Vẻ đẹp của sự trở về
(QBĐT) - Một năm bôn ba, ngược xuôi vất vả, ai ai cũng mong chờ ngày Tết để sum vầy bên gia đình, tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, lắng nghe tiếng gọi da diết của hồn quê. Về được thì còn gì hơn. Không về được thì “đành ru lòng mình vậy”, hẹn người nhà năm sau. Thực ra, về hay không về, đều đáng ghi nhận và cảm thông, bởi, đó là những cuộc trở về đầy vang động của tâm hồn.
1. Quà tặng ký ức
Vạn vật nằm trong vòng tròn của thời gian. Không một sinh thể nào có thể bước ra ngoài thời gian. Thời gian tồn tại mãi mãi, vĩnh hằng. Còn cõi người tàn phai, ngắn ngủi. Mỗi người đều có cách ứng đối thời gian khác nhau. Có người buông lơi, phó thác, mặc kệ thời gian phí phạm những đam mê. Có người xoay thời gian theo dòng hồi ức, kỷ niệm để tái tạo và lưu giữ. Có người đồng hành với thời gian, trải nghiệm, chấp nhận những gì nó mang đến... Tuy nhiên, cuộc sống dẫu có nhiều biến thiên nhưng những gì thuộc về “quà tặng ký ức” sẽ khó nhạt nhòa, phôi phai.
Thời gian là đối tượng vô hình quan trọng. Qua thời gian, đời sống tinh thần của con người mới được hình thành, được gọi tên: SỐ PHẬN. Và nếu ta làm phép so sánh giữa ba thì quá khứ, hiện tại và tương lai, thì quá khứ luôn chiếm lợi thế về bề dày, sự sống động. Bởi lẽ, lúc ta vừa thốt ra, lời đã thuộc về quá khứ. Phải chăng vì thế mà con người luôn có tâm thế ngoảnh lại quá khứ, hoài niệm quá khứ để thấy đời sống tâm hồn của chính mình. Nếu đặt ở góc nhìn “soi gương”, bản thân con người cũng là sản phẩm phản chiếu giá trị văn hóa, lịch sử, ngược lại, văn hóa, lịch sử không thể gọi tên, định dạng nếu thiếu sự có mặt của con người.
Vạn vật sinh tử theo quy luật đào thải của thời gian. Trên đường ray mỏng manh phận số ấy, con người luôn nhận biết và trân trọng từng khoảnh khắc sống của chính mình. Con người vin vào “quà tặng ký ức” để hoạch định tâm hồn, lẽ sống và tình yêu. Song làm thế nào để “quà tặng ký ức” ấy hiện hữu một cách sôi nổi, ấn tượng ngay trong phút giây ngắn ngủi của hiện tại? Trong nhiều cách thức, cách thức hành hương về cội nguồn như là một bản năng tự nhiên để con người làm phong phú hiện tại, hiện thực hóa sự đúng đắn của tâm hồn và làm điểm tựa cho tương lai.
2. Khởi đầu tinh khôi
Người Việt Nam từ lâu đã có truyền thống coi trọng gia đình. Các thế hệ thành viên trong gia đình thường bộc lộ “sức mạnh gia tộc”, dung dưỡng mái ấm qua cách thể hiện tình yêu thương, bao bọc, chở che lẫn nhau. Gia đình vì thế được xem là chỗ dựa, là khâu đầu tiên ảnh hưởng, tác động đến nhân cách. Việc gìn giữ đạo đức trong gia đình chính là gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp, hiếu nghĩa, hòa thuận của các thành viên.
Trong các dịp, Tết Nguyên đán là dịp thích hợp nhất để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, gắn bó, thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm và vai trò của mình đối với nhau. Tết Nguyên đán cũng là dịp để các thành viên trong gia đình thực hiện cuộc giao cảm tâm linh đầy thành kính với ông bà tổ tiên. Trở về với gia đình, với quê cha đất tổ, các thành viên trong gia đình không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, cung kính, tri ân những thế hệ đi trước, kết nối thế giới hữu hình và vô hình, sự sống và cái chết mà còn thể hiện ý thức chăm sóc, gìn giữ cái phần hồn trong mỗi người.
Thời gian diễn ra Tết cổ truyền, giao thừa là khoảnh khắc quan trọng nhất. Giao thừa như là điểm để đo đơn vị thời gian, điểm để tờ lịch quay đầu, điểm chuyển đổi giữa hai vế cuối cùng và đầu tiên. Chứng kiến cuộc “sinh nở” của giao thừa là chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của cái trong trẻo, tinh khôi. Giao thừa vì thế được ví là quà tặng linh diệu, là sự ban cho của trời đất đối với con người.
