Bài thơ "Đồng Hới" - Dự cảm về một thành phố đẹp

  • 12:28 | Thứ Bảy, 12/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong hồi ký “Âm vang thời chưa xa”, nhà thơ Xuân Hoàng kể lại hình ảnh Đồng Hới  sau trận bom phá hoại của đế quốc Mỹ như sau: “... Một hiện tượng khủng khiếp đập thẳng vào mắt chúng tôi: vùng bắc cầu Dài đã bị bom hủy diệt... Một vùng đất rộng trở nên tan tành, xơ xác. Lúc này anh em dân quân và bà con đang đào hầm sập để cứu những người bị bom vùi lấp. Nhiều người chết được khiêng ra mặt đường lấy chiếu úp mặt lại. Nhiều chiếu quá! Cứ trắng tinh cả một khúc đường... Tôi uất hận đứng lặng không nói nên lời. Ngày đó là ngày mồng bốn tháng tư năm 1965, ngày giặc Mỹ chính thức bắt đầu cuộc ném bom hủy diệt thị xã Đồng Hới. Hôm sau, chúng tôi phải sơ tán lên vùng quê, đề phòng giặc lại tiếp tục đến bắn phá...”.
 
Thị xã yêu thương và bé nhỏ phút chốc đổ nát, điêu tàn do bom giặc, nhà thơ Xuân Hoàng đã viết bài thơ “Đồng Hới”. Bài thơ chỉ có 9 khổ, 36 câu nhưng đã gói trọn tâm tình của ông. Suốt dọc bài thơ liên tục diễn ra sự đan cài hình ảnh Đồng Hới trong các chiều kích thời gian. Đồng Hới trong những hồi ức yêu thương. Đồng Hới trong hiện tại đau thương uất ngẹn. Đồng Hới trong dự cảm tương lai tươi đẹp.
 
Mở đầu là hình ảnh trữ tình: “Em đi phố nhỏ động cành dừa/Cửa biển về khuya phố đêm ngả lạnh/Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh/Chúng ta về ấm lại dải đường xưa...”. Những câu thơ vẽ nên bức tranh rất lãng mạn của Đồng Hới và người Đồng Hới. Dù bom đạn, dù đau thương nhưng tình yêu đôi lứa vẫn được nhen lên từ phố: “Anh yêu em đâu phải chỉ riêng em/Bởi lẽ tình ta nhen từ phố nhỏ/Phố nhỏ đổ nhưng lòng ta ở đó/Vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ đầu tiên”.
 
Những dòng hồi ức của nhà thơ Xuân Hoàng trong hồi ký “Âm vang thời chưa xa” cho ta thấy phố nhỏ không còn gì nhiều sau những trận bom hủy diệt của đế quốc Mỹ nhưng tình yêu của người Đồng Hới vẫn mãi là mạch sống của phố. Phố nhỏ tan..., phố nhỏ đổ..., nhưng người Đồng Hới vẫn kiên gan chiến đấu bảo vệ quê hương, vẫn thủy chung sau trước gửi hết tình cho phố. Đồng Hới cách nay 55 năm và Đồng Hới hôm nay có gì khác?!
Hàng dừa bên dòng Nhật Lệ
Hàng dừa bên dòng Nhật Lệ

Chắc chắn rằng, diện mạo Đồng Hới nay đã đổi thay nhưng hồn vía phố thì vẫn vậy, vẫn những con đường nhỏ và hàng dừa soi bóng dòng sông, vẫn cửa biển và những cơn gió lao xao chao nghiêng vào trái tim người yêu phố. "Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm/Hương dạ lan thơm ngát những canh dài/Em đi nhé, bóng em lồng bóng biển/Bài thơ lành anh đến ngủ trên vai”. Những câu thơ ra đời từ hơn nửa thế kỷ trước mà như vừa mới viết hôm qua.

Bài thơ “Đồng Hới” được chia làm hai phần. Nếu phần một là những dòng yêu thương nhà thơ Xuân Hoàng dành cho phố nhỏ trước sự hủy diệt của bom đạn giặc Mỹ thì phần hai mang âm hưởng của chiến thắng và hy vọng về tương lai tươi đẹp của quê hương. Nhà thơ Xuân Hoàng yêu Đồng Hới bằng tình yêu dịu dàng và sâu lắng. Mỗi biến động của Đồng Hới đều được ông ghi thành thơ: Đồng Hới, Gửi về Đồng Hới, Một chiều Đồng Hới, Sự phân công dịu dàng, Chiều quê cũ.

Trong cuộc đời mình, nhà thơ Xuân Hoàng có hai lần trở về Đồng Hới theo tiếng gọi của trái tim. Lần thứ nhất, khi đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, Đồng Hới trở thành vùng tử địa, ông tình nguyện chuyển từ Nhà xuất bản Văn học Hà Nội vào xây dựng phong trào sáng tác tại Hội sáng tác văn nghệ Quảng Bình vừa mới được thành lập năm 1961.
 
