Thánh bà cổ động viên

  • 07:43 | Thứ Tư, 17/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã hơn sáu mươi năm, tôi thường nghĩ về bà mỗi lần xuống bến sông nhìn sang bên kia. Bên kia là làng An Xá, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rõ rồi, vị tướng lừng danh. Nhưng bên ấy còn có một ngôi đền thờ nữa, gọi là đền Bà Lỗ.
 
Bà Lỗ là ai?
 
Quê tôi, lưu vực sông Kiến Giang, con sông mà người Hà Nội gốc như họa sĩ Lê Trí Dũng phải thốt lên… là “đẹp nhất và nhiều bến nhất từng thấy”. Trên con sông này, từ ít nhất năm trăm năm nay đều mở hội bơi thuyền cầu đảo hàng năm (sách Ô châu cận lục của tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An chép rất kỹ).
 
Lịch sử đua thuyền, làng An Xá, cũng trai bơi khỏe mạnh, cũng “thước mực” đóng thuyền như ai, chả hiểu sao cứ về đội sổ. Trai làng buồn lắm, năm ấy định bỏ, không tham gia. Có người con gái tuổi vừa cập kê, thanh tân xinh đẹp nết na xin hiến kế: Ngày mai, có sự gì ở bến sông thì trai bơi làng ta cũng đừng ngước nhìn mà hãy tranh thủ vượt lên… Rồi, ngày mai, trai An Xá không hiểu chuyện gì trên bờ mà tất cả đò bơi khi ngang qua đều dừng tay dầm ồ à chỉ trỏ. Đò An Xá vượt lên về nhất. Đêm ấy, làng mở tiệc, trai bơi mới biết rằng, sáng nay người trinh nữ đã khỏa thân đứng ở bến sông đánh lừa tất cả các đò bơi ngang qua.
 
Cũng ngay đêm ấy, người con gái lạy tạ đấng sinh thành rồi ra bến sông trẫm mình. Dân làng thương xót vớt nàng lên mai táng rồi lập đền thờ gọi là đền Bà Lỗ.
 
Chuyện, nghe bảng lảng như sương khói, như gần như xa. Hỏi trên thế gian này có một cổ động viên thể thao thứ hai nhiệt thành như vậy không?!
 
Sau ngày giành chính quyền 25/8/1945, huyện mở hội đua thuyền vào ngày 2/9 rồi từ đó thành lệ bơi thuyền gọi là mừng Tết Độc lập. Hội có thuyền bơi của nam dùng chầm và thuyền đua của nữ dùng chèo, trang phục ngày càng lộng lẫy, động tác bơi chèo đẹp như vũ hội carnival. Cung đường đua dài cả năm chục cây số buộc tuyển thủ nữ và nam đều phải khỏe mạnh và dẻo dai. Hai bờ trên suốt đường đua, trai thanh gái lịch phóng xe theo, dân làng tập trung cổ động như một trận bóng đá đỉnh cao...
 
Từ bên này con sông nhỏ, tôi vọng sang bờ bên kia mà nghĩ về chân dung bà, người liệt nữ thanh tân, dám hy sinh danh tiết và sinh mạng cho dân làng trong cuộc đua tranh trên sông nước. Mới hay, người đàn bà xứ Việt mới cao thượng làm sao, dũng cảm làm sao!
 
Trên tiến trình tiến xuống phương Nam mở cõi của dân Đại Việt được tính từ năm 931, Lê Đại Hành cho mở đường từ Cửa Sót (Hà Tĩnh) vào châu Bố Chính đặt trạm, gọi là Thiên lý cù. Năm 1069, Lý Thường Kiệt nam chinh bắt sống vua Chiêm Chế Củ thu hồi ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh… và sau này Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn giữ Thuận Hóa tiếp tục Nam tiến, luôn gắn với lộ vân du bảo hộ con dân của đức Thánh mẫu Liễu Hạnh.
 
Vào đến chân đèo Ngang, bà vẫn là Thánh mẫu Đại Việt, nhưng đến vùng Nam Thuận Hóa ngự tại điện Hòn Chén thượng nguồn sông Hương thì đã mang biến thể Việt-Chăm trong danh xưng Thiên Y A Na (Thiên Y-Việt, A Na-Chăm). Vào sâu nữa trong Khánh Hòa thì hoàn toàn Chăm hóa: Thánh bà Pô Na Ga...
 
Phải chăng trong lộ trình tiến xuống phương Nam, ngang qua châu Địa Lý xưa (Quảng Ninh, Lệ Thủy ngày nay) với lễ nghi bơi thuyền cầu đảo của dân gian, thánh đã dừng lại, chẽ ra một nhánh “biến thể” nhỏ bảo hộ cho một tín ngưỡng lúa nước thuần Việt trong hình tượng người con gái khỏa thân, hy sinh danh tiết cho thắng lợi cộng đồng làng.
 
Bà Lỗ không vào trang sử dân tộc nhưng đã được cộng đồng dân cư sông nước Kiến Giang lập đền thờ, bốn mùa hương khói. Kỳ lạ hơn nữa, năm 2011, tròn một trăm tuổi, khi ở Thủ đô, Đại tướng đang chìm sâu vào hôn mê thì ở quê nhà cả đò bơi nam và đò đua nữ của làng An Xá đều đoạt giải nhất tuyệt đối, điều chưa từng có trong lịch sử đua bơi hơn nửa thiên niên kỷ.
 
Rằm tháng bảy, lễ cúng tạ ơn ông bà cha mẹ, người An Xá đồng thời dâng cúng “Thánh mẫu Thoải” Bà Lỗ, xin giờ hạ thủy đò bơi, đò đua chuẩn bị cho cuộc đua tranh vào ngày một và hai tháng chín tới đây.
                                           
Tôi về làng, theo thói quen xuống bến sông để nhìn sang thì bất ngờ gặp đứa cháu gái cùng đi, mắt nó đỏ hoe. Hỏi, cháu không nói mà vẫn bước. Có lẽ nó vừa bị nhà chồng cằn nhằn điều chi. Dưới bến, một đò đua của làng tôi với gần hai chục tay chèo đang chờ nó về để “thụa” với làng An Xá chuẩn bị vào lễ chính hơn mươi ngày nữa. Cháu tôi bước xuống đò vẫn cúi cúi, dụi mắt mấy cái, thành thạo “gay” chèo vào cọc, rồi ngẩng lên, mắt long lanh rực sáng cùng cả đội mạnh tay đẩy mái đưa thuyền vào cuộc…
 
Lẽ nào, chỉ sau nửa phút bước xuống thuyền, đứa cháu họ bé bỏng của tôi từ phận làm dâu bị hiếp đáp lại hóa thân ngay thành một tuyển thủ được Bà Lỗ truyền năng lượng để bước vào đường đua.
 
Vậy chăng!?
 
Nguyễn Thế Tường

tin liên quan