Lê Viết Đương và tình yêu âm nhạc

  • 07:00 | Thứ Hai, 03/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông Lê Viết Đương, 86 tuổi quê ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) không chỉ đam mê sáng tác âm nhạc với nhiều ca khúc hay mà còn là một nhà nhiếp ảnh và cộng tác viên tích cực của nhiều báo chí Trung ương, địa phương.
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ở một vùng quê có núi non hùng vĩ phía Tây huyện Tuyên Hóa. Từ nhỏ cậu bé Đương đã có năng khiếu về âm nhạc, đam mê âm nhạc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài học văn hóa, cậu bé Đương đã tự học thêm về âm nhạc qua sách, báo và bạn bè. Năm 1954, ca khúc đầu tay của Đương ra đời với tựa đề: “Quê em”, ca ngợi vùng đất Hương Khê nơi ông đang theo học cấp 2.
 
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, do đam mê âm nhạc, ông đã thi đỗ vào trường Âm nhạc, nhưng vì gia đình không đồng ý nên ông lại thi vào trường sư phạm. Năm 1961, tốt nghiệp Văn khoa, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông được điều về làm giáo viên giảng dạy văn học và âm nhạc ở một trường cấp 3 ở Cẩm Phả, Quảng Ninh.
 
Nhiều năm liền ông không chỉ là giáo viên dạy giỏi có tiếng tăm trong đội ngũ giáo viên cấp 3 tỉnh Quảng Ninh thời đó, mà còn là người lan tỏa tình yêu âm nhạc đến cho các thế hệ học sinh và giáo viên ở đây. Ông đã sáng tác đươc nhiều ca khúc dành cho ngôi trường thân yêu để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhiều người, như: “Yêu sao mái trường của ta”, “Người giáo viên nhân dân”...
 Dù tuổi cao, nhưng ông Lê Viết Đương vẫn nồng cháy tình yêu nghệ thuật.
Dù tuổi cao, nhưng ông Lê Viết Đương vẫn nồng cháy tình yêu nghệ thuật.

Năm 1975, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng của một trường phổ thông trung học dạy nghề ở Cẩm Phả, ông lại mang ngọn lửa tình yêu âm nhạc tiếp tục thắp sáng cho các em học sinh vừa học nghề, vừa học văn hóa ở vùng mỏ Quảng Ninh.

Thời kỳ này, tác phẩm hợp xướng: “Hạ Long cuộn sóng”, gồm 2 chương 4 bè, do ông sáng tác, dàn dựng và chỉ huy âm nhạc đoạt giải đặc biệt tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh Quảng Ninh năm 1975. Tiết mục được biểu diễn ở sân vận động tỉnh trong đêm hội diễn, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.

Năm 1990, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn nên ông đành xin chuyển công tác về Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Bình để có điều kiện gần gũi chăm sóc mẹ già ở quê. Thời kỳ này, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, ông còn dành thời gian để sáng tác nhiều ca khúc.
 
Ông tâm sự, để tạo nên một sáng tác âm nhạc hay, có hồn, người viết bao giờ cũng thật sự đam mê, có cảm xúc. Bởi vậy, mỗi lần về quê, cảnh núi non sông nước hữu tình đã tạo cho ông thêm cảm hứng để sáng tác. Đến nay, ông đã sáng tác gần 100 ca khúc. Nhiều ca khúc hay để lại ấn tượng cho người nghe: “Ngày mai chia xa”, “Nếu như chẳng có sông Hương”, “Gửi anh Bộ đội phòng không”, “Người kỹ sư tâm hồn”...
 
Với thế mạnh là giáo viên dạy văn, lại hay viết báo, truyện ngắn, làm thơ tham gia các cuộc thi, nên các ca từ trong ca khúc luôn được ông thận trọng chọn lọc kỹ lưỡng, có nhiều lời ca khúc đọc lên như thơ: “Thương nhau hoài, tình ta không phai /Nhớ nhau hoài tình ta thắm mãi/ Dù cách xa nhưng trái tim ta vẫn là của nhau” (Ngày mai chia xa).
 
Ông cho biết, nhờ giọng ru con của mẹ ngày xưa mà ca khúc của ông mang đậm âm hưởng dân ca Trung bộ. Ca khúc “Quê em”, có đoạn: “Nơi quê hương có nhiều tài nguyên, có dòng sông nhỏ nước êm đềm trôi...”.
 
Đặc biệt, giai điệu trong các ca khúc lúc nào cũng nhẹ nhàng, tình cảm dễ đi vào lòng người, được công chúng yêu thích. Những ca từ cùng với giai điệu mượt mà trong các ca khúc ông viết về quê hương đã để lại cho người nghe nhiều ấn tượng. Nhưng cũng có những ca khúc trong kháng chiến chống Mỹ, nét nhạc lại hùng hồn, hoành tráng, như ca khúc lên án tội ác của giặc Mỹ: “Hận thù Phú Lợi”...
 
Ngoài sáng tác âm nhạc, ông còn là một nhà nhiếp ảnh và nhiều năm liền là cộng tác viên tích cực của Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Tạp chí Nhật Lệ... Đặc biệt, đến nay, ông đã có 60 năm là cộng tác viên tiêu biểu của Báo Giáo dục Thời đại (tiền thân là Báo Người giáo viên nhân dân). Ông còn là hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình.
 
Bây giờ tuổi đã cao, nhưng nhìn ông vẫn còn khỏe, còn minh mẫn. Ngọn lửa đam mê về tình yêu âm nhạc trong ông vẫn còn bùng cháy. Hàng ngày, ông vẫn còn sáng tác âm nhạc, viết báo, làm thơ..., miệt mài cần mẫn như con ong hút nhụy làm mật cho đời. Ông là một con người hiền từ luôn sống tử tế, hòa đồng với mọi người. Gặp ai, ông cũng để lại cho họ tình cảm thân thương dễ mến, dễ gần.
 
                                                                                                           Hồ Duy Thiện

tin liên quan

Ký ức về ông

(QNĐT) - Nhắc đến quê hương bạn sẽ nhớ đến những hình ảnh gì? Với tôi, cũng chẳng phải là gì đó lung linh, khác biệt. Mà đơn giản lúc này tôi đang nghĩ đến những ký ức, những hình ảnh gắn với ông ngoại của tôi.

Thơ chọn-Lời bình: Hoa hậu

(QBĐT) - Bài thơ "Hoa hậu" là một vương miện vô giá của nhà thơ không chỉ dành tặng cho riêng vợ mình mà cho cả "một nửa thế giới".
 

Nhiều chương trình đặc sắc trong Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam

Đối với Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam, Campuchia sẽ mang đến các tiết mục biểu diễn nghệ thuật cổ điển, dân gian và đương đại gồm các loại hình múa, hát, kịch và âm nhạc.