.

Lực lượng bảo vệ rừng và nỗi lo cơm áo-Bài 2: Giải bài toán nợ lương, thu nhập thấp

.
14:24, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Có dịp đến các trạm bảo vệ rừng đứng chân tại các địa điểm xung yếu, khó khăn trên địa bàn tỉnh ta mới biết được công việc nặng nhọc và đời sống của các nhân viên bảo vệ rừng ở đây vất vả, thiếu thốn đủ bề như thế nào… Nhưng vượt qua tất cả, họ đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ rừng…, ngay cả khi bị nợ lương nhiều tháng ròng.

Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là hơn 648 ngàn ha, với khoảng gần 400 nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng ở các Ban quản lý rừng phòng hộ và các Công ty lâm công nghiệp (chưa tính lực lượng Kiểm lâm tỉnh và Kiểm lâm VQG Phong Nha- Kẻ Bàng).

Nhân viên bảo vệ rừng Động Châu phối hợp cán bộ Kiểm lâm huyện Lệ Thủy tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.
Nhân viên bảo vệ rừng Động Châu phối hợp cán bộ Kiểm lâm huyện Lệ Thủy tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Riêng diện tích bảo vệ theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm rừng phòng hộ và đặc dụng là gần 300.000 ha.

Cũng theo ông Duẫn, với nhiệm vụ nặng nề như vậy, trong khi nhiều đơn vị còn chậm lương đã khiến cho đời sống của nhân viên bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Và chỉ có những ai quá yêu nghề mới có quyết tâm bám trụ…

Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu việc nợ lương kéo dài như vậy ảnh hưởng thế nào đến công tác bảo vệ rừng của các Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ? Ông Duẫn không có câu trả lời.

>> Bài 1: Nợ lương, nghỉ việc, thực tế buồn

Tuy vậy, có một thực tế mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh ta vẫn đang diễn biến khá phức tạp, thậm chí có nhiều vụ chặt phá rừng với quy mô lớn đã xảy ra, như vụ phá rừng ở xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) thời điểm giáp Tết Mậu Tuất 2018.

Đi tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân các Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ phải nợ lương nhân viên bảo vệ rừng, phóng viên đã lên hệ làm việc với lãnh đạo Sở Tài chính về việc bố trí kinh phí theo Quyết định 2242/QĐ- TTg, ngày 11-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác quản lý gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh ta.

Được lãnh đạo Sở phân công làm việc với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) cho biết, hàng năm tỉnh ta được Trung ương bố trí kinh phí bảo vệ rừng.

Năm 2018, theo quyết định của UBND tỉnh, nhiệm vụ quản lý rừng tự nhiên được UBND tỉnh giao cho 2 công ty: Công ty TNHH MTV LCN Long Đại và Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình.

Trong năm 2018, cả 2 đơn vị này được phê duyệt diện tích hơn 80 ngàn ha với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại hơn 12 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình hơn 4,5 tỷ đồng.

Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, các nhân viên bảo vệ rừng phải tận dụng thời gian để tăng gia sản xuất.
Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, các nhân viên bảo vệ rừng phải tận dụng thời gian để tăng gia sản xuất.

Do kinh phí bảo vệ rừng năm 2017 chưa được Trung ương cấp, vì vậy, năm 2017 tỉnh phải tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh cho Công ty TNHH MTV LCN Long Đại được 8 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình 4,7 tỷ đồng (ứng cả năm 2016).

Riêng đối với năm 2018, kinh phí bảo vệ rừng này được Trung ương bố trí trong ngân sách tỉnh nhưng theo chương trình mục tiêu, vì vậy đến nay, tỉnh mới chỉ cấp đợt 1 cho Công ty TNHH MTV LCN Long Đại là 4,4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình 1,6 tỷ đồng… Ông Tuấn cũng cho biết thêm rằng, sở dĩ do chậm cấp kinh phí bảo vệ rừng là do ngân sách Trung ương chưa cấp và Bộ Tài chính chưa cân đối được nguồn..

Dù thu nhập thấp, bị nợ lương nhiều tháng, đời sống thêm phần khó khăn, vất vả nhưng qua tiếp xúc với phóng viên, đa phần các nhân viên bảo vệ rừng của các Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ không vì thế mà xao lãng nhiệm vụ được giao. Nằm sâu giữa rừng Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, trạm bảo vệ rừng số 8 thuộc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn chỉ có 2 người.

Ngày chúng tôi (PV) đến, anh em trong trạm cùng với 2 nhân viên trạm bảo vệ rừng U Bò cách đó hơn 10 km cũng có mặt để phụ giúp thi công công trình thủy điện nằm cách trạm khoảng 200m, nhằm khắc phục tình trạng không có điện đã tồn tại suốt 10 năm nay.

