Giải thưởng Sách quốc gia xướng tên cuốn truyện về bảo vệ môi trường

  • 07:48 | Thứ Bảy, 13/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
“Chang hoang dã-Gấu,” một tác phẩm được khá nhiều nhà xuất bản trên thế giới mua bàn quyền để dịch và phát hành đã được xướng tên là một trong hai giải Nhất tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2021.
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách đạt giải. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách đạt giải. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Tối 12-11, Lễ trao Giải Sách Quốc gia diễn ra tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Đã có 24 tác phẩm xuất sắc nhất được vinh danh.
 
Hai tác phẩm “Chang hoang dã-Gấu” của tác giả Trang Nguyễn-Jeet Zdung được "gọi tên" ở vị trí cao nhất cùng với “Súng, vi trùng và thép” (của giáo sư địa lý học người Mỹ Jared Diamond, do Trần Tiễn Cao Đăng dịch).
 
Nhận xét về "Chang hoang dã-Gấu," ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cho hay đây là cuốn truyện tranh rất đặc biệt về chủ đề bảo vệ thiên nhiên và môi trường hoang dã. Thông qua câu chuyện cô bé Chang cứu giúp gấu con Sorya mới hai tuần tuổi trở về với rừng, tác giả đã dẫn dắt bạn đọc trẻ khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp và kỳ thú với rất nhiều câu chuyện ngộ nghĩnh, dễ thương, hướng các em đến lối sống và hành xử nhân văn, hòa hợp với thiên nhiên.
 
Các tác giả không chỉ dày công sáng tạo, họ còn trải qua hành trình dài trong công tác bảo tồn động vật hoang dã. Trang Nguyễn đã hoàn thành luận án tiến sĩ ngành Bảo tồn Động vật hoang dã tại Anh. Cô là nhà sáng lập kiêm giám đốc tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam WildAct và là một trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi do tạp chí Forbes châu Á bình chọn năm 2020.
 
Sau khi sách được lên kệ, nhiều nhà xuất bản trên thế giới như Penguin random House (Mỹ), Bookdream (Hàn Quốc), Jieli (Trung Quốc), Ayrinti (Thổ Nhĩ Kỳ), Fontini (Na Uy), AST (Nga) và Pan Macmillan (Anh) đã mua bản quyền cuốn sách để dịch và phát hành.
 
Để minh họa cho cuốn sách, họa sỹ Jeet Dzung đã đến trung tâm cứu hộ gấu của tổ chức Free the Bears tại Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, khu cứu hộ Phnom Tamao (Campuchia) để có cơ hội quan sát Sorya, các loài gấu cũng như thiên nhiên để có hình ảnh chân thực đưa vào sách.
 “Chang hoang dã-Gấu” của nhà nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn giành Giải A. (Ảnh: NXB)
“Chang hoang dã-Gấu” của nhà nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn giành Giải A. (Ảnh: NXB)
Trong khi đó, “Súng, vi trùng và thép-Định mệnh của các xã hội loài người” có cách tiếp cận mới hoàn toàn khác với các nhà sử học truyền thống trước đây về lịch sử thế giới. Cuốn sách đã cung cấp một lược sử về các xã hội của loài người trong khoảng 13.000 năm trở lại đây để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao lịch sử ở mỗi châu lục lại diễn ra khác nhau?”
 
Ông Phạm Trần Long, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, đơn vị xuất bản cuốn sách, cho hay đây là một tác phẩm về lịch sử và tiền sử. Chủ đề của nó không chỉ có giá trị hàn lâm mà còn có tầm quan trọng to lớn về thực tiễn và chính trị.
 
“Lịch sử những tương tác giữa các dân tộc khác nhau chính là cái đã định hình thế giới hiện đại thông qua sự chinh phục, bệnh truyền nhiễm và diệt chủng. Các xung đột đó tạo ra những ảnh hưởng lâu dài mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thôi tác động, vẫn đang tích cực tiếp diễn ở một số khu vực nhiều vấn đề nhất của thế giới ngày nay,” ông Phạm Trần Long chia sẻ.
 Các cuốn sách đạt giải thưởng năm nay. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Các cuốn sách đạt giải thưởng năm nay. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Phát biểu tổng kết giải thưởng, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết công tác tổ chức giải thưởng được tiến hành trong điều kiện cả nước phải căng mình chống dịch COVID-19, do đó Ban tổ chức đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhiều đơn vị vẫn gửi sách tham gia dự giải. Hội đồng đã nhận được 284 tựa sách và bộ sách (bao gồm 365 cuốn) của 47 nhà xuất bản, bao gồm cả sách dịch và sách của các tác giả trong nước.
 
Trong khi đó, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới khẳng định đây là giải thưởng uy tín, chính thức duy nhất của toàn ngành xuất bản. Giải thưởng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của công chúng Việt Nam với văn hoá đọc, cũng như thể hiện sự tôn vinh văn hoá đọc.
 
