Về quê ngoại

  • 07:17 | Thứ Ba, 16/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên con đường thẳng tắp xuyên qua cánh đồng mênh mông thơm nồng lúa chín, tôi về quê ngoại.
 
Quê ngoại, tên gọi thân thương gắn liền với cả tuổi thơ anh em chúng tôi và bây giờ. Từ nhỏ, điều tôi thường thắc mắc với mạ là tại sao làng nằm ngay sát cánh đồng hướng ra phá Hạc Hải có tên là thôn Giữa. Cuối làng là chợ đình, nơi chúng tôi thường thơ thẩn tìm kiếm điều gì còn sót lại sau buổi chợ mai.
 
Chợ chỉ một buổi, rất đông vào sáng sớm. Nghe mạ kể ngày xưa đình làng của thôn Giữa, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) lớn lắm, cột đình đến mấy vòng tay trẻ con ôm, có thể chạy nhảy chơi đùa trên tường rào bao quanh. Bị chiến tranh tàn phá, nay đón chúng tôi mỗi lần về ngoại là ngôi đình Vạn Xuân khang trang mới tinh được phục dựng.
 
Đứng trước cánh đồng mênh mông lúa, ngắm từng đợt sóng vàng như lụa miên man tháng năm hay trắng xóa nước tháng tám nối dài đến tận những triền cát phía xã Gia Ninh, nay là cánh đồng điện gió như những cánh chong chóng trắng tinh xoay trong ánh mặt trời. Ở đây, có thể phóng tầm mắt ra xa đến tận chân trời mới thấy hết sự rộng lớn của cánh đồng “Hai huyện” nổi tiếng một thuở.
 
Mạ nói: “Phía đồng là cả tuổi thơ của mạ với tôm cá và hai mùa lúa chín. Còn dãy núi sừng sững phía Tây Trường Sơn kia là những chiều mót khoai món sắn cùng chúng bạn, thời ấy cực lắm…”. Mạ vẫn nhớ như in đồng ruộng quê mình gắn bó một thời thiếu nữ và mang cả sự tần tảo, chịu thương chịu khó về quê nội tôi, Lý Ninh-một vùng lúa. Mạ vẫn làm nông nuôi anh em chúng tôi khôn lớn.
(Ảnh minh họa)
                                 Phá Hạc Hải.                 Ảnh: Nguyễn Hải

Những năm tháng xe tàu còn khó khăn, mỗi lần về quê ngoại, ba thường chở mạ và tôi trên chiếc xe đạp cũ. Con đường 15 từ Đồng Hới lên Vạn Ninh ngày ấy có nhiều đoạn có khe ngầm nước chảy qua. Mùa hè mát lạnh, được xuống đi bộ chạm chân vào dòng nước suối trong veo, nhưng cũng đầy sợ hãi lo âu khi vượt qua mùa nước lớn, dù khi ấy tôi được yên vị trên xe… Những ngày gặp trận mưa lớn bất chợt, phải ngồi chờ thật lâu chờ nước rút gia đình tôi mới dám đi qua. Có những lần hiếm hoi được đi tàu, đến ga Mỹ Đức thì đi bộ về làng, phải hơn 7 cây số nhưng sao lúc ấy không thấy xa, không thấy mệt mà bước chân cứ lon ton thoăn thoắt.

Nhà ngoại tôi ở cuối làng, căn nhà cột 3 gian, khi bước vào phải nhấc chân thật cao qua bậc gỗ, một khu vườn rộng lớn xanh mướt đầy cây trái, nhiều nhất là thơm (dứa), mía, mít, ổi…, là thiên đường cho chúng tôi ríu rít mỗi ban trưa không ngủ. Ông ngoại đậm người, râu tóc bạc phơ, ít nói lắm nhưng hay cười. Tôi chưa thấy ông nổi giận với đám cháu trai quậy phá chúng tôi bao giờ. Ông hay kể về một thời ông đi “sơn tràng” gian khổ. Ông giỏi nhiều nghề, làm mộc, nông cụ và đan lát rất giỏi, đẹp và bền chắc. Mệ ngoại móm mém và cũng có mái tóc màu mây, nấu ăn rất ngon.
 
Nhiều món dân dã từ đầm phá, nhưng nhớ nhất là những món canh cá tươi nấu với thơm có thêm tiêu xanh, thơm nồng hấp dẫn vị giác. Có lẽ vì thế mà mạ tôi cũng nấu ăn rất ngon, đặc biệt là những món ăn từ đồng ruộng. Mạ tôi nay đã tuổi xưa nay hiếm, tầm tuổi ngoại lúc ấy. Những lúc nhìn mạ, tóc bạc trắng cần mẫn chuẩn bị những món ăn quen thuộc cho bữa cơm chiều, giống ngoại đến kỳ lạ.
 
Thời gian cứ trôi đi, ông mệ ngoại đã trăm tuổi đi xa, chúng tôi vẫn về ngoại đều đặn, thấy hình bóng của ngoại qua các cậu, dì. Rồi các cậu cũng lần lượt bạo bệnh mà về với tổ tiên. Bây giờ thuận lợi mọi phương tiện, nhiều đoạn đường 15 xưa nay là đường Hồ Chí Minh hay theo Quốc lộ 1 chỉ cần 30 phút từ Đồng Hới là có thể về đến quê. Làng bây giờ khang trang, đường sá rộng lớn, với nhiều ngôi nhà cao tầng thay thế những căn nhà gỗ mái ngói nâu trầm, nhưng hình như không còn đông vui như trước, chỉ thấy nhiều người già và trẻ con ngóng đợi. Đó cũng là điều tất yếu bởi thanh niên rời làng làm kinh tế để có cuộc sống ấm no hơn.  
 
Vẫn băng qua những con đường, cánh đồng ấy để được nghe mạ kể chuyện về ngoại và một thời thanh xuân tươi trẻ, khốn khó mà vui. Ngày thơ ấu, mỗi lần nghe ba mạ nói được về ngoại, tôi xốn xang mong chờ đến lạ kỳ. Hôm nay, mạ tôi cũng vậy, đứng ngồi không yên như con trẻ. Chúng tôi lại về ngoại, chỉ có điều khác người ngồi phía sau xe là mạ.
 Nguyên Sa

tin liên quan

Viết cho ngày hội khóa

(QBĐT) - Nửa thế kỷ ta ra trường bạn nhỉ
Mái trường xưa ngấm mưa nắng Quảng Bình
Bao hồi ức như than hồng âm ỉ
Lại bùng lên ánh lửa giữa lòng mình

Ca sĩ Triệu Đình Minh: "Cháy" hết mình khi hát về Quảng Bình

(QBĐT) - Những năm gần đây, trên các sân khấu lớn của cả nước cũng như ở Quảng Bình, khán giả đã quen thuộc với giọng ca của nam ca sĩ trẻ Triệu Đình Minh-một người con huyện Tuyên Hóa. 

Những không gian lấp lánh của trẻ thơ

(QBĐT) - Danh họa Pablo Picasso, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất lịch sử mỹ thuật thế giới đã nói:"Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ".