.

Vùng đất Quảng Bình qua "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí"

.
08:26, Thứ Ba, 10/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Mang trong mình khát vọng “nhất thống hải vũ”, thu giang sơn về một mối, bắt đầu quá trình tái lập vương triều Nguyễn, Hoàng đế Gia Long đã “sai Thượng thư Binh bộ Lê Quang Định kê cứu sách vở, bản đồ cả nước, các thành dinh trấn từ đạo Kinh Sư vào Nam đến Hà Tiên, ra Bắc đến Lạng Sơn” chép thành 10 quyển với tiêu đề "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí". Đây được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn do Lê Quang Định, Thượng thư bộ Binh biên soạn trong khoảng thời gian các năm Tân Dậu-Nhâm Tuất (1801-1802). Sau nhiều năm biên soạn, cuốn sách đã hoàn thành và dâng lên vua Gia Long vào tháng 11 năm Bính Dần (1806).
 
Lê Quang Định (1759-1813), tự Tri Chi, hiệu Tấn Trai và Chi Sơn, quê chính ở làng Tiên Nộn, nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thuở nhỏ, vì nhà nghèo lại sớm mồ côi cha, ông theo anh trai vào Gia Định lập nghiệp. Năm 1788, Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long lấy lại Gia Định rồi cho mở khoa thi, ông cùng bạn là Trịnh Hoài Đức đều đỗ và được trọng dụng.
 
Ban đầu, ông làm việc trong Hàn lâm viện, thăng Đông Cung thị giảng, rồi Hữu Tham tri. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long bổ Lê Quang Định làm Thượng thư bộ Binh. Trong quãng thời gian này, ông được vua Gia Long giao soạn bộ "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí".
 
Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí".
Sự ra đời của "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định cương vực, lãnh thổ, thể hiện sự hùng cường của dân tộc, là mục tiêu, động lực trong quá trình xây dựng đất nước của vương triều nhà Nguyễn. Bộ sách vẽ nên bức tranh khá toàn diện về hình thể đất nước, đồng thời, giúp cho người đi đường, người thi hành công vụ, quan lại địa phương hiểu rõ hơn về từng địa danh, vùng đất.
 
Cuốn sách đã tạo tiền đề và trở thành công cụ tra cứu chủ yếu cho các công trình địa chí tiếp theo, điển hình là bộ "Đại Nam nhất thống chí", bộ địa chí lớn nhất của triều Nguyễn hay bộ "Đồng Khánh địa dư chí" sau này.
 
"Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" mô tả một cách tương đối chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời giải thích rất tường tận, cụ thể về mặt mạnh, mặt yếu, chỗ hiểm yếu, chỗ thuận tiện, chỗ có thú dữ, đến cả con nước lên, nước xuống của từng con sông, cửa sông, đường nào nên đi và đi những lúc nào, chỗ có thể nghỉ chân, nghỉ qua đêm… Về đường đi từ dinh Quảng Bình đến các nơi trong dinh trấn được liệt kê rất chi tiết, tỉ mỉ. Đơn vị đo đạc chủ yếu được dùng là tầm, có chỗ chi tiết đến thước.
 
Tuy tỉnh Quảng Bình chỉ xuất hiện ở quyển một, quyển ba và quyển tám nhưng cuốn sách đã khái quát rất chi tiết, cụ thể về hình thể và đường đi tại thời điểm đó. Ở phần phụ chép viết về thời gian từ dinh Quảng Bình đi các trấn như sau: “Đến Nghệ An 5 ngày, Thanh Hoa: 8 ngày rưỡi, Thanh Bình: 10 ngày rưỡi, Sơn Nam Thượng: 13 ngày, Thăng Long: 15 ngày rưỡi, Kinh Bắc: 16 ngày rưỡi, Lạng Sơn 20 ngày rưỡi, Sơn Nam Hạ: 13 ngày, Sơn Tây: 18 ngày rưỡi, Hải Dương: 17 ngày rưỡi, Thái Nguyên: 16 ngày rưỡi, Yên Quảng: 19 ngày rưỡi, Hưng Hóa: 17 ngày rưỡi, Tuyên Quang: 20 ngày rưỡi, Cao Bằng: 24 ngày rưỡi” .
Phần dịch lộ (đường trạm) viết về tuyến đường chính từ kinh đô Huế đến các dinh, trấn. Từ dinh Quảng Bình đi các trạm, điếm, hành cung trong tỉnh, sách mô tả: “Từ khe nhỏ đầu địa giới cho đến nửa đỉnh núi Hoành Sơn, tổng số đo là 57.417 tầm 1 thước. Cầu khe nhỏ đầu địa giới bên Nam là huyện Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh) cuối địa giới của dinh Quảng Trị, phía bên Bắc là huyện Lệ Thủy, đầu địa giới của tỉnh Quảng Bình”.
 
