Hoàng Thụy Anh Nhã nhặn một căn cước
(QBĐT) - Tôi là nhà thơ, việc phê bình, nhất là phê bình văn xuôi là sở đoản nên không mấy khi “dại” nhúng vào. Tuy nhiên, khi nhận được “Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê”, NXB Văn học quý I/2025, có gì đó, tạm thời chưa đặt khái niệm, thôi thúc tôi ngồi viết bài này.
Trong 8 tác phẩm đã xuất bản (cho đến nay) của nhà văn Hoàng Thụy Anh, có 2 chuyên luận. Đó là Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson, NXB Thuận Hóa năm 2010 và Hồ Thế Hà & giấc mơ cỏ hát, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 2020. Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê là chuyên luận thứ 3, dày hơn 200 trang, được Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương hỗ trợ.
Trong danh sách các giải thưởng văn học danh giá ở Trung ương và địa phương, Hoàng Thụy Anh từng được trao từ giải B đến giải A. Hồ Thế Hà, như độc giả đã biết, là một giảng viên với học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận văn học. Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ bền bỉ sáng tạo ngôn ngữ thơ suốt 50 năm qua, khẳng định một “con đường thơ” mang dấu ấn riêng. Để khiến hai bậc khả kính này tâm phục khẩu phục không hề đơn giản.
![]() |
Người nghiên cứu về họ trước hết phải có bản lĩnh, không bị choáng ngợp, và hơn thế, cần có nội lực dày dặn mới có thể viết được những công trình có giá trị. Nói như vậy có thể vẫn chưa đủ để bạn đọc thỏa mãn. Bởi trên thực tế, ngay từ khi mới bước chân vào “ngôi đền văn học”, Hoàng Thụy Anh đã thể hiện sự lao động nghiêm cẩn và đầy tính học thuật. Điều đó được minh chứng qua việc chị đã xuất bản 7/8 tác phẩm lý luận phê bình, cho thấy quá trình làm việc kiên trì và có chiều sâu.
Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê gồm 3 chương: “Văn Thành Lê và cội nguồn sáng tạo” (Chương 1), “Tiếng cười lưỡng trị trong văn xuôi Văn Thành Lê” (Chương 2), “Kết cấu trò chơi trong văn xuôi Văn Thành Lê” (Chương 3) và phần “Kết luận”.
Chương 1 giới thiệu về nhà văn trẻ 8X “đời giữa” Văn Thành Lê, từ quê hương, cố thổ đến con đường học hành, lập thân, lập nghiệp, cũng như mối duyên và nghiệp với văn chương. Văn Thành Lê “bén duyên với văn chương từ những vần thơ đầu đời” rồi chuyển sang văn xuôi, bởi anh nhận thấy rằng “không gian rộng lớn của văn xuôi cho anh thoải mái linh hoạt ngôn ngữ, suy tầm thế giới nội tâm của con người, đi sâu vào các vấn đề của thân phận, tình yêu và lẽ sống-những mảng màu thơ ca khó chuyển tải trọn vẹn” (trang 9). Với một nhà văn giàu năng lượng, có năng khiếu và tâm hồn phong phú như Văn Thành Lê, việc anh viết lý luận phê bình là điều tất yếu.
Sự dịch chuyển của Văn Thành Lê diễn ra theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. “Nghĩa đen” thể hiện qua việc thay đổi môi trường công tác, ngày càng gần hơn và chuyên tâm hơn với văn chương. “Nghĩa bóng” thể hiện qua sự đa dạng trong sáng tạo-anh viết cho cả người lớn lẫn trẻ em và đã giành nhiều giải thưởng văn học. Dù chưa bước qua tuổi 40, Văn Thành Lê đã xuất bản gần 20 cuốn sách, khẳng định vị thế của mình trên văn đàn.
Chương 2 và 3 là phần “rường cột” tạo “kết cấu” vững chắc cho công trình nghiên cứu của Hoàng Thụy Anh.
Đọc Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê, có thể thấy Hoàng Thụy Anh đã soi rọi tác phẩm của Văn Thành Lê dưới ánh sáng của các lý thuyết nghiên cứu văn học vốn đã định hình trên thế giới. Nói cách khác, đó là sự kết hợp giữa việc vận dụng điển phạm (dụng điển) và sáng tạo của chị.
Hoàng Thụy Anh là người nghiêm cẩn (như đã đề cập), điều này thể hiện ngay từ việc đặt tên một bài thơ hay một cuốn sách. Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê có thể hiểu là sự giản dị toát lên từ cái phi lý hoặc vẻ đẹp ẩn trong sự phi lý. Ở chương 2, với nhan đề “Tiếng cười lưỡng trị trong văn xuôi Văn Thành Lê”, Hoàng Thụy Anh tập trung vào yếu tố tiếng cười-vốn là một trạng thái biểu lộ cảm xúc-nhưng lại gắn với “lưỡng trị”, một khái niệm thuộc phạm trù logic, có thể hiểu là “logic hai giá trị”.
Ở “điểm nhìn nước đôi”, Hoàng Thụy Anh mở rộng phân tích từ gia đình, giáo dục, văn học nghệ thuật đến môi trường văn hóa, rồi làm nổi bật tính thức tỉnh trong văn xuôi của Văn Thành Lê. Triết gia Aristotle (384-322 TCN)-người được tôn vinh là “bậc thầy của những người hiểu biết”-từng khẳng định: “Công việc của nhà thơ không phải là thuật lại những gì đã xảy ra, mà là mô tả những gì có thể xảy ra.”
