.

Thương phố…

.
08:25, Chủ Nhật, 08/08/2021 (GMT+7)
(QBĐT) - Bạn nhắn tin: “Chưa bao giờ thấy thương Sài Gòn đến vậy. Phố chẳng còn bình yên”. Với bạn và nhiều người khác, thành phố này đâu chỉ là điểm dừng chân trong hành trình bất tận của cuộc đời mà là một phần ký ức thật đẹp đẽ, để rồi những ngày phố “đổ bệnh”, lòng lại rưng rưng.
 
1. Tôi không hiểu vì sao ngày ấy lại chọn học đại học ở TP. Hồ Chí Minh dù trong ấn tượng của mình, thành phố này hào nhoáng và xa hoa, dường như chẳng hợp với những đứa sinh viên nghèo tỉnh lẻ. Vậy mà, đằng sau vẻ hoa lệ ấy là một phố thị bình yên và bao dung với tất thảy những lữ khách, cả những phận đời mưu sinh hay những đứa sinh viên nghèo.
 
Những ngày chật vật vừa học, vừa mưu sinh, có những khi bất lực, mệt nhoài, tôi tự hỏi vì sao mình có tình yêu đặc biệt với thành phố đầy khói bụi, kẹt xe và không thiếu những bon chen, xô bồ này? Có những ngày dắt xe đi học về trên con đường ngập sâu triều cường, nửa người chìm trong làn nước đen ngòm, chợt thấy nhớ da diết những con đường bình yên và thoảng hương lúa chín quê nhà.
 
Có những ngày, chen chúc trong quán cơm vỉa hè chật chội, chợt thèm quá một bữa ăn ấm áp trong căn nhà lụp xụp giữa hoang hoải gió đồng. Thành phố này với tôi có những ngày quay quắt muốn ra đi như thế! Vậy mà, tình yêu với phố vẫn vẹn nguyên dẫu có đi qua những ngày lòng nổi bão giông.
Đường phố những đêm vắng người. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Đường phố những đêm vắng người. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Tôi đã đọc đâu đó rằng: “Chỉ khi thương nơi nào đó, ta mới nhớ quay quắt và thèm trở về mỗi bận đi xa. Bởi vì khi thương Sài Gòn, người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những khói bụi, kẹt xe, lừa lọc... Bởi chỉ có thương Sài Gòn, người ta mới hiểu, miền đất này còn đó nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa”.
 
Và hẳn nhiên, giữa thành phố tưởng chẳng có nơi nương náu cho những tấm lưng nghèo, tôi đã nhận được “nhiều tấm chân tình, lắm điều trượng nghĩa”. Thành phố ấy đã cưu mang những đứa sinh viên tỉnh lẻ nghèo lay lắt, dạy chúng tôi những bài học đầu đời bằng chính những trải nghiệm đẫm mồ hôi, cả nước mắt mà không thiếu những ân tình.
 
Nhưng giữa những thời khắc quan trọng của cuộc đời, tôi đã chọn cho mình một cuộc trở về. Về quê! Rời xa thành phố! Ngày bước lên xe trở về, nước mắt chảy dài dù biết phía trước là quê hương, là gia đình. Nhưng tôi hiểu, chỉ một cái quay đầu là một phần ký ức đẹp đẽ sẽ vội vã khép lại.
 
2. Bạn tôi lại khác. Sau bốn năm sinh viên, bạn quyết định ở lại, bám trụ với TP. Hồ Chí Minh. Với cô ấy, thành phố phương Nam này đã là một phần máu thịt. Có những ngày chật vật giữa những bon chen phố thị, bạn vẫn một lòng: “Yêu nơi này và sống trọn vẹn đến già”.
 
Nhưng rồi phố “đổ bệnh”. Mỗi ngày, bạn lại nhắn cho tôi một đôi tin nhắn, buồn vui, khóc cười cùng phố. Bạn bảo, những con phố giờ yên lặng đến đau lòng. Không còn kẹt xe, chẳng ngập ngụa khói bụi, những con phố lặng thinh giữa nắng gió và buồn hơn trong những cơn mưa đầu mùa. Phố đau lòng bị bủa vây bởi những dây trắng đỏ giăng ngập lối. Thành phố chẳng còn những tiếng còi xe inh ỏi, những ồn ào vốn sẵn, giờ chỉ còn tiếng xe cấp cứu vang lên lạnh lẽo. Phố rộng thênh thang và buồn đến nao lòng!
 
Sau những ngày trằn trọc, bạn quyết định mang cả gia đình về quê, tạm xa thành phố, xa căn phòng chung cư trên tầng cao tít ấy. “Đi xa nhớ về, khổ đau càng nhớ về”, những ngày chật vật trong toan lo và vất vả lại càng mong ngóng được trở về quê. Nơi quê nghèo, không có lấp lánh ánh đèn xanh đỏ nhưng có bình yên và bao ấm áp đang đón đợi.
 