Phút giây hai chiếc kim đồng hồ nhập một, đất trời vạn vật giao hòa, lẽ nào người với người đứng ngoài quy luật của tạo hóa? Vì ai ai cũng có quyền tận hưởng, trải nghiệm. Cảm thức về quê ăn Tết như là sự thôi thúc tự nhiên trong tâm khảm của mỗi người, bởi “còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi”. Và ở thời khắc chuyển giao đầy linh thiêng giữa năm cũ và năm mới, chúng ta mới thấu cảm vẹn tròn ý nghĩa và giá trị của sự khởi đầu. Còn nhớ, anh phu xe trong “Người ngựa ngựa người” (Nguyễn Công Hoan), ngày cuối cùng của năm rồi vẫn cố gắng quày quả kiếm chút tiền hy vọng trang trải cái Tết và kịp về cùng vợ con đón giao thừa. Thời khắc mà anh phu xe mong chờ cũng là cú hích để nỗi nhớ của Huệ và Liên trong “Tối ba mươi” (Thạch Lam) bùng lên da diết khôn nguôi. “Nỗi niềm riêng mình chia sẻ với mình” của anh phu xe, Huệ và Liên như giọt nước tràn ly, trở thành cái cớ buộc chặt họ trong máu thịt cố hương, neo họ trong đằng đẵng tình thâm: Lênh đênh tóc rối cỏ bồng/Chiều ba mươi Tết ai không nhớ nhà (Xuân về nhớ cố hương-Nguyễn Bính). Nên, trong tâm thức của người Việt, đêm ba mươi luôn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên.
3. Thắp lên ngọn lửa
Xét ở góc độ luân lý, đạo đức, không thể không nhắc đến kinh điển tam cương (quân-thần, phụ-tử, phu-phụ), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), ngũ luân (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè) của Nho gia. Xét về tín ngưỡng, không thể không nhắc đến tín ngưỡng thờ tổ, thờ cúng nông nghiệp của người Việt. Cả hai nội dung này đều ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống xã hội, hình thành nên lối sống truyền thống, đậm tính cộng đồng của người Việt. Tết không chỉ là không gian của gia đình mà còn là không gian đoàn kết, “tương thân tương ái”, cố kết của cộng đồng. Khi chúng ta thắp lên ngọn nến long trọng, trang nghiêm tưởng nhớ ông bà tổ tiên là chúng ta cũng đồng thời thắp lên ngọn lửa tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đang khôn nguôi thổn thức, trào sôi trong trái tim: Bước chân giao thời bay về trời giống chàng Phù Đổng/nồi bánh chưng sôi bài ca tịnh độ/cái rét dịu dưới chân mặc định đường bay không mỏi đôi cánh trắng/dòng sông ra giêng đinh ninh hoa và hoa (Niềm tin-Hoàng Vũ Thuật).
Ngày Tết, về cũng là đang thực hiện cuộc đi. Đi để kiếm tìm cái đẹp xung quanh mà trong những ngày thường chúng ta không có được. Ngoài những nghi lễ Tết được tổ chức liên quan đến mỗi gia đình, như: Đi viếng mộ tổ tiên ông bà, làm mâm cơm cúng tiễn đưa ông Công, ông Táo về trời, bữa tiệc tất niên quây quần bên nhau chúc mừng năm cũ đã trôi qua, tục gói, nấu bánh chưng, muối dưa hành, cúng giao thừa…, còn có nhiều nghi lễ liên quan đến bà con xóm làng, như: Xông nhà, chúc Tết, thăm hỏi; các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí diễn ra ở đình, chùa, miếu, nhà văn hóa… Một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán là trải nghiệm không gian chợ. Chợ là không gian văn hóa thể hiện rõ nét về sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.
Đi chợ Tết, chúng ta sẽ có một không gian riêng, thực sự hòa vào niềm vui dân dã, gần gũi, đậm tín ngưỡng truyền thống. Cái hay của việc đi chợ Tết là chúng ta không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn đi để mua may bán rủi, cầu duyên, cầu tài lộc, đi như là một sự trải nghiệm văn hóa, đi để mua ký ức, người với người thân tình, hướng về mạch nguồn của dân tộc, kiếm tìm dòng suối mát lành của tuổi thơ. Đó là một nét đẹp văn hóa, một thú vui ngày xuân mà bất kỳ người con xa xứ nào cũng thổn thức, khao khát trở về cháy bỏng. Đi chợ để hiểu mình, hiểu “người muôn năm cũ”, hiểu quê hương và hiểu dân tộc Việt là thế!
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Hương vị bánh chưng, mứt, kẹo… rồi cũng phai dần. Nhưng dư âm của sự đầm ấm, sum vầy vẫn neo đậu mãi trong lòng mỗi người, nhen nhóm, thôi thúc mỗi người tiếp tục chuẩn bị cho những cuộc trở về khác. Về quê ăn Tết vì thế là về với vị ngọt của mứt, ngọt của bánh kẹo, ngọt của cái rét, ngọt của tình thân… Về quê ăn Tết là về với đạo lý làm người: Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn. Về quê ăn Tết là về với truyền thống gói, nấu bánh chưng bánh dày của dân tộc mà hoàng tử Lang Liêu đã sáng tạo từ thuở nào.
Hoàng Thụy Anh