Còn tại phía Bắc sách mô tả đoạn đường đi từ Trạm hành cung An Lạc đến đỉnh đèo Ngang như sau: “150 tầm, dọc đường đều theo chân rừng, đến đỉnh Hoành Sơn, tục gọi là đỉnh đèo Ngang, phía Nam đỉnh này thuộc Bố Chính ngoại châu, tức cuối địa phận dinh Quảng Bình, phía Bắc thuộc huyện Kỳ Hoa thức đầu địa giới trấn Nghệ An”.
 
Phần thực lục (chép về đường bộ và đường thủy từ dinh (tỉnh) Quảng Bình đi các nơi. Sách mô tả cương giới, phong tục, thổ sản của tỉnh như sau: “Phía Đông giáp với biển lớn, phía Tây giáp núi cao, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị ở Minh Linh, phía Bắc giáp Nghệ An ở Hoành Sơn. Núi non giăng ngang, sông ngòi uốn quanh đẹp đẽ. Lỵ sở đóng trong lũy Trấn Ninh thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đường vào kinh đô theo hướng Nam 78.904 tầm 1 thước, thành ra hơn 365 dặm. Quản một phủ, hai châu, hai huyện…”.
 
Về phong tục, sách chép: “Là vùng đất nhiều tài nghệ, tục chuộng kiệm ước, ít đồng bằng, lợi về thương mại”. Về thổ sản, sách chép: “Mỏ sắt, yến sào, tre hóp, dâu núi, linh dương, mây rồng, quả trám, đất son, dưa hấu, thuốc lá thơm, mắm nêm, cá mực, con hàu, đậu tương, đất đỏ, vải mịn, ban trúc, gỗ các loại, hoành tinh, mắm cua."
 
Ở phần các đường đi, "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" mô tả khá chi tiết hành trình các tuyến đường theo hướng lấy đồn Động Hải (thành Đồng Hới) làm tâm điểm xuất phát lần lượt đi theo các hướng Đông đi về đồn cửa Nhật Lệ, hướng Tây đi lên Thượng Cổng (tức cổng Võ Thắng) và hướng Bắc đi ra lỵ sở Bố Chánh nội châu (châu Bố Chánh, tức huyện Bố Trạch ngày nay). Tiếp đến, sách mô tả các điểm xuất phát tại: Cửa Nam đồn Động Hải (thành Đồng Hới), sở tuần Thượng Cổng, bờ nam sông An Đại, bờ nam sông Hoành Viễn, sông Trạm, sông Lệ Kỳ, lỵ sở Bố Chánh nội châu, An Niểu, chợ thôn An Lão, cầu thôn Lý Hòa (nay là cầu Lý Hòa, xã Hải Phú, Bố Trạch), bờ nam sông thôn Thanh Hà (xã Thanh Trạch, Bố Trạch), lỵ sở Bố Chánh ngoại châu (trung tâm TX. Ba Đồn), chợ xã Lỗ Cảng, bờ nam sông xã Di Lộc (tức sông Roòn, xã Quảng Tùng, Quảng Trạch)… đi các nơi.
 
So với các bộ địa chí khác như "Ô châu cận lục" trước đó, "Đại Nam nhất thống chí" sau này, thì "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" mô tả về cương vực, phong tục, thổ sản của Quảng Bình hết sức khái lược. Bởi ngay trong phần phàm lệ đã giải thích khá rõ: “Đến như phong tục của các trấn cũng ghi chép những gì đang ưa, không thể nhất nhất miêu tả tỉ mỉ được. Cho đến phong tục cũng chỉ nêu khái quát, sản vật cũng chỉ là những thứ có tiếng, tức chỉ chú trọng đến những nét nổi bật của từng nơi mà thôi”.
 
