.

Lực lượng bảo vệ rừng và nỗi lo cơm áo-Bài 1: Nợ lương, nghỉ việc, thực tế buồn

.
07:51, Thứ Hai, 09/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, Quảng Bình luôn được đánh giá là một trong những địa phương có mật độ che phủ rừng lớn nhất cả nước. Để có được thành quả này là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành hữu quan các cấp, sự chung tay của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của lực lượng nhân viên bảo vệ rừng. Tuy nhiên, có một thực tế buồn đang diễn ra: Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh không nhận được tiền lương từ nhiều tháng nay. Thậm chí, vì quá khó khăn và áp lực bởi công việc, nhiều người đã phải viết đơn xin nghỉ việc…

Giữ cho những cánh rừng tự nhiên xanh tốt, có sự góp sức không hề nhỏ của hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng.
Giữ cho những cánh rừng tự nhiên xanh tốt, có sự góp sức không hề nhỏ của hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng.

Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm thiêu đốt đầu tháng 7-2018, phóng viên Báo Quảng Bình đã có mặt ở nhiều địa phương, đơn vị liên quan để nắm bắt về thực trạng nợ lương đang diễn ra đối với hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở các Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và các Lâm trường trên địa bàn tỉnh ta…

Ông Châu Ngọc Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại), một trong những đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi Chính phủ có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên cho biết, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc gần 32.000ha rừng thuộc địa phận xã Trường Sơn (Quảng Ninh), xã Phú Định và thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch).

Trong lâm phận quản lý của đơn vị có 3 bản đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào rừng, nên không tránh khỏi tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng trên một địa bàn trải rộng, Lâm trường Trường Sơn đã thành lập 10 trạm bảo vệ rừng, 1 đội cơ động và 4 chốt trực tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xâm hại rừng và lấn chiếm đất rừng…Rừng của lâm trường đã được cấp chứng chỉ, nên công tác quản lý, bảo vệ luôn được đặt lên hàng đầu.

Trước những áp lực của công việc nặng nề như vậy nên công tác bảo vệ rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chế độ tiền lương hàng tháng cho 41 cán bộ, công nhân viên của đơn vị (trong đó có 31 nhân viên bảo vệ rừng tại các trạm bảo vệ rừng).

Theo quyết định 2242/QĐ-TTg, ngày 11-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014-2020, thì hàng năm Lâm trường Trường Sơn được Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên cho hơn 21.000ha, với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, đơn vị mới chỉ ứng được 50% (2 tỷ đồng) của năm 2017. Còn lại 6 tháng cuối năm 2017 thì chưa có. Năm 2018, đơn vị cũng đã ứng được 30% (1,5 tỷ đồng). Hiện tại đơn vị đang còn nợ lương công nhân từ tháng 3 đến tháng 6-2018.

Trạm bảo vệ rừng số 8, Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn làm thủy điện để phục vụ cuộc sống.
Trạm bảo vệ rừng số 8, Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn làm thủy điện để phục vụ cuộc sống.

Ông Dương tâm sự: Với mức thu nhập bình quân trong năm 2017 là 4,4 triệu đồng, lại còn nợ lương nên trong năm 2018 đã có 3 nhân viên bảo vệ rừng tại các trạm của đơn vị xin nghỉ việc, đa số anh em đều có thâm niên 6-7 năm công tác…

“Chúng tôi trăn trở rất nhiều trước vấn đề nợ lương của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, vì nó tác động rất lớn đến tâm lý, cuộc sống của anh em. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm cấp kinh phí bảo vệ rừng để đơn vị chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên…", ông Dương chia sẻ.

Không chỉ ở Lâm trường Trường Sơn, thu nhập thấp, nhiệm vụ nặng nề cũng khiến nhiều người làm công tác bảo vệ rừng ở Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu (BQLRPH), huyện Lệ Thủy phải nghỉ việc để tìm cho mình một công việc khác.

