp này, cùng với những tấm lòng nhân ái trong và ngoài nước, cuộc sống của các hội viên được cải thiện đáng kể.
Một trong những hộ NNCĐDC/dioxin hoàn cảnh khó khăn là gia đình ông Ngô Gia Huệ ở thôn Mã Thượng, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa). Ông Huệ tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, để lại di chứng cho 3 người con. Từ khi sinh ra đến nay, các con của ông đều không bình thường, tàn tật, dị dạng, mọi sinh hoạt cá nhân của 3 người con đều do người mẹ chăm sóc.
Ông Ngô Gia Huệ tâm sự: Cuộc sống gia đình tôi vô cùng túng thiếu, vất vả và khó khăn. Nếu không có sự quan tâm của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm thì tôi không biết phải sống như thế nào, tôi rất biết ơn và trân quý các tấm lòng thiện tâm…
Không chỉ gia đình ông Ngô Gia Huệ mà hàng nghìn hoàn cảnh NNCĐDC/dioxin khác trên địa bàn tỉnh rất cần sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái, trong đó, vai trò của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh là cầu nối, nơi gieo niềm yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh tìm thấy niềm tin và hy vọng để nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống.
Với những thành tích trong nhiều năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể và cá nhân của hội được Trung ương hội và tỉnh tặng bằng khen.
Hiền Phương