Người Quảng Bình

  • 13:53 | Thứ Sáu, 09/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi có mấy đứa em họ, cháu chắt lập nghiệp ở Quảng Bình. Thú thực khi mới ra trường, sắp xếp công việc cho các cháu, em họ làm việc ở Quảng Bình, tôi hơi lo. Dẫu trụt đèo Ngang là đến đất Quảng Bình. Bây giờ thì họ đều êm ấm, gia đình hạnh phúc, không giàu nhưng ngẩng cao đầu về những điều giản dị.
 
Nhà ông bà thông gia trên đất nông trường Việt Trung. Mỗi đận đến thăm tôi lại ngỡ như đó là quê hương mình. Trong vườn đầy cây ăn trái: Mít, dứa...; chè xanh bạt ngàn. Ông bà chân chất như bố mẹ tôi.
 
Cũng chẳng biết vì sao, tôi gắn bó với Quảng Bình, không chỉ vì có em lập nghiệp ở TP. Đồng Hới, cháu làm ăn ở TX. Ba Đồn? Những năm còn là sinh viên, tôi đã học cùng biết bao bạn ở Quảng Bình. Suốt cuộc đời, tôi đã đến nhiều vùng đất ở Quảng Bình, tiếp xúc với bao người trên quê ấy.
 
Tôi đã được diện kiến hai con người vĩ đại sinh ra trên đất Quảng Bình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên; gặp gỡ nhiều tướng lĩnh, nhiều giáo sư, tiến sĩ, anh hùng gốc Quảng Bình. Họ hiện sinh sống ở Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhưng tâm nguyện, lúc nào cũng hướng về quê hương.
 
Trên quê hương ấy, thật may mắn, tôi từng có cơ may được gần gũi từ tướng quân đến người lính. Gần gũi từ doanh nhân đến những người lao động. Gần gũi từ anh chủ nhiệm đến những xã viên... đầu tắt mặt tối trên những cánh đồng.
 
Đặc biệt, tôi chơi khá thân thiết với rất đông anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Bình, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Có thể đó là những con người đã tạo ra diện mạo riêng; có thể đó là những thế hệ tiếp nối, đã và đang trên con đường khẳng định mình.
 
Tôi từng quan sát và suy nghĩ. Con người Quảng Bình chân thành, coi trọng tình người. Họ quan niệm rằng, khi đối xử tốt với người khác thì mình sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp. Điều đó thật tuyệt vời.
 
Cũng là dân miền Trung, lam lũ, chịu thương, chịu khó, giàu ý chí, nghị lực; nhưng người Quảng Bình luôn có những nét đặc sắc về tính cách. Không chỉ là danh từ “mệ”, “mạ” trong cách gọi người thân. Người Quảng Bình coi trọng nhất là chữ tín, vì bạn bè có thể chịu thiệt thòi, thậm chí có vì bạn bè mà “nhảy vào dầu sôi lửa bỏng”.
 
Tôi từng đọc trong sách và ghim vào lòng, tâm tình một người mẹ khuyên con gái rằng, con cứ yên tâm làm dâu Quảng Bình, một người mẹ khác, tự hào khi con trai làm rể Quảng Bình. Những chàng trai, cô gái quê mình thật thà giản dị, tuy họ không biết cách thể hiện tình cảm nhưng có một trái tim chân thành, nhiệt tình và cháy bỏng.
 
Người Quảng Bình có gì khác biệt? Tôi không phải là nhà nghiên cứu, nhưng nhiều lúc hiện lên câu hỏi ấy. Trong mạch cảm của mình, tôi chưa biết trả lời đầy đủ câu hỏi ấy.
Cách đây nhiều năm, doanh nhân Võ Minh Hoài-“ông chủ” của Tập đoàn Trường Thịnh, khi khánh thành dự án Sun Spa Resort có mời tôi nghỉ một đêm. Khi tiên phong đầu tư nghỉ dưỡng cao cấp, Trường Thịnh đã rất thành công trong lĩnh vực xây dựng-giao thông-công trình dân dụng. Võ Minh Hoài như bao người Quảng Bình khác, ít nói, nhưng thừa nồng hậu.
 
