Một "bảo tàng" đường Trường Sơn bằng "văn tự"

  • 08:36 | Thứ Sáu, 12/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 16 năm hoạt động (1959-1975), đường Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trước Tổ quốc. Đến nay, hơn 40 năm đã qua, không ít chiến sỹ mở và giữ đường Trường Sơn đã “theo bước” vị Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, không ít “di tích đường Trường Sơn đã mờ đi trên mặt đất và ngay cả trong ý thức của mỗi  chúng ta” như “Lời giới thiệu chung” về các di tích Trường Sơn đã viết. Ngay cả với những di tích được xếp hạng và tôn tạo, không phải ai cũng có điều kiện đến tận nơi tìm hiểu. Chính vì thế, Thường vụ Hội Trường Sơn Việt Nam đã chỉ đạo Ban Lịch sử-Truyền thống sưu tầm, biên soạn cuốn sách “131 di tích & địa danh Trường Sơn” (NXB Thanh Niên, 2021).
 
Trang bìa cuốn sách “131 di tích & địa danh Trường Sơn”.
Trang bìa cuốn sách “131 di tích & địa danh Trường Sơn”.
Đường Trường Sơn là cả một hệ thống ngang dọc rất rộng lớn, đi qua 11 tỉnh của Việt Nam (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước) và địa bàn 7 tỉnh Trung-Hạ Lào, 4 tỉnh Đông-Bắc Campuchia. Ban biên soạn đã rất công phu nhưng vẫn còn một số di tích ở nơi quá xa khuất khó tìm đến, chưa có tên trong cuốn sách này.
 
Mặc dù vậy, với dung lượng gần 500 trang, ngoài phần giới thiệu chung, sách gồm 4 phần, mỗi di tích được miêu tả khá chi tiết qua các mục: Tên, địa điểm, sự kiện-nhân vật, lịch sử, đặc điểm, xếp hạng-vinh danh, hiện trạng, kèm nhiều hình ảnh, bản đồ, cuốn sách là nguồn tư liệu quý đối với bạn đọc cả nước.
 
Với riêng tỉnh Quảng Bình, do vị trí đặc biệt đối với lịch sử hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trong 46 di tích được giới thiệu ở phần 2 “Các di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt”, có đến 18 di tích nằm trên địa bàn Quảng Bình.
 
Đó là: Cầu Ka Tang (đường 12A), Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 ở Hóa Tiến, đồi Cha Quang (tức đồi 37-đường 12A), Cổng Trời-Cha Lo (đường 12A), ngầm Khe Rinh, đèo Đá Đẽo, bến phà Xuân Sơn (đường 15), cảng Gianh, hang Thông tin 6 (tại Km4 đường 20), Tổng kho NH, hang 7 tầng (đường 20), hang Tám Cô (đường 20), dốc Ba Thang (Km19, đường 20), ngầm Cà Roòng và ngầm AKai (Km61 đường 20), phà Long Đại, Hiền Ninh-Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Trường Sơn, ngã tư Thạch Bàn, Km0 đường 10, Làng Ho.
 
Trong 36 di tích được giới thiệu ở phần 3 “Các di tích chưa được cấp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt”, có đến 14 di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Bình gồm: Trọng điểm 468 (tức trọng điểm gùi xăng cách ngã ba Khe Ve 2km về phía bắc), ngã ba Khe Ve, Đội điều trị 14, Binh trạm 12, La Trọng, Bãi Dinh, sân bay dã chiến Khe Gát, cảng Hòn La, bến phà Gianh, Chỉ huy sở Binh trạm 14 ở Cổ Giang, Trọng điểm Trạ Ang (Km10 đến Km14 đường 20), cảng Nhật Lệ, Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Km42, đường 10), ngã ba Tăng Ký (giao điểm đường 15 và đường 10 tại Lệ Thủy), ngã ba Dân Chủ (giao nhau giữa đường 10 và đường 16A tại Lệ Thủy).
 
Một điều cần lưu ý là một số di tích không thuộc quản lý của bộ đội Trường Sơn, nhưng có liên hệ mật thiết với “tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn” cũng được giới thiệu trong các phần trên như: Bến phà Gianh, cảng Nhật Lệ…
 
Chỉ đơn thuần tính về số lượng di tích trên địa bàn Quảng Bình so với tổng số di tích toàn hệ thống đường Trường Sơn, chúng ta đã thấy sự đóng góp to lớn đồng thời cũng là sự hy sinh không kể xiết của đồng bào, bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng phục vụ cho tuyến đường Trường Sơn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Dưới đây, xin trích dẫn một vài di tích để bạn đọc hình dung phần nào giá trị của cuốn sách.
 
Cụm di tích Cổng Trời-Cha Lo được giới thiệu trong gần 4 trang. Đây là cửa khẩu đầu tiên cho xe cơ giới của Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559 đưa hàng sang phía Tây Trường Sơn từ năm 1962. Tháng 3-1962, đoàn xe gồm 60 chiếc vượt Cổng Trời sang Lào, theo đường 129 vào đến Sê Pôn.
 
