Những kỷ niệm không quên

  • 08:48 | Thứ Ba, 16/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 12-1971, tôi và anh Đinh Quốc Thuấn, giáo viên Trường cấp III Nam Quảng Trạch đi dự hội nghị chuyên đề do Ty Giáo dục Quảng Bình tổ chức tại Mỹ Trạch. Từ trường đến Mỹ Trạch phải qua hai đò Minh Lệ-Thong Thóng và Thong Thóng-Mỹ Trạch. Đoạn đường này địch thường xuyên đánh phá ác liệt, dưới sông chúng thả đầy thủy lôi và bom từ trường để ngăn chặn vận tải đường thủy của ta, nên việc đi lại khó khăn và nguy hiểm.
 
Bảy giờ tối, hai chúng tôi đến Thong Thóng thì địch đang bắn phá ở Ngân Sơn cách chúng tôi theo đường chim bay chưa đầy hai cây số. Hết đợt bom giặc, chúng tôi gọi đò, gọi mãi vẫn không nghe đáp lại. Bỗng có tiếng gọi của một nữ thanh niên trong nhà vọng ra:
 
- Các thầy đi đâu?
 
- Ai đó?
 
- Em là Thiên đây.
 
Nhận ra học sinh cũ của mình, chúng tôi rất mừng. Sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của nhau, Thiên nói: "Đò ngang bị địch bắn hỏng nặng lúc chiều chưa sửa được. Mời hai thầy vào nhà để em đi mượn đò chở hai thầy qua". Chúng tôi rất mừng và rất cảm động trước tấm lòng của người học sinh cũ.
 
Khoảng mười lăm phút sau, một chiếc đò nhỏ lướt tới.
 
- Mời hai thầy xuống đò. - Thiên nói.
 
Vào lúc đó, xuất hiện một chùm pháo sáng treo trên đầu và tiếng gầm rú của máy bay địch. Chúng tôi vội kéo thuyền vào bờ và chạy vào hầm. Không thấy giặc bắn phá gì, chúng tôi ra khỏi hầm và thấy lúc này giặc đang ném bom ở phía cảng Gianh.
 
- Ta tranh thủ sang sông thầy ạ! - Thiên nói.
 
Thiên chèo lái, anh Thuấn chèo mũi, còn tôi dùng hai bàn tay khoát mạnh vào nước để tăng tốc độ. Con đò vun vút lao đi. Khi đò đến gần bến, tôi nói: "Thầy rất cảm động trước tình cảm của em đã dành cho các thầy. Đây là chuyến đò đặc biệt. Chuyến đò chở đầy tình thương của người học trò cũ". Bỗng trên bến có tiếng cất lên:
 
- Học trò cũ của thầy đây nữa thầy ơi!
 
Tôi rất sung sướng, cảm động và tự hào về danh hiệu của mình, vội bước lên bờ. Một trong ba anh bộ đội chạy tới, ôm và nhấc bổng tôi lên.
 
- Ai đấy? - Tôi hỏi.
 
- Em đây! Cao Xuân Phớt đây thầy ạ.
 
- Phớt! - Tôi sờ lên khắp người em. Biết ý Phớt nói ngay:
 
- Vẫn nguyên vẹn thầy ạ. Không đổ máu đâu, thầy yên tâm. Cô và các em vẫn khỏe chứ? Em đã đọc tập thơ "Đi nữa chú ơi" của Hoàng Hiếu Nhân rồi, xin chúc mừng thầy và em rất tự hào về Nhân (1). Em hiện là thiếu úy ra Bắc nhận quân rồi vào chiến trường ngay. Báo cáo với thầy cái chức thiếu úy để chứng tỏ học trò của các thầy không tồi.
 
Nhiều chuyện muốn nói lắm nhưng không thể kéo dài vì máy bay địch gầm rú khắp bầu trời. Khi chia tay, Phớt bùi ngùi nhờ tôi chuyển lời thăm sức khỏe các thầy cũ và dặn tôi:
 
- Thầy gầy lắm, rất nhẹ cân phải chú ý giữ gìn sức khỏe và thận trọng khi đi lại.
 
Tôi ôm em và xúc động nói:
 
- Thầy trò mình sẽ đoàn tụ dưới mái trường cũ.
 
Thiên đã chở ba anh bộ đội qua khúc sông rộng khoảng bốn trăm mét. Tôi và anh Thuấn đứng lại theo dõi sự an toàn của con đò và khi nghe bên kia sông chào nhau chia tay, tôi hét to:
 
- An toàn, mạnh khỏe nha... a... a!
 
- D... a ... ạ ! Các thầy vào làng nhanh lên!
 