Trong bữa sáng, cà phê ở Sun Spa Resort, nhìn đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thuần thục, Võ Minh Hoài nói với tôi: “Tôi nói với các cháu, để du khách đến Quảng Bình không phải vì thương Quảng Bình đã chịu hy sinh, mất mát, Quảng Bình nghèo khổ mà họ đến quê hương mình nghỉ dưỡng phải vì chất lượng dịch vụ”.
 
Thời thị trường, khó nói với chữ “thương”, mà phải bằng bản sắc, thái độ chuyên nghiệp và văn hóa. Thời kỳ hậu đồ đá, Quảng Bình là một phần của văn hóa Bàu Tró kéo dài dọc biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Có điều đặc biệt, tên gọi của văn hóa này mang tên địa danh Bàu Tró ở Quảng Bình.
 
Tôi nhớ mãi câu nói của Võ Minh Hoài. Câu nói đúc kết bằng bầm dập, trải nghiệm và tri thức kinh doanh, kỹ năng quản trị thời thị trường của một doanh nhân có khát vọng.
Mỗi dịp đến Đồng Hới, tôi thường đến tòa soạn Tạp chí Nhật Lệ. Ở đó có ba nữ văn nhân. Tiếp xúc, quan hệ công việc nhiều năm. Các “O Nhật Lệ” mang đến cho tôi cảm giác con gái Quảng Bình đôn hậu, đảm đang, nhẹ nhàng, đằm thắm. Trong tiếng “dạ”, “thưa” của con gái Quảng Bình có ngọt ngào vị Huế, chan nắng gió Quảng Bình. Tôi không biết nên gọi bằng từ gì, vì nó đụng chạm đến khái niệm, nhưng tạm gọi là ngọt chân thành.
 
Con gái Quảng Bình, “hậu duệ” của những nữ anh hùng trong lịch sử như mẹ Suốt, mẹ Nghèng, của những nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn, của những người mẹ trên quê hương “Hai giỏi”. Trong họ vừa có sự quật cường của “tuyến lửa” , vừa không thiếu lãng mạn từ một vùng đất văn chương. “Anh nhoài ngược thời gian/Nghe hùng ca Quảng Bình tuyến lửa/Quảng Bình hứng bom rơi, đạn nổ/tiếng em vá víu bầu trời/ru lành vết thương mặt đất” (Tiếng em, thơ Ngô Đức Hành)...
 
Hiện Quảng Bình đã có diện mạo khác. Quảng Bình đã và đang xác lập được vị trí trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế. Có điều, phẩm chất con người Quảng Bình vẫn thế. Đằm thắm, chân thành. “Tôi đằm mình tiếng dạ/tôi trầm trong tiếng dạ/nghe sông Son chảy ngược bồi hồi”  (Tiếng em, thơ Ngô Đức Hành).
Ngô Đức Hành

tin liên quan

Cây thay lá mới

(QBĐT) - Đã sang tháng 11 mà tiết trời như đầu thu, chỉ se se khi đêm xuống hay chuyển sáng. Ngày luôn có nắng, cái nắng hanh hao ngọt lịm, lúc âu yếm như lời ru của mẹ.

Xuân mới

(QBĐT) - Mùa đông không còn bẻ cong tiếng động
Chiếc lá bàng màu đồng hun, trong giá rét cũng không còn
Gió lơ đãng nhìn giọt nắng vàng ngoài ngõ
Cây dẫu già cũng thổn thức đón mầm non

Quê tôi

(QBĐT) - Những mùa lũ lở bồi yêu thương
phù sa đắp dày gian khó
dòng Kiến Giang vẽ dấu vết cha ông lập nghiệp
An Mã tụ linh khí đất trời.