.
Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo là nhân tố quyết định thành công của công cuộc giảm nghèo:

Huyện Tuyên Hóa: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

.
07:39, Thứ Sáu, 21/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo ở huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
 
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 31,7% (năm 2016) xuống còn 18,5% (6 tháng đầu năm 2018) đã góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
 
Tuyên Hóa là huyện miền núi có xuất phát điểm kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều nên công tác giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu và mang tính bền vững, trên cơ sở thực hiện Chương trình hành động số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm giai đoạn 2016-2020, huyện Tuyên Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế -xã hội, trong đó công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư.
 
Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, huyện đã triển khai nhiều chính sách và biện pháp đồng bộ hướng tới người nghèo, người cận nghèo nhằm góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội.
 
Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế của các địa phương, UBND huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng xã và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án để tổ chức thực hiện; ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án về giảm nghèo.
 
Song song, huyện cũng triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
 
Bên cạnh thực hiện các chính sách chung, các phòng ban, xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng linh hoạt triển khai thực hiện các chính sách riêng, như khuyến khích cán bộ, đảng viên vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ nhà ở, phương tiện sản xuất, nguồn vốn cho hộ nghèo...
Hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng trồng là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững được huyện Tuyên Hóa chú trọng thực hiện.
Hỗ trợ nguồn vốn, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng trồng là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững được huyện Tuyên Hóa chú trọng thực hiện.
Xác định xuất khẩu lao động có tầm quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho gia đình và địa phương, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, trong những năm qua, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả.
 
Huyện tập trung đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo, để người lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 31 lớp đào tạo nghề với hơn 900 học viên tham gia và gần 1.000 người tham gia xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.
 
Phần lớn, các lao động ở Tuyên Hóa đi xuất khẩu ở các nước, như: Đài Loan, Malaysia, Ăng-gô-la... với thu nhập từ khoảng 12-15 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…, người lao động có mức thu nhập cao hơn, khoảng từ 20-35 triệu đồng/người/tháng.
 
Nhiều lao động và gia đình có người đi xuất khẩu lao động nhờ nguồn thu nhập ổn định này đã gửi tiền về trả hết nợ ngân hàng, mua đất xây nhà, xây dựng cuộc sống đủ đầy và thoát nghèo bền vững.
 
Cùng với việc thực hiện công tác giảm nghèo gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định, huyện đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn tạo mọi điều kiện giúp đỡ các gia đình thuộc diện nghèo vay vốn sản xuất. Vì vậy, hầu hết hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện có khả năng sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn tín dụng ưu đãi theo quy định.
 
Từ năm 2016 đến nay, thông qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện đã cho vay tín dụng ưu đãi trên 6.000 hộ nghèo với số tiền gần 250 tỷ đồng để thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và mở rộng quy mô sản xuất, trong đó có 643 hộ đã thoát nghèo.
 
Tiêu biểu như gia đình chị Cao Thị Thương Huyền, ở xã Hương Hóa. Theo chị Huyền chia sẻ, từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình chị mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi theo mô hình gia trại tổng hợp. Nhờ tính cần cù, chịu khó và học hỏi kinh nghiệm của các hội viên phụ nữ trong vùng, mô hình chăn nuôi của gia đình chị đã mang lại hiệu quả kinh tế và giúp chị thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
 
Bên cạnh các chính sách ưu đãi nguồn vốn để phát triển sản xuất, người nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đều được thụ hưởng các quyền lợi về chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở… theo quy định hiện hành.
 
Trong 2 năm qua, huyện đã phân bổ nguồn vốn gần 30 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn; nguồn vốn hỗ trợ sản xuất với gần 8 tỷ đồng chủ yếu để người dân mua bò giống và phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò lai. Riêng hai xã Thanh Hóa và Lâm Hóa nơi có đồng bào Mã Liềng sinh sống được hỗ trợ thêm phân bón, máy cày làm đất để trồng cỏ VA06 chăn nuôi bò lai…
 
Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo ở huyện Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2016 của toàn huyện là 31,7%, đến tháng 6-2018 giảm xuống còn 18,5%.
 
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Điển hình, năm 2017 xã Phong Hóa có tỷ lệ hộ nghèo giảm 9,54% (từ 22,01% xuống còn 12,47%); xã Sơn Hóa có tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,62% (từ 37% xuống còn 29,62%)...
 
Hiện Tuyên Hóa đang nỗ lực phấn đấu từ đây đến năm 2020, bình quân mỗi năm sẽ giảm được khoảng 5% số hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
 
Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo; tập trung giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm mới trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu lao động và khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
 
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền nâng cao dân trí để từng bước chuyển đổi dần về lối sống và khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Ngoài ra, huyện Tuyên Hóa sẽ ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo; phát triển nguồn vốn, lồng ghép các hoạt động của chương trình cho vay giải quyết việc làm và giảm nghèo để phát huy hiệu quả vốn vay; tiếp tục huy động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng và người dân cho công tác giảm nghèo...
 
N.Lưu - X.Phú
,