.
Chuyện quản lý

Trách nhiệm và lời xin lỗi

.
08:39, Thứ Bảy, 22/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - “Xin lỗi” không chỉ là một phép ứng xử văn hóa hàng ngày, mà giờ đây nó đã trở thành quy định bắt buộc trong các cơ quan hành chính các cấp.
 
Mới đây, phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; đồng thời, cần đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC, tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC, nghiêm túc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC.
 
Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương: “Cần thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định”.
 
Trước đó, ngày 19-6, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND quy định về công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC sai sót, quá hạn trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp, người có thẩm quyền giải quyết hồ sơ, TTHC trong các cơ quan hành chính các cấp có trách nhiệm xin lỗi tổ chức, cá nhân khi để xảy ra sai sót, quá hạn trong quá trình giải quyết TTHC.
 
Tại một cuộc họp của UBND tỉnh, đồng chí chủ trì cuộc họp đã nhắc nhở lãnh đạo một địa phương về tình trạng hàng trăm hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai bị tồn đọng, quá thời hạn giải quyết. Vị lãnh đạo địa phương này liền đứng lên “chối” rằng, số hồ sơ đó không tồn đọng ở địa phương, mà đang tồn đọng ở một sở nọ.
 
Đến lượt vị lãnh đạo sở lại cho rằng, tại sở không tồn đọng. Thấy không ai nhận trách nhiệm về tình trạng nói trên, đồng chí chủ tọa liền hỏi cụ thể về hồ sơ của một trường hợp bị “ngâm” quá lâu, lúc này, cả hai vị lãnh đạo mới thừa nhận và hứa sẽ cho kiểm tra, giải quyết.
 
Đó chỉ là một trong những thực tế vẫn xảy ra tại không ít cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều đáng nói, dù đã để xảy ra sai sót, quá hạn trong quá trình giải quyết TTHC, nhưng hiếm thấy tổ chức, cá nhân trong các cơ quan hành chính các cấp thừa nhận trách nhiệm của mình.
 
Phải chăng nguyên nhân của tình trạng nói trên là do thiếu quy trình và cơ chế để kiểm soát trách nhiệm? Bởi một khi không có cơ chế giám sát, kiểm soát thì khó có thể xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao.
 
Cũng liên quan đến vấn đề giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai, để khắc phục tình trạng sai sót, quá hạn và minh bạch trong cải cách TTHC, từ tháng 10-2017, UBND huyện Lệ Thủy đã đưa vào ứng dụng phần mềm điện tử liên thông từ UBND cấp xã đến UBND huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai (đây là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh đưa vào ứng dụng phần mềm liên thông này).
 
Thông qua phần mềm này, tổ chức, cá nhân đến giao dịch sẽ theo dõi được quá trình giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai, đồng thời, các cơ quan quản lý cũng có thể giám sát, kiểm tra, đánh giá quá trình giải quyết các TTHC trong lĩnh vực này của cán bộ, công chức từ giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, xử lý, giải quyết đến lúc trả kết quả.
 
Vì vậy, “mắc” khâu nào, “vướng” ở cấp nào sẽ biết ngay và quan trọng hơn, sẽ không có cơ hội cho bất kỳ tổ chức, cá nhân trong các cơ quan hành chính chối bỏ được trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, quá hạn.
 
Cơ chế chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, quá hạn trong quá trình giải quyết TTHC đã quy định rõ. Vấn đề còn lại là cơ chế nào để kiểm soát và giám sát trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh như trường hợp 2 vị lãnh đạo trên, thì mới có được những lời “xin lỗi” thực chất, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan hành chính các cấp.
 
Dương Công Hợp
 
 
 
 
 
,