***
 
*
 
Mùa hè 1972, sau khi cùng các đồng nghiệp đào bới, tìm thi thể các nạn nhân trong vụ máy bay B52 của Mỹ ném bom hủy diệt xã Quảng Sơn, tôi trở về nhà hơn một giờ chiều. Người mệt vì đã dốc sức với hy vọng tìm người sống sót, vả lại khi đó không có gì để lót dạ, ấy vậy mà tôi không thấy đói.
 
Trong óc cộm lên nhiều dấu hỏi trước cái chết của trên trăm người dân vô tội, nhà cửa đổ nát, ruộng vườn bị cày xới... Hôm nay, giặc hủy diệt Quảng Sơn, ngày mai có thể Quảng Minh, Quảng Hòa... Rồi đây, vợ con anh em, nhà cửa, bạn bè sẽ ra sao?
 
Bỗng một anh bộ đội, đội mũ tai bèo bước vào nhà tôi hỏi:
 
- Đây có phải nhà thầy Nghĩa không?
 
- Tôi đây?
 
- Thầy có thư từ chiến trường gửi ra.
 
Một niềm vui lóe lên vì có thư trong ấy gửi ra có nghĩa là một học sinh nào đó của mình còn sống. Nhận thư, tôi mời khách uống nước, hút thuốc rồi bóc thư đọc:
 
"Thầy kính mến!
 
Đơn vị em vừa thắng một trận lớn ở Bông Trang-Nha Đỏ. Hiện nay, bọn em còn ở chốt để đánh trả những cuộc phản kích của địch. Ngày mai có đồng đội ra Bắc em viết vội mấy dòng kính thăm sức khoẻ thầy, cô và các em.
 
Trước hết, cho em được thanh minh điều này. Em viết thư cho thầy trong hầm lúc trời mưa nên đã có những giọt nước làm nhòe vài chỗ, chứ không phải thằng học trò của thầy yếu đuối đến mức khi viết thư cho người thân đã để cho nước mắt rơi trên thư. Em vẫn nhớ mấy câu thơ thầy đọc lúc chia tay:
 
Đi chiến đấu là niềm vui bất tận
 
Là ánh hồng tỏa sáng nhuộm đời xuân..."
 
Đọc đến đây mũi tôi cay xè và như có năng lượng tiềm ẩn nào đó giúp tôi tỉnh táo hơn, vững chãi hơn.
 
Suốt cả lá thư, Phớt nhắc lại những kỷ niệm đẹp ở trường, hỏi thăm từng thầy cũ và nhờ tôi chuyển lời thăm. Cuối cùng em viết: "Em sẽ sống và chiến đấu để xứng đáng công lao dạy dỗ của cha mẹ, của các thầy và mái trường xưa".
 
Đọc xong thư tôi hỏi anh bộ đội.
 
- Phớt bây giờ ở đâu?
 
- Thủ trưởng Phớt đã hy sinh trong trận phản kích của giặc.
 
- Ai bảo đồng chí mang thư này về đây?
 
- Thưa, thủ phó của em - người đã gặp thầy tại Mỹ Trạch - Thong Thóng. Thủ phó của em bảo em phải mang lá thư này tận tay thầy, vì trước khi trút hơi thở cuối cùng đồng đội còn nghe trong tiếng thều thào, ngắt quảng: " Lá th... ư... tro...ong tu... úi chuyển..." của thủ trưởng Phớt.
 
Không kiềm chế được cảm xúc, tôi đã để những giọt nước mắt rơi trên lá thư... và tôi nói với anh bộ đội:
 
- Hôm nay em ở lại đây với thầy.
 
Hoàng Hiếu Nghĩa
 
(1) Con trai của tác giả, cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa đã được giải nhất cuộc thi thơ do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

tin liên quan

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư tưởng 'soi đường' về văn hóa

"Văn hóa soi đường cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội" - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định điều này ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại các hội nghị văn hóa toàn quốc những năm 1946, 1948. Luận điểm này của Người thể hiện tầm nhìn vượt thời đại khi nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của văn hóa trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Bình chọn tác phẩm ghi âm, ghi hình tuyên truyền chống dịch COVID-19

Chương trình "Bình chọn các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình về nghệ thuật biểu diễn tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19" với chủ đề "Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch," diễn ra từ 15-11 đến 15-12.

Netflix tung gói miễn phí cho người dùng Android tại Việt Nam

Người dùng Android tại Việt Nam có thể đăng ký dùng Netflix mà không cần nhập thông tin về phương án thanh toán để xem nhiều phim hấp dẫn của Netflix dù bị khóa một số tính năng và tựa phim khác.