“Đây cũng chính là cơ sở tôn vinh tri thức, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Giải sách quốc gia khích lệ bản thân các tác giả, các nhà xuất bản, và hỗ trợ sự phát triển của toàn ngành xuất bản, từ đó càng nỗ lực cống hiến cho công chúng thêm nhiều sách có hàm lượng tri thức cao hơn nữa,” ông Long chia sẻ với phóng viên VietnamPlus./.
 
Các tác phẩm đoạt Giải A:
 
“Súng, vi trùng và thép - Định mệnh của các xã hội loài người,” tác giả Jared Diamond, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, Nhà xuất bản Thế giới.
 
“Chang hoang dã-Gấu,” lời Trang Nguyễn, tranh: Jeet Zdung, Nhà xuất bản Kim Đồng.
 
Các tác phẩm đoạt Giải B:
 
“Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới,” chỉ đạo biên soạn: giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, trưởng Ban biên soạn: phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Lợi, thạc sỹ Nguyễn Hồng Kỳ, người dịch: Nguyễn Mạnh Chương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
 
Bộ sách: “Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam,” “Thánh Mẫu linh tiêm,” tổ chức biên soạn: Olivier Tessier, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
 
“Nghệ thuật Huế,” tác giả: Léopold Michel Cadière, Edmond Gras, người dịch: Nguyễn Thanh Hằng, Nhà xuất bản Thế giới.
 
“Bài thơ của một người yêu nước mình,” Trần Vàng Sao, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
 
“Tinh hoa văn hóa xứ Thanh,” Hoàng Tuấn Phổ, Nhà xuất bản Thanh Hóa.
 
“Lướt cùng Tí Địa lý,” Xuân Đài, Uyên Trương, Nhà xuất bản Kim Đồng.
 
“Loài Plastic-Khi nhựa trỗi dậy,” nhóm tác giả: Team Loài Plastic, Nhà xuất bản Kim Đồng.
 
Bộ sách: “Dạy con tài chính” (06 tập), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
 
“Chuyện của anh em nhà Mem và Kya,” tác giả: Nguyễn Quang Thiều, minh họa: Kim Duẩn, Nhà xuất bản Trẻ.
 
Các tác phẩm đoạt Giải C:
 
Bộ sách: “Giải quyết tranh chấp Di chúc, Thừa kế, Hôn nhân và Gia đình” và “Giải quyết tranh chấp quyền và nghĩa vụ về Tài sản,” luật sư Nguyễn An, Nhà xuất bản Hồng Đức.
 
“Con đường công nghiệp hóa trong thế kỷ XXI - Những thách thức mới và những mô hình nổi trội,” biên dịch: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Đoan Trang, Nguyễn Xuân Điền, Nguyễn Linh Phương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
 
“Nhà nước thế tục,” Đỗ Quang Hưng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.
 
“Văn Miếu Việt Nam-Khảo cứu,” Trịnh Khắc Mạnh (Chủ biên), Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
“Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX,” Nguyễn Tiến Dũng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
 
“Triệu chứng học nội khoa”(2 tập), giáo sư, tiến sỹ Ngô Quý Châu (Chủ biên), Nhà xuất bản Y học.
 
“Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu,” phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, giáo sư, tiến sỹ Mai Trọng Khoa, Nhà xuất bản Y học.
 
“Trả lời ngắn gọn những câu hỏi lớn,” tác giả: Stephen Hawking, người dịch: Nguyễn Văn Liễn, Nhà xuất bản Trẻ.
 
“Đội trinh sát và con chó Sara,” Trung Sỹ, Nhà xuất bản Lao động.
 
“Người công giáo cộng sản,” Trần Việt Trung, Nhà xuất bản Văn học.
 
“Du hành giữa các văn bản-Nguyễn Huy Thiệp và xã hội Việt Nam sau 1975,” Nguyễn Văn Thuấn, Nhà xuất bản Đại học Huế.
 
“Cuốn sách về quyền lực - Nó là cái gì, ai có nó, và tại sao?” Claire Saunders, Hazel Songhurst, Georgia Amson-Bradshaw, Minna Salami, Mik Scarlet, biên dịch: Kim Ngọc, Nhà xuất bản Kim Đồng.
 
“Nâu Nâu thị thành-Xanh Xanh đồng quê,” tác giả: Mo Willems, biên dịch: Hoài Anh, Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Theo Minh Thu (Vietnam+)

tin liên quan

Miền đá… những mùa chưa cũ

(QBĐT) - Lọt thỏm giữ muôn trùng đá núi, đá chót vót, đá chông chênh, đá cồn cào, đá náo nhiệt cười, đá nhíu mặt trầm tư, đá giận dữ như tuôn trào thác đổ… Anh dò sóng điện thoại như muốn reo ca với người bạn thân năm nào… cũ cũng như đá.

Nhớ mùa sim ấy...

(QBĐT) - Nhớ mùa sim ấy người ơi!

Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc trên môi trường số

Tình trạng vi phạm bản quyền nghệ thuật nói chung, vi phạm bản quyền âm nhạc nói riêng trên môi trường số đang không ngừng gia tăng đã ảnh hưởng tới uy tín, quyền lợi của nhiều nghệ sĩ, gây bức xúc trong dư luận. Vấn đề này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.