Những cái Tết không quên bên dòng Nhật Lệ

  • 06:10 | Thứ Hai, 12/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết đến, hai tiếng luôn luôn gợi những cảm xúc ấm lòng. Thế nhưng, có những cái Tết rất đặc biệt, dù hơn nửa thế kỷ đi qua, tôi vẫn không quên được.
 
Có mấy năm liền, Tết là gì? Là sắp tham gia chiến dịch. Chẳng phải đánh đấm gì đâu, bởi đây là chiến dịch vận tải. Mà nói cụ thể là chuyển gạo vào chiến trường.
 
Những năm ấy, Quảng Bình quê tôi nói chung, cửa sông Nhật Lệ nói riêng, là cái “túi đựng bom” của không quân Mỹ, đặc biệt là không quân của hải quân Mỹ từ Hạm đội 7.
 
Bom bất kể ngày đêm, bất kể giờ giấc. Cứ ném xuống Quảng Bình là coi như trúng mục tiêu! Có những tốp máy bay, ném ở đâu chưa hết bom, về ngang Quảng Bình thì phải trút xuống hết mới trở về căn cứ!
 
Chiến tranh có những chuyện thật lạ. Ngày Tết, để tỏ lòng nhân đạo, cả hai bên đều ra tuyên bố ngừng bắn mấy ngày, thường là ba ngày, tính từ 0 giờ ngày mồng một Tết.
 
Cũng từ giờ này mà chiến dịch của thầy trò tôi ngày ấy bắt đầu.
 
Nói là 0 giờ, chúng tôi phải khởi hành từ chặp tối.
 
Khi chúng tôi đến được bờ sông Nhật Lệ thì những chiếc tàu thủy từ “hải phận quốc tế” cũng vừa cặp bến. Từ tàu thủy, những bao gạo được chuyển sang thuyền lớn. Rồi những thuyền lớn vào cửa sông mà cặp bờ. Từ trên thuyền, những ngư dân khỏe mạnh chuyền những bao gạo lên vai các em học trò nam nữ của chúng tôi. Rồi từ những đôi vai ấy, những bao gạo ấy được chất lên thành lớp bên bờ sông, lần lượt tạo ra một “dãy núi”: Một dãy “núi gạo”! Quả là trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy một “dãy núi” như thế! Đẹp quá, cứ như tượng trưng cho sự ấm no!
 
Đẹp quá, mỗi bao gạo gọn gàng đúng năm mươi ki-lô-gam, vừa vặn cho vai học trò tôi, trai cũng như gái. Rồi những bao gạo từ cái núi ấy cũng do những đôi vai học trò mà lên những chiếc xe tải để lên đường vào Trường Sơn.
 
Còn nhớ, những cái Tết sao mà rét thế, đúng là rét cắt da cắt thịt! Sau khi vác gạo mệt nhoài, thầy trò tôi nghỉ giải lao bằng cách chui vào bên những núi bao gạo. Ấm quá, ấm vì khuất gió. Ấm còn vì hơi ấm toát ra từ gạo. Đó là hơi ấm của cái thứ nuôi sống con người, hơi ấm của sự sống, hơi ấm của những ngày thanh bình.
 
Năm nào cũng vậy, chúng tôi phải tất bật làm việc để có thể rút quân trước 6 giờ chiều mồng ba Tết. Bởi từ sau thời điểm đó, từng đoàn máy bay Mỹ sẽ ào ào bay đến, từ Hạm đội 7, từ Đà Nẵng, từ Phan Rang, từ Tân Sơn Nhất, cả từ Thái Lan… Những chiếc F105, F4H, cả B52, có giá từ triệu đô đến mấy chục triệu đô.
 
Tôi không quên những lần trở về nhà sau những ngày đêm chiến dịch ấy. Nói là về nhà nhưng thật ra có nhà gì đâu. Chỉ là cái khung nhà cổ với những bức tường nứt toác hoặc vỡ vụn.
 
Tuy vậy, tôi cũng cố gắng sửa sang lại bàn thờ tổ tiên. Trên mảnh sân trước nhà vẫn còn cây mai vàng mấy lần trúng mảnh bom mà nhất định không chịu chết. Và trên mấy cành khẳng khiu vẫn còn những đóa hoa vàng. Tôi thận trọng cắt lấy hai cành nhỏ, cắm vào chiếc bình trên bàn thờ, lấy nước từ chum nước mưa đổ vào.
 