Song trong quá trình viết về các cung đường, cuốn sách mô tả khá đầy đủ, chi tiết hình dạng khe suối, sông rạch, cửa biển, núi đồi, trạm điếm, hành cung, sản vật, cầu cống, bến đò, chợ búa, đền miếu, thành quách, di tích, nhân vật. Cuốn sách cũng đề cập đến những giai thoại, truyền thuyết, thần tích, ca dao, thơ văn... gắn với từng vùng đất, từng địa danh, từng sự kiện một cách sinh động và đầy chất thơ.
 
Ví dụ khi mô tả về chợ Động Hải (nay là chợ Đồng Hới), sách chép: “Ở đây thôn, xóm rất đông đúc, có nhiều nhà ngói, người người sống bằng nghề đánh cá. Chợ này đông cá sáng chiều, bán nhiều tôm cá, càng về chiều càng nhiều, cho nên dân thôn này có câu ca rằng:
 
Gió Đông Nam ban chiều thổi lại
Cá câu về tràn bãi chợ hôm”.
 
Hay khi mô tả về sông Linh Giang, nay là sông Gianh, sách chép: “Sông rộng 283 tầm, tục gọi là đò sông Linh Giang. Nước sông lên xuống theo nước triều, trong nhưng mặn, khi có sóng gió thuyền bè phải cẩn thận… Giữa sông này sóng gió rất mạnh, hai bờ xa mịt mù. Đây thật như cái hào trời sinh cùng với lũy Nhật Lệ tạo thế tiêu biểu cho sự hiểm trở. Người miền Bắc có câu:
 
Khôn ngoan vào khỏi Thanh Hà
Dễ ai có cánh bay qua Lũy Thầy”.
 
Điều này, khiến cho cuốn sách không chỉ tập trung mô tả đường đi lối lại mà mang đặc trưng của một công trình nghiên cứu tổng hợp đầy đủ các lĩnh vực từ địa lý, môi trường, kinh tế đến văn hóa, xã hội.
 
Tầm nhìn chiến lược, đúng đắn của vua Gia Long, trí tuệ và tinh thần làm việc nghiêm túc, công phu, mẫn tiệp của Thượng thư bộ Binh Lê Quang Định đã làm cho bộ sách bề thế về hình thức, phong phú về nội dung, giàu giá trị về lịch sử, văn hóa. Những trang sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí" làm nổi bật hình ảnh một Việt Nam có chủ quyền, có nền văn hiến lâu đời, cương vực, lãnh thổ được minh định, truyền thống quật cường, oai hùng được hun đúc từ lịch sử dựng xây và bảo vệ đất nước. Trong đó, Quảng Bình hiện lên là vùng đất có địa hình đa dạng, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nhưng lại là miền quê có sản vật, tài nguyên hết sức phong phú, đa dạng và giàu bản sắc văn hoá.
 
Kỳ Sơn
,
  • Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã ban hành Quyết định số 2264/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Liên hoan phim toàn quốc về An toàn giao thông năm 2021.

    09/08/2021
    .
  • Thương phố…

    (QBĐT) - Bạn nhắn tin: "Chưa bao giờ thấy thương Sài Gòn đến vậy. Phố chẳng còn bình yên". Với bạn và nhiều người khác, thành phố này đâu chỉ là điểm dừng chân trong hành trình bất tận của cuộc đời mà là một phần ký ức thật đẹp đẽ, để rồi những ngày phố "đổ bệnh", lòng lại rưng rưng.

    08/08/2021
    .
  • Phát động cuộc thi văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19

    Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

    08/08/2021
    .
  • Nghệ thuật truyền thống không đứng ngoài 'cuộc chiến' chống COVID-19

    Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều văn nghệ sỹ đã có những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống COVID-19 được viết bằng nhiều loại hình nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại, cùng chung tay với các lực lượng trên cả nước chống dịch bệnh.

    07/08/2021
    .
  • Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025

    Việc đọc sách đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thúc đẩy mạnh mẽ trong cộng đồng, bằng việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của Bộ giai đoạn 2021-2025.

    05/08/2021
    .
  • Lùi thời gian tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII đến tháng 11-2021

    Ngày 3-8, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ lùi lại vào tháng 11-2021 thay vì vào tháng 9-2021 như kế hoạch trước đó.

    04/08/2021
    .
  • Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

    02/08/2021
    .
  • Nét đẹp dòng Gianh

    (QBĐT) - Góc ảnh đẹp

    01/08/2021
    .