Nguyễn Du vận dụng thơ Đường trong "Truyện Kiều"

  • 08:18 | Chủ Nhật, 25/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cả hàng ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, việc văn học cổ nước ta chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học cổ Trung Hoa là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cha ông ta vốn có ý thức dân tộc, tự lập tự cường nên tiếp thu có chọn lọc và rất sáng tạo. Điều đó phần nào được thể hiện qua việc Nguyễn Du vận dụng những thành tựu thi ca thời nhà Đường (Trung Quốc) trong kiệt tác Truyện Kiều.
 
Thời Trung đại nói chung và thời Nguyễn Du (cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn) nói riêng, tầng lớp nho sĩ hết sức ngưỡng mộ thơ Đường. Họ không chỉ ngâm vịnh, bình phẩm, đọc thuộc hàng trăm bài thơ Đường nổi tiếng mà có mượn chất liệu, các thể thơ Đường như tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, phú… để sáng tác. Đặng Trần Côn kỳ công sưu tầm, lựa chọn, chắt lọc, sắp xếp từ hàng ngàn câu thơ Đường để soạn thành khúc ngâm của người chinh phụ (Chinh phụ ngâm).
 
Sau này, Hồ Chí Minh cũng mượn bài Thanh minh của Đỗ Mục để chế tác thành bài Thanh minh của Người. Nguyên tác bài thơ Thanh minh của Đỗ Mục: Thanh minh thời tiết vũ phân phân/ Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn/ Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?/ Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn (Tiết thanh minh mưa lất phất/ Người đi đường tan nát lòng/ Ướm hỏi nơi nào có quán rượu/ Trẻ chăn trâu chỉ xóm Hạnh Hoa đằng kia). Hồ Chí Minh chỉ đổi: “hành nhân” thành “tù nhân”, “tửu gia” thành “tự do”, “mục đồng” thành “vệ binh” và “Hạnh Hoa thôn” thành “biện công môn” mà thay đổi hẳn nội dung, chủ đề, tư tưởng của bài thơ. Điều đó chứng tỏ Người vận dụng một cách hết sức sáng tạo thành tựu Đường thi. Thời này, muốn chế tác như thế phải ghi chú rõ ràng nhưng thời trước thì không, bởi tầng lớp nho sĩ hầu như ai cũng biết bài thơ nổi tiếng này của Đỗ Mục.
 
Tương tự như thế, trong Truyện Kiều, khi gặp câu: Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân, các nho sĩ biết ngay Nguyễn Du mượn hai câu trong bài Du tử ngâm của Mạnh Giao: Thùy ngôn thốn thảo tâm/ Báo đắc tam xuân huy (Ai bảo lòng hiếu của con cái như tấc cỏ/ Có thể báo đáp được tình mẹ như ánh sáng của ba tháng xuân). Đọc câu: Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu, các nho sĩ biết ngay là Nguyễn Du mượn từ câu: Hầu môn nhất nhập thâm như hải/ Tòng thử Tiêu lang thị lộ nhân (Cửa công hầu đã bước vào thì sâu như biển/ Từ đó, chàng Tiêu thành khách qua đường) trong bài Tặng khứ tì của Thôi Giao.
 
Đọc câu: Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia, các nho sĩ biết ngay Nguyễn Du mượn ý từ khổ thơ: Quân tại Tương giang đầu/ Thiếp tại Tương giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Cộng ẩm Tương giang thủy (Chàng ở đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương/ Nhớ nhau mà không gặp được/ Cùng uống nước sông Tương) của tác giả A Lỗ Uy. Đọc câu Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông, các nho sĩ biết ngay Nguyễn Du mượn từ câu: Đào hoa y cựu tiếu đông phong trong bài Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ.
cc
                                                          Ảnh minh hoạ                                Nguồn: Internet.