Lần thứ hai, năm 1989, trong khi rất nhiều người xin ở lại Huế vì nhiều lý do khác nhau, ông lại là đầu tiên người xung phong trở về Đồng Hới xây dựng lại Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình trên mảnh đất hoang vu chỉ có cỏ dại và gạch vỡ. Phải yêu mảnh đất này đến thế nào nhà thơ Xuân Hoàng mới có những quyết định ấy. Được cấp đất và làm một căn nhà nhỏ nhỏ trên đường Thanh Niên, ông tâm sự rằng được sống trong căn nhà mới ông viết bài thơ để nhớ đến những ngày Đồng Hới bị đạn bom cày nát.
 
Hai bài thơ viết cách nhau gần 30 năm nhưng lại có sự liên hệ, kết nối đến bất ngờ. Nếu bài thơ “Đồng Hới” là hy vọng, là dự cảm thì bài thơ “Sự phân công dịu dàng” được nhà thơ viết sau ngày chia tách tỉnh Bình Trị Thiên là lời đáp cho những hy vọng, dự cảm ấy, cũng có thể coi như là phần ba của bài thơ “Đồng Hới”: “Trên mảnh đất xưa ta lại làm nhà/Nhà dù nhỏ cũng bốn bề lộng gió/Hàng dừa cũ còn nguyên chỗ đó/Dầu hôm nay có xơ xác lá cành/Làm nhà xong anh sẽ nhận phần mình/Trồng cho được hai cây hồng trước ngõ/Còn em, em hãy xin về cây dạ hương nho nhỏ/Để cho chúng biết mong chờ/Những điều anh nói trong thơ/Hôm nay thành sự thực/Dẫu chưa có gì nhiều/Chỉ hai thứ hoa lành đằm trong ký ức/Mà sau lưng là những ngày lửa rực/Còn trước mặt là những điều ước mong ...”. 
 
Cách nay hơn một năm, bốn cô con gái của nhà thơ Xuân Hoàng: Chị Tịnh Thủy, Minh Hà, Hương Giang và chị Nhật Lệ trở về Đồng Hới nhân dịp gia đình nhà thơ xuất bản “Tuyển tập Xuân Hoàng”. Các chị thăm lại ngôi nhà xưa trên đường Thanh Niên, thăm Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh nơi người cha kính yêu của mình từng gắn bó. Hôm đó, nhà văn Hữu Phương đã bâng khuâng đọc lại bài thơ “Đồng Hới”. Các con gái nhà thơ hết sức ngỡ ngàng vì ông đã dự cảm quá chính xác về tương lai của mảnh đất này: “ ...Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình/Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp/Thành phố ta xây trên bờ biển biếc/Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh/Ta sẽ về xây Đồng Hới quê ta/Sẽ trồng lại hoa hồng trên lối cũ/Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/Vàng huân chương trong mỗi một sân nhà...” .
 
Tại thời điểm ra đời, bài thơ là tiếng trái tim thi sỹ, sâu đậm một tình yêu, phơi phới một niềm tin. Hơn 55 năm sau, thành phố đẹp nhà thơ mong ước đã hiện hữu: “Làm nhà xong anh sẽ nhận phần mình/Trồng cho được hai cây hồng trước ngõ/Còn em, em hãy xin về cây dạ hương nho nhỏ/để cho chúng biết mong chờ/Những điều anh nói trong thơ/Hôm nay thành sự thực...”.
 
Trân trọng cảm ơn nhà thơ Xuân Hoàng về những gì ông dành cho Đồng Hới!
 
Trương Thu Hiền
 

tin liên quan

Đình làng Phan Long, "chứng nhân" lịch sử vùng đất Ba Đồn

(QBĐT) - Có lịch sử hàng trăm năm, đình làng Phan Long, phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) gắn liền với những mảnh trầm tích thời gian và mang đậm dấu ấn về vật chất, tinh thần của con người, vùng đất nơi này.
 

Tất cả vì người đọc

(QBĐT) - Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ bạn đọc trong tình hình mới nhằm thực hiện phương châm "tất cả vì bạn đọc", thời gian qua, Thư viện tỉnh đã không ngừng đổi mới các hoạt động, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu đọc sách, tìm hiểu thông tin của người dân.

Dấu bàn chân mẹ

(QBĐT) - Khi nghĩ về mẹ, ta thường nghĩ đến mái đầu tóc sương, đôi bàn tay nhăn nheo quen làm lụng, rồi vết chân chim nơi mí mắt hay tấm áo nâu sồng bạc màu. Và tôi, tôi thường nghĩ về dấu bàn chân mẹ: Dấu chân đã lội qua đời người với bao mưa nắng, trầy trật, bao vấp ngã và với bao dấn bước bấm vào mong manh, thiếu hụt để vững chãi thêm, định vị cho mình một tư thế làm người.