Không có hương, tôi chỉ đứng lạy suông trước bàn thờ. Tôi cảm tạ trời đất, cảm tạ tổ tiên ông bà, đã cho tôi được sống, được bình yên.
Minh họa: M. Quý
Minh họa: M.Q
Tôi vẫn nhớ như in điều mong ước của tôi những ngày ấy. Nó thật là nhỏ nhoi, nhưng thật là thiết thực và cảm động. Hòa bình là gì? Là mỗi buổi tối, tôi có thể mở toang hai cánh cửa sổ, qua đó tôi có thể nhìn thấy dòng sông Nhật Lệ chảy qua. Con sông Nhật Lệ thật êm đềm, có lẽ là con sông đẹp nhất thế gian! Trên cái bàn trước mặt tôi, sẽ là một ngọn đèn dầu nhỏ nhoi vừa đủ soi sáng lên trang sách. Nếu ai đứng bên kia sông, hay ngồi thuyền lướt ngang qua, có thể nhìn thấy ngọn đèn ấy, nhỏ nhoi, xanh xanh, dìu dịu…
 
Tôi còn nhớ cái Tết đầu tiên, 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
 
Tôi về nhà nhưng như trở về với một chốn hoang vu. Cả hai phía mái nhà đều không còn một mảnh ngói. Dẫu sao cũng còn may!
 
Tôi còn nhớ, Tết ấy, tôi đang ngồi nhà một mình thì cô em họ bên ngoại là Phạm Thị Bông (nhà văn Lê Thị Mây) đi qua ghé vào. Nhìn thấy tình cảnh, Bông ứng khẩu luôn một câu vè: “Nhà anh Hà Nhật đúng là: Nhìn lên thấy trăng thấy sao, nhìn ra thấy sông thấy núi, nhìn vào thì chẳng thấy chi!”.
 
Tôi đào xuống chỗ đất hôm trước tôi có chôn một cái vại sành, trong đó có các thứ bát đĩa. Cái vại vẫn còn nhưng bát đĩa thì đã vỡ tan tành. Chắc do sức ép của một quả bom nổ gần.
Mấy hôm sau, tôi đến một cửa hàng mậu dịch, xin mua một cái bát. Tôi bị từ chối, vì không có sổ mua hàng. Thôi, đành ăn bát mẻ!
 
Không có bát ăn cơm, phải dùng bát mẻ, nỗi buồn chỉ thoáng chốc. Hòa bình, được sống bình yên, đó là hạnh phúc lớn rồi. Mọi thứ khác chỉ là chuyện phụ.
 
Điều khiến tôi hơi buồn là chuyện cái tủ sách. Đó là những quyển tôi đã gom góp mấy năm trời... Tủ sách này gồm nhiều quyển mà tôi phải công khó lắm mới mua được, có tiếng Việt và cả tiếng Pháp, như: Chiến tranh và hòa bình, Phục sinh của Lev Tolstoy, Jean Christophe của Romain Rolland… Rồi cả mấy bản thảo truyện ngắn tôi viết mà chưa kịp in vào đâu...
 
Tôi đã trải qua tám cái Tết chiến tranh, chịu bom đạn của các vị tổng thống từ Johnson đến Nixon, may mà vẫn sống, không bị chút xây xát nào trên da thịt. Nhiều lần bị bom đạn, rốc-ket nổ sát sạt cũng chừa tôi ra. Bom rơi đúng chỗ tôi vừa đi qua, hoặc vào chỗ tôi sắp đến! Có lần tôi bị vây trên đỉnh đèo Ngang, thế mà thoát được. 
 
Một đời người, những năm bom đạn không thể quên, những ngày Tết không thể quên!
Hà Nhật

tin liên quan

Mùi khói chiều cuối năm

(QBĐT) - Thời gian trôi nhanh quá, chẳng còn mấy ngày nữa là Tết. Một năm đi qua nhanh như chớp mắt.

Mùa xuân trong thơ Quảng Bình đương đại

(QBĐT) - Muân đến, xuân đi, xuân lại lại", nhưng xuân không bao giờ cũ!

Rồng và ước vọng về sự phát triển

(QBĐT) - Rồng là hình tượng mỹ thuật, biểu tượng văn hóa được cha ông ta xây dựng để biểu thị cho sức mạnh, quyền uy và sự cao quý gắn với những ước vọng về sự phát triển hưng thịnh, bền vững.