Đọc Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê, trước hết, người ta thấy được “chân dung tâm hồn” của Văn Thành Lê qua cách anh sử dụng tiếng cười và yếu tố giễu nhại để đạt đến “logic hai giá trị” trong tác phẩm. Văn học phi lý vốn là một hình thức phản kháng đặc biệt của chủ nghĩa hiện đại.
Thứ hai, ở góc độ nghiên cứu, Hoàng Thụy Anh ngoài vận dụng điển phạm còn đẩy quá trình đó lại gần với độc giả theo cách riêng. Hay nói cách khác, chị đã “phóng sinh” dụng điển, chuyển hóa nó thành những điều giản dị và dễ tiếp cận.
Lý luận phê bình thường bị xem là khô khan, nhưng khi đọc tác phẩm của Hoàng Thụy Anh, người đọc bị cuốn hút bởi “điểm nhìn”, cách phân tích, luận giải, khả năng nội soi vấn đề khá mạch lạc của chị.
Chương 3 cuốn sách mang tên “Kết cấu trò chơi trong văn xuôi Văn Thành Lê”, trong đó Hoàng Thụy Anh đi sâu vào phương pháp sáng tác-yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa các nhà văn. Câu nói “Văn là người” đã trở thành một nhận định quen thuộc, thậm chí phổ biến đến mức dễ bị xem là sáo ngữ. Tuy nhiên, nếu không có những nhà nghiên cứu, chúng ta có thể hiểu sai hoặc đánh giá hời hợt về nó.
Hoàng Thụy Anh nhận thấy rằng Văn Thành Lê là một nhà văn giàu có về ngôn ngữ và biết cách sử dụng sự “giàu có” ấy theo phong cách riêng, thể hiện trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của ngòi bút: “Anh viết với giọng văn khách quan, không ngần ngại bóc trần những vấn đề bất an của xã hội. Anh vận dụng ngôn ngữ carnival hóa với đầy đủ sắc thái từ vui nhộn đến kịch tính để tạo nên bức họa nội tâm sống động. Trong muôn vàn âm thanh chửi rủa, xỉ vả, mắng nhiếc, tiếng cười châm biếm của anh vang lên, diễn tả sắc thái mỉa mai, chế giễu sâu xa” (trang 145);
“Anh khai thác triệt để sự chuyển động giữa các mặt đối lập trong cuộc sống: vui nhộn và bi thương, bình thường và phi thường, cũ kỹ và tân kỳ, trần tục và thiêng liêng, hiện tượng và bản chất, hành động và mục đích... Với giọng giễu nhại, nghịch dị, anh bóc trần, phanh phui những vấn đề nhức nhối trong văn hóa, tôn giáo, văn chương, giáo dục, đạo đức, gia đình... Những vấn đề nghiêm trọng, bức bối được anh chuyển hóa thành những câu chuyện hài hước, trào phúng, làm dịu bầu không khí ngột ngạt ngoài xã hội. Và cũng từ giọng văn ấy, anh vén màn những ẩn họa trong cuộc sống, gợi lên những suy tư, đối thoại, giúp người đọc có những phút giây được vỗ về, giải tỏa tâm hồn và tiếp thêm niềm tin yêu” (trang 218).
Hoàng Thụy Anh đã thành công trong việc kết nối văn chương của đối tượng nghiên cứu với chiều sâu tư tưởng, làm sáng lên những nét riêng khác trong sáng tác của họ. Theo chị, để văn phong trở thành “dấu vân tay” độc nhất của nhà văn, trên từng trang sách, mỗi tác phẩm phải để lại “vân chữ” riêng, dấu ấn không thể trộn lẫn trong lòng người đọc. Với văn xuôi, Văn Thành Lê đã có vân tay riêng của mình.
Năm 2023, Hoàng Thụy Anh gặp biến cố về sức khỏe làm gia đình, bạn bè lo lắng. Thế nhưng, Hoàng Thụy Anh lại chọn lựa đối diện với sự thật bằng bản lĩnh của mình.
Nếu như ngoài đời, chị mang dáng vẻ mảnh dẻ, sương khói, nhẹ nhàng thì trong cá tính, chị lại cương cường, rắn rỏi. Kiên trì, và “trộm vía”, Hoàng Thụy Anh đã vượt qua, chiến thắng bệnh tật để trở về đời sống, lao động, sáng tác một cách ngoạn mục.
Tôi thường “khuyến nghị” Hoàng Thụy Anh “làm việc vừa thôi, cân bằng giữa tĩnh dưỡng và làm việc”. Chị luôn “Dạ, dạ...”, nhưng với Hoàng Thụy Anh tôi luôn bất ngờ, viết và thành công với Nhã nhặn của phi lý-nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê.
Có thể nói, tác phẩm thay cho tiếng chào bạn đọc, rằng chị đã trở lại với văn chương; cũng có thể là món quà tri ân cuộc đời “hãy nắm tay em”, như một dòng trạng thái, giữa những ngày cam go nhất về hy vọng.
Ngô Đức Hành