Từ đó cho đến hết chiến tranh, Cổng Trời và cửa khẩu Cha Lo không ngày nào vắng những đoàn xe của bộ đội Trường Sơn. Đây cũng là Chỉ huy sở Binh trạm 12 (1968-1972), có cả kho hậu cần trong hang đá. Hang đá bên kia đường là chỗ làm “lễ truy điệu sống” các chiến sỹ trước khi ra mặt đường.
 
Cụm di tích này cũng gắn với trận chiến đấu đầu tiên trên đường 12A với không quân Mỹ ngày 28-11-1964, nơi chính trị viên-anh hùng Nguyễn Viết Xuân hô vang câu khẩu hiệu bất tử: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Khi đường 12A và đường 20 bị đánh phá ác liệt, chưa thể thông xe được, tháng 12-1968, tuyến ống dẫn xăng qua đây vượt đèo Mụ Giạ được xây dựng và ngày 3-3-1969, dòng xăng đầu tiên đã vượt Trường Sơn đến Khăm Muộn (Lào), kịp thời tiếp “máu” cho các đoàn xe vào mặt trận.
 
Khu vực Cổng Trời-Cha Lo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt đợt 2 ngày 24-12-2018. Năm 2004, Binh đoàn 12 đã dựng bia di tích ở đây.
 
Là người từng sống và chiến đấu trên đường 12A, theo tôi có chi tiết cần bổ sung như sau: Địa bàn di tích này còn là nơi đầu tiên ở miền Bắc bị không quân Mỹ dùng máy bay chiến lược B.52 đánh phá trong 2 ngày 12 và 27-4-1966. Một chi tiết cũng cần “đính chính”, đó là trận chiến đấu mà anh hùng Nguyễn Viết Xuân hy sinh là ngày 18-11-1964 (chứ không phải ngày 28 như sách đã in. Chưa rõ đây là “lỗi” nhà in hay người biên soạn?)
 
Di tích trọng điểm Trạ Ang có lẽ còn ít người biết đến. Đây là đoạn đường xung yếu, một bên vách núi dựng đứng, một bên vực sâu, từ Km10 đến Km14 đường 20 Quyết Thắng. Đường 20 thông xe từ tháng 5-1966, nhằm đỡ “gánh nặng” cho đường 12A, nên liên tục bị đánh phá ác liệt. Trực chiến ở đây là Binh trạm 14, các đại đội thanh niên xung phong Quảng Bình, Nghệ An, Thái Bình.
 
Hàng trăm chiến sỹ bị thương và hy sinh. Sau đợt đánh phá ác liệt từ 1-7 đến 15-8-1968, đường bị tắc hoàn toàn, xe bị ứ lại hàng đoàn. Binh trạm 14 phải cho chiến sỹ kéo từng phuy xăng ngược suối Trạ Ang từ Km10 lên Km14. 60 phuy xăng, lên đến nơi chỉ còn 30 phuy, 29 chiến sỹ hy sinh. Ngày 19-11-2001, trọng điểm Trạ Ang được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2004, Binh đoàn 12 đã dựng bia di tích đầu cầu Trạ Ang. Hiện nay, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây giao cắt với đường 20 tại Trạ Ang…
 
“Bảo tàng đường Hồ Chí Minh” trực thuộc Binh đoàn 12 được khởi công xây dựng ngày 25-12-1996 tại Km15, Quốc lộ 6 (Hà Đông-Hà Nội) là ngôi nhà 4 tầng, diện tích trưng bày 2700m2 với hơn 20.000 hiện vật. Không phải ai cũng có điều kiện đến thăm bảo tàng này, nên có thể nói cuốn sách là một “bảo tàng” bằng “văn tự” về đường Trường Sơn, các hội viên Hội Trường Sơn và mọi người quan tâm có thể lưu giữ thuận tiện, đồng thời được bảo quản lâu dài trong các thư viện.
 
Nguyễn Khắc Phê

tin liên quan

Liên hoan phim Việt Nam lần 22 công bố lịch chiếu online trên VTVGO

Loạt phim trong Liên hoan phim Việt Nam được chiếu trực tuyến năm nay gồm 7 phim điện ảnh, 37 phim tài liệu và 23 phim hoạt hình, lên sóng trong các khung giờ cụ thể kể từ 14-11 đến 20-11.

Trao giải Cuộc thi "Giới thiệu sách trực tuyến" năm 2021

Ban Tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 6 giải Nhì; 10 giải Ba và 35 giải Khuyến khích cho các bài giới thiệu sách có chất lượng cao.

Cáo lỗi của BCHQS tỉnh

Năm 2011, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình xuất bản tập "Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình - Biên niên sự kiện 1975-2010", số xuất bản:105-2011/CXB/443-12/QĐND. Do quá trình sưu tầm tư liệu và biên soạn, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự nhầm lẫn đáng tiếc.