Khói xưa...

  • 13:58 | Thứ Sáu, 01/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi những cơn mưa tháng 6 đang ở miền xa thì ngọn gió Lào đã thổi. Gió bẻ cong hàng tre, gom nắng lấp lánh trên triền sông. Tôi lại thao thức nhớ đến mùi bếp lửa rơm hơn 20 năm qua. Bếp lửa mỗi sáng, mỗi chiều bà nội tôi nhen lên, cùng với đó là những tin yêu, hy vọng được bà thắp sáng.
 
Mà có lẽ, đây không chỉ là cảm xúc của tôi mà còn là tình cảm của những thế hệ sống thời bao cấp gắn liền với cánh đồng quê cùng những nhọc nhằn và đắm đuối thuở ấu thơ. Thời ấy, cha tôi đi củi trên rừng dự trữ chất đốt vào mùa đông. Mẹ tôi gom rơm ngoài đồng vào nhà xây lên từng cây nấm cao dùng nấu ăn và sinh hoạt. Rơm trở thành người bạn đồng hành với người nông dân đời đời kiếp kiếp.
 
Mỗi khi bếp lửa rơm được nhen lên, tôi nghe rất rõ hương lúa tỏa ngào ngạt, thỉnh thoảng nghe tiếng nổ lách tách của các hạt lúa non còn sót lại. Hương thơm thấm vào thịt da, quyện vào màu áo làm hồng đôi má của người thiếu nữ. Hơi bếp tỏa nồng, len vào những rặng cây sau vườn, tạo ra sự kết nối, gần gũi, thương yêu. Ba tôi gọi đó là hương làng. Mà cũng đúng, sáng dậy ngọn lửa bập bùng như gọi nhau, đánh thức nhau. Tôi nhớ rất rõ, trong hương bếp ấy là điệu hò khoan cất lên vừa xa vừa gần: “Mây ám trăng lờ gió đưa đèn tắt/Thương mẹ già nước mắt rưng rưng/Hỏi anh đá nặng mấy tầng/Anh nói ra cho em rõ kẻo em ngập ngừng khó toan”...
 
Khi nhắc đến bếp lửa rơm, tôi không sao quên được tính đa năng của nó. Vừa làm chín cơm, canh nhưng lửa rơm còn phả vào bát cơm, bát canh mùi vị của đồng quê. Chính vì thế, khi phơi rơm, nội tôi không phơi quá khô. Nội nói, rơm đủ cháy để khi nấu cho thơm và lửa không quá cao. Bao giờ cũng thế, khi nấu bất cứ cái gì, tôi đều lấy que sắt xiên củ sắn, củ khoai hoặc con cá vào bếp lửa. Khi chín vừa tới, khều ra, lấy tay phủi phủi đặt lên mũi. Chao ôi! Mùi vị ấy đến bây giờ vẫn còn nằm trên sống mũi.

Có lẽ, nhớ nhất của tuổi thơ là đến những tháng mùa mưa, ngoài việc phụ giúp gia đình, tôi thường được ba giao nhiệm vụ nấu cơm. Lúc đó, rơm đa phần bị ướt, cả chái bếp ngoài trời cũng vậy. Tôi phải đến cây rơm, rút rơm ở bên trong vào thúng. Mưa to, rơm ướt nhiều nên việc nấu rất khó khăn. Đầu tiên, tôi phải cúi mình xuống bếp thổi thật đều và mạnh để rơm bén lửa. Cảm giác cúi thấp người xuống gần rơm, sát với bếp thật yên bình và hạnh phúc. Mùi khói bốc lên, tôi nhận được mùi ẩm ướt quyện vào rơm thơm bừng bừng trong huyết quản. Có khi, lửa không kịp cháy, khói cuộn vào người, nước mắt, nước mũi trào ra. Hương đồng cỏ nội chạy thẳng vào ngực. Giờ nghĩ lại, khói bếp ngày nào đang làm nhèm mắt tôi, ngai ngái vị đằm thắm của quê hương.

Ở một khía cạnh nào đó, trong nẻo sâu thẳm nhất của hồn người, hương bếp lửa rơm như sợi dây vô hình kéo chúng ta lại với tuổi ấu thơ, đưa ta về với những khoảnh khắc linh thiêng, kỳ lạ. Khói dệt nên tấm khăn lau giọt mồ hôi. Khói làm đẹp cái đói nghèo. Khói giúp chúng ta trở về miền thương nhớ cũ.
 
Vì thế, khi cất ngôi nhà mới, ba tôi chừa một phần đất để làm cái bếp phụ. Ở đó, ba mẹ tôi thỉnh thoảng nấu cơm bằng những bó rơm bà con cho. Khi con cháu tụ tập đầy đủ, ông bà thổi bếp lửa rơm lên nấu nước. Chị em chúng tôi cầm tay nhau giấu những giọt nước mắt nhớ về thuở hàn vi, gian khổ. Chúng tôi lớn lên bên bếp lửa nhưng chưa bao giờ có bữa ăn cơm no.
 
Ngày tôi thi tốt nghiệp THPT, mẹ tôi đơm cho tôi 2 bát cơm. Tôi ăn ngấu nghiến để rồi sau đó nghe tiếng khóc thút thít của đứa em út đòi cơm. Ba mẹ tôi nhìn đàn con rồi khóc. Nhà tôi nghèo, ba là giáo viên trường làng. Mẹ bị tai biến khi tôi còn học lớp 10. Cả nhà trông chờ vào đồng lương còm cõi của ba. Chái bếp chứng kiến nhiều lần tôi đi mượn gạo hàng xóm về nấu ăn và thi thoảng khi xới cơm chín, tôi lấy tay vốc một nắm ăn riêng…
 
Có lần bà tôi bắt gặp, bà cười rồi đến bữa ăn, bà nhường phần cơm của bà cho tôi. Cách đây 2 năm, bà mất, tôi thấy làn khói bếp bay lên trời xanh. Thương bà một đời vì con cháu, gắn với đồng quê cuống rạ tôi đã làm bài thơ “Bà tôi”, sau đó được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội: “trần nhà như cánh đồng/khô cong luống cày/mắt bà tìm cuống nhau ánh sáng/đang vơi dần đi mỗi ngày/gỡ thời gian ra khỏi mái tóc/ra khỏi những nếp nhăn quen thuộc/bà đi qua từng ruộng lúa/với chiếc áo may bằng cơn mưa/gom mỡ màu từ đất/bà vung lên bầu trời/đo gió bằng lóng tay/bà nhẩm đường bay vàng rộm”.
 
Đường bay vàng rộm ấy chính là ngọn khói rơm tỏa hương trong ký ức ngày xưa, hôm nay và mãi mãi về sau. Dù thời gian và cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng với tôi, bếp lửa rơm sau lũy tre làng vẫn là một di sản đặc sắc, độc đáo. Tôi cứ ước mơ, ngày nào đó sẽ có những làng du lịch trên quê hương Quảng Bình khôi phục lại ngọn khói này!
 
                                                                                                  Ngô Mậu Tình

tin liên quan

Giới thiệu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn bè châu Phi

Bộ phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours (Pháp) năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước.

Giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1463/QĐ-BVHTTDL về kế hoạch tổ chức trưng bày không gian giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại Lào.

Triển lãm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Ngày 28/6, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề "Nguyễn Đình Chiểu - Cuộc đời và sự nghiệp" .