Ông Trương Minh Quảng, Giám đốc BQLRPH Động Châu cho biết, đơn vị có 40 cán bộ, nhân viên, trong đó có 20 nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng và biên chế tự trang trải được hưởng lương từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ cấp.

Từ đầu năm đến nay, do kinh phí chưa được cấp nên đơn vị chưa chi trả lương cho số nhân viên bảo vệ rừng được. Trong lúc đó, lương của số nhân viên bảo vệ rừng mà đơn vị nợ từ tháng 11-2016 đến tháng 12-2017 chỉ vừa mới được chi trả vào đầu năm 2018.

Nhiệm vụ nặng nề, trong khi thu nhập quá thấp khiến cuộc sống của một số nhân viên bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, nhiều người không còn cách nào khác đành phải nghỉ việc. Từ năm 2017 đến nay, BQLRPH Động Châu đã có 4 người xin nghỉ việc.

Điều đáng nói là, trong số những người xin nghỉ có 1 người thuộc diện biên chế được hưởng lương từ ngân sách, vào biên chế được 10 năm, đó là trường hợp anh Trần Ngọc Thắng (Trạm bảo vệ rừng Bãi Đạn). Thậm chí có những người vừa mới vào làm được vài ngày đã không chịu nổi công việc vất vả quá nên bỏ việc.

Đề cập đến việc nhiều cán bộ thuộc quyền xin nghỉ việc, Giám đốc BQLRPH Động Châu Trương Minh Quảng cho rằng: “Ban được giao nhiệm vụ quản lý hơn 22.000 ha rừng, nhưng kinh phí được cấp bảo vệ rừng chỉ 5.500ha (1ha/300 ngàn đồng).

Nhiệm vụ thì vô cùng khó khăn, áp lực công việc lớn, trong khi thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ rừng. Nhiều người là chủ  hộ gia đình nhưng không bảo đảm được cuộc sống cho người thân nên buộc lòng phải tìm việc làm mới phù hợp hơn…”.

Ông Nguyễn Cẩm Sâm, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Bố Trạch (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình) cho biết, đơn vị cũng đang lâm khó khăn. Đây là đơn vị dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo Quyết định 2242/QĐ-TTg, ngày 11-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ.

Lâm trường Bố Trạch chuẩn bị giải thể sau 40 năm tồn tại vì sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Lâm trường Bố Trạch chuẩn bị giải thể sau 40 năm tồn tại vì sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên, khó khăn mà ông Sâm đưa ra không phải là đơn vị nợ lương nhân viên bảo vệ rừng mà là cuộc sống của nhân viên ở đơn vị quá khó khăn, áp lực công việc lớn, đơn vị làm ăn không hiệu quả từ sau khi đóng cửa rừng, thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của thiên tai dẫn đến nguy cơ đơn vị chuẩn bị giải thể.

Trong 6 tháng năm 2018, Lâm trường Bố Trạch cũng có 4 người xin nghỉ việc, trong đó có anh Trần Đình Nam (Trạm Khe Sến, có thâm niên 20 năm công tác) bỏ đơn vị về làm nghề lái xe ô tô.

“Thời hoàng kim, đơn vị có đến 50-60 nhân viên bảo vệ rừng, nhưng bây giờ chỉ còn 18 người, cơ sở vật chất xuống cấp không có tiền mà tu sửa nữa. Buồn thay đơn vị vừa kỷ niệm 40 năm ngày thành lập thì bây giờ đã phải giải thể…”, ông Sâm chua chát.

Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng chưa lúc nào bớt nặng nề, trong khi đang có không ít nhân viên làm công tác bảo vệ rừng lại bất an vì thu nhập thấp và tình trạng nợ lương. Đây là một thực trạng cần được các cơ quan hữu quan tập trung sớm tìm giải pháp giải quyết. Có như vậy thì những cánh rừng tự nhiên mới được bảo vệ an toàn trước sự đe dọa xâm hại của các đối tượng sống dựa vào tài nguyên rừng.

Ngọc Hải-Anh Tuấn

Bài 2: Giải bài toán nợ lương, thu nhập thấp
 

,