Trạm trưởng trạm bảo vệ rừng số 8 Trần Xuân Tiến khi nghe có khách đã vội vã bỏ dở công việc để tiếp. Bên ấm chè xanh, Tiến tâm sự rằng, quê anh xã Quảng Liên (huyện Quảng Trạch), gắn bó với nghề rừng cũng hơn chục năm, vì đường xa nên thi thoảng mới có dịp về thăm nhà. Mọi việc ở gia đình anh đều do một tay người vợ đảm đang làm nghề buôn bán ở quê lo toan.

Cuộc sống ở trạm cái gì cũng thiếu, nhưng thiếu thì mình phải sáng tạo. Ở đây cái gì cũng phải mua từ đồng bằng lên, vì vậy anh em trong trạm phải học cách tăng gia như: trồng rau xanh, nuôi gà, hái rau rừng…để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Do là vùng biệt lập, nên thức ăn phải mua cả tuần và phải đi hơn 20 km mới mua được thức ăn nên phương châm nấu ăn ở đây là “hâm nhiều hơn nấu”.

“Anh em trong trạm mấy tháng nay không có lương, cuộc sống gian nan, áp lực bảo vệ rừng rất lớn. Khó khăn là vậy nhưng anh em luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, vừa rồi, thấy trạm thiếu thốn quá, Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn có hỗ trợ cho vài triệu đồng để làm thủy điện nhỏ, có điện phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Nói thật với các anh, lương thấp, thân chúng tôi lo chưa nổi huống chi là gia đình, vợ con…Nhiều lúc thiếu quá cũng phải đi vay hay thỉnh thoảng về thăm nhà được vợ chu cấp thêm ít tiền để chi tiêu qua ngày thôi. Vì quá yêu nghề rừng nên tôi chưa bao giờ suy nghĩ đến bỏ việc…”, Tiến chia sẻ.

Ông Trương Minh Quảng, Giám đốc Ban QLRPH Động Châu cho biết, các trạm của đơn vị đã khắc phục những khó khăn do chậm lương cho nhân viên bằng “sáng kiến” phân công từ 1 đến 2 cán bộ có hưởng lương ngân sách về làm việc tại các trạm bảo vệ rừng, để khi nhân viên hợp đồng chưa có lương, anh em trong trạm có thể cho nhau mượn tạm để mua nhu yếu phẩm.

Ông Quảng cũng cho biết thêm rằng, gần Tết năm vừa rồi, đơn vị không có có tiền cho anh em ứng trước, nhưng những anh em có lương đã góp tiền lại để cho anh em không có lương mượn chi tiêu trong Tết. Dù biết là rất khó khăn, nhưng không còn cách nào khác, lãnh đạo đơn vị đã đi từng trạm động viên anh em nương tựa vào nhau để hoàn thành nhiệm vụ đã được giao…

Theo ông Quảng, để tiếp sức cho các nhân viên bảo vệ rừng còn đang bị nợ lương, ngoài những chủ trương cần có chính sách hợp lý và sự chung sức của các cấp chính quyền, các tổ chức, nhất là cơ quan bảo hiểm xã hội.

Do nằm biệt lập giữa rừng, nên cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Do nằm biệt lập giữa rừng, nên cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ông Quảng lý giải, nhiều nhân viên bảo vệ rừng còn nợ tiền bảo hiểm do không có tiền để nộp, theo quy định, đơn vị bảo hiểm xã hội sẽ tính lãi suất, nhưng qua làm việc ông đề nghị với cơ quan bảo hiểm xã hội cần cân nhắc vấn đề này, vì những nhân viên bảo vệ rừng này bị chính Nhà nước nợ lương, chứ không phải bản thân họ hay đơn vị sử dụng lao động chây ỳ.

Cũng nhằm động viên khích lệ tinh thần, đồng thời “níu chân” những nhân viên bảo vệ rừng, 2 năm trở lại đây, Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn đã phải tận dụng mọi nguồn lực để bảo đảm tiền lương, đóng nộp BHXH, BHYT cho họ.

Ông Châu Ngọc Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn cho biết, đơn vị phải đứng ra vay vốn của công ty để trả lương cho các nhân viên bảo vệ rừng đến hết năm 2017.

Bên cạnh đó, trong các cuộc họp đơn vị, lãnh đạo Lâm trường luôn động viên anh em vượt qua khó khăn. Ngoài ra, Ban chấp hành công đoàn đơn vị thường xuyên đi đến các tổ, đội sản xuất để động viên anh em, giúp anh em yên tâm công tác...

Rõ ràng, trong thời điểm những nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng đang bị nợ lương, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn thì những động thái trên của một số Lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ là hết sức cần thiết, bởi đó chính là những cứu cánh thực sự để nhen lên lòng yêu nghề và trách nhiệm trong công việc của những người giữ màu xanh cho rừng. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán nợ lương vẫn phải bắt nguồn từ khoản kinh phí ổn định, kịp thời của ngân sách nhà nước.

Vì vậy, đề nghị các ban, ngành liên quan sớm chung tay giải quyết, có như vậy mới ổn định tư tưởng của đội ngũ nhân viên bảo vệ rừng và góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Quảng Bình.

Ngọc Hải-Anh Tuấn
 

,