Những trường hợp nêu trên, tác giả Truyện Kiều chỉ mới dịch thoát thơ Đường chứ chưa thật sáng tạo cho lắm. Ba trường hợp sau đây mới chứng tỏ tài năng sáng tạo độc đáo của Đại thi hào:

Trường hợp thứ nhất
 
Chàng Kim Trọng ca ngợi vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều trong lần đầu gặp gỡ: Một nền Đồng Tước khóa xuân hai kiều. Đây là câu nhà thơ mượn ý của Đỗ Mục trong bài Xích Bích hoài cổ. Ở Xích Bích hoài cổ, Đỗ Mục viết: Đông phong bất dữ Chu Lang tiện/ Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều (Gió đông ví không thuận tiện cho Chu Du/ thì cảnh xuân thâm nghiêm của đài Đồng Tước đã khóa chặt hai nàng Kiều). Mặc dù mượn ý thơ Đỗ Mục nhưng cách dùng từ “xuân” của Nguyễn Du có khác. Đỗ Mục nói đến cảnh xuân thâm nghiêm ở đền Đồng Tước, còn Nguyễn Du thì nói tuổi xuân của hai người đẹp đang bị “khóa” tại tư gia Vương Ông. Đỗ Mục dùng từ “xuân” với nghĩa đen, còn Nguyễn Du dùng từ “xuân” với nghĩa bóng, vì thế gợi nhiều tầng nghĩa hơn.
 
Trường hợp thứ 2
 
Câu Thúc Sinh nói với nàng Kiều: Dẫu rằng sông cạn đá mòn/ Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ là Nguyễn Du mượn từ câu thơ của Lưu Vũ Tích: Xuân tàm đáo tử ty phương tận (Con tằm đến chết mới hết tơ-Vô đề). Con tằm của Lưu Vũ Tích chết là hết tơ, còn con tằm của Nguyễn Du dẫu đã chết nhưng vẫn còn vương tơ, có nghĩa là tuy chết nhưng tình cảm thì vẫn còn vương vấn mãi. Nếu đọc lướt, rất khó nhận ra sự sáng tạo này trong việc vận dụng thơ Đường của Nguyễn Du. Dám hạ bút chỉnh sửa một từ của thi hào, thi bá thời nhà Đường phải là người thực sự tài năng và bản lĩnh.
 
Trường hợp thứ 3
 
Từ 2 câu thơ của Đỗ Mục: Thập niên nhất giác Dương Châu mộng/ Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh (Mười năm chợt tỉnh giấc mộng Dương Châu/ Lại chỉ được mang tiếng bạc tình ở chốn thanh lâu-Khiển hoài), Nguyễn Du để cho Mã Kiều nói với nàng Kiều về Sở Khanh: Thôi đà mắc lận thì thôi!/ Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?/ Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết mấy cành phù dung. Đây là trường hợp khá đặc biệt. Tất cả những trường hợp đã dẫn ở trên, các câu thơ Đường mà Nguyễn Du mượn đều hợp cảnh, hợp tình; nhưng ở trường hợp này có khác.
 
Trong Khiển hoài, nhà thơ Đỗ Mục tự giễu mình. Tác giả coi mười năm làm tuần phủ ở Giang Tây chẳng khác gì lưu lạc ở chốn sông hồ; chỉ có gái đẹp, rượu ngon và mang tiếng là kẻ bạc tình ở chốn lầu xanh mà thôi. Bởi bao hoài bão, ước mơ của ông đã tan thành mây khói: Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc (Cuồng phong thổi rụng hết những bông hoa hồng thắm-Thán hoa).
 
Vì thế, Khiển hoài chứa đầy tâm trạng. Đọc kỹ Khiển hoài ta có thể nhận thấy những giọt nước mắt ẩn đằng sau tiếng cười đầy chua chát, mỉa mai của tác giả. Còn Sở Khanh đích thị là tên “bạc tình nổi tiếng lầu xanh”. Nguyễn Du đã biến câu thơ tự trào (tự cười mình) của Đỗ Mục thành câu thơ vạch trần bản chất lưu manh của tên buôn thịt bán người. Điều này chứng tỏ bút pháp của Nguyễn Du vô cùng linh hoạt.
 
Thơ Đường là di sản văn hóa nhân loại, nhưng phải thật uyên thâm mới hiểu và cảm nhận được. Nguyễn Du không chỉ hiểu, cảm nhận mà còn vận dụng thơ Đường vào trong sáng tác của mình. Bằng lối dịch vừa phóng khoáng vừa mềm mại, uyển chuyển, đại thi hào có công lớn trong việc Việt hóa thơ Đường, hòa lẫn một cách tài tình giữa chất bác học và chất bình dân. Điều này đã góp phần quan trọng giúp Truyện Kiều trở thành đỉnh cao của thơ ca cổ điển Việt Nam, không thua kém gì Đường thi-vốn được xem là tập đại thành của thơ ca cổ điển Trung Quốc.                                                       

                                                                            Mai Văn Hoan

tin liên quan