Vậy mà ngày bước lên tàu về quê, nước mắt bạn lăn dài. Ngoái lại nhìn thành phố đã cưu mang mình suốt 15 năm khó khăn nhất của cuộc đời, đôi mắt nhòa đi như thể đánh mất một điều gì thiêng liêng, quý giá. Chẳng hiểu sao rời phố để trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” nhưng bịn rịn, bồi hồi như thể ngày ly hương. Chưa bao giờ tiếng còi tàu ngân lên không gian lặng lẽ lại trĩu nặng đến thế!
 
Bạn tôi bảo, phải những ngày TP. Hồ Chí Minh “đổ bệnh” như thế này, mới hiểu mảnh đất này bao năm dài, tháng rộng đã dung chứa những người con quê nghèo mang trong mình khát khao đổi phận. Nhưng sau những gắn bó, giờ lại rời đi với tâm thế của một đứa con xa quê, hẹn một ngày thành phố sẽ lại rực rỡ ánh đèn xanh đỏ, lại nhộn nhịp như đã từng. Là khi ấy, phố đã bình yên đi qua ngày giông bão.
 
3. Tuấn là thanh niên quê gốc Hà thành, là một trong những bác sỹ tình nguyện từ Thủ đô vào với mảnh đất Minh Hóa theo một dự án của Bộ Y tế. Với Tuấn, TP. Hồ Chí Minh cũng là một phần của thanh xuân. Khi phố “lâm bệnh”, Tuấn và những cán bộ y tế của Quảng Bình lại sẵn sàng lên đường vào hỗ trợ cho thành phố chống dịch. Tuấn đi, mang theo cả những lời động viên, khích lệ của mẹ, dẫu mẹ vẫn thường bảo rằng, “mẹ sẽ lo lắng cho đến ngày con về”.
 
Ngày đầu trở lại thành phố, vào ngay tâm dịch, Tuấn viết trên trang cá nhân: “Sài Gòn đương mùa mưa, mà giờ này chắc chẳng còn mấy ai quan tâm mưa hay nắng nữa. Thành phố vốn nhộn nhịp và đầy sức sống của mình ngày nào, nay thưa thớt người, hàng quán đóng cửa im lìm cả… Tối nay cũng là buổi tối đầu tiên mình được thấy Sài Gòn “đi ngủ”, chỉ có tiếng xe cấp cứu và rất nhiều đôi mắt thao thức vẫn khắc khoải ngoài kia”.
Một ngày không xa, phố sẽ lại vui. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Một ngày không xa, phố sẽ lại vui. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Và Tuấn cùng những đồng nghiệp của mình sẽ còn nhiều đêm "thao thức", "khắc khoải" để một ngày thành phố “không ngủ” như lâu nay vốn vậy. Mỗi ngày, Tuấn vẫn cần mẫn với nhiệm vụ thiêng liêng của mình để đợi một ngày phố trở về tựa như trong lời bài hát của một thầy giáo trẻ: “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/Sẽ không có dây, phố thưa lại đầy/Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/Sẽ như lúc xưa, sẽ lại vui”.
 
Với thành phố này, người chọn ra đi, người lựa lối để quay về. Nhưng với những ai trót yêu mảnh đất này thì mỗi một lần đặt chân đến đây đều như một cuộc trở về. Dù đi qua bao bão giông, phố vẫn sẽ luôn ở đó, bao dung, phóng khoáng đón đợi những đứa con ngày trở lại.
 
Bạn và tôi cũng có với nhau một lời hẹn, rằng sẽ trở về thăm phố vào một ngày không xa, khi thành phố đã yên bình!
 
Diệu Hương
,
  • Phát động cuộc thi văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19

    Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vừa phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

    08/08/2021
    .
  • Nghệ thuật truyền thống không đứng ngoài 'cuộc chiến' chống COVID-19

    Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều văn nghệ sỹ đã có những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài phòng chống COVID-19 được viết bằng nhiều loại hình nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại, cùng chung tay với các lực lượng trên cả nước chống dịch bệnh.

    07/08/2021
    .
  • Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025

    Việc đọc sách đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thúc đẩy mạnh mẽ trong cộng đồng, bằng việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của Bộ giai đoạn 2021-2025.

    05/08/2021
    .
  • Lùi thời gian tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII đến tháng 11-2021

    Ngày 3-8, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ lùi lại vào tháng 11-2021 thay vì vào tháng 9-2021 như kế hoạch trước đó.

    04/08/2021
    .
  • Tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

    02/08/2021
    .
  • Nét đẹp dòng Gianh

    (QBĐT) - Góc ảnh đẹp

    01/08/2021
    .
  • Những lối về ấu thơ

    (QBĐT) - Những ban trưa mùa hạ quạnh quẽ thế này tôi thường không ngủ. Trong không gian im ắng cùng tia nắng hắt lên từ phía bậc thềm nhà, một tiếng gà gáy khan từ góc vườn nào đó lại gọi về bao nhiêu thương nhớ. 

    01/08/2021
    .
  • Người thương binh vui thú điền viên

    (QBĐT) - Điền viên, đúng nghĩa của từ này: ruộng vườn. Ông quản lý một vùng ruộng nương rộng đến 5ha. Trong đó, có 1,8ha lúa một vụ, sắn, đất trồng đậu đỗ các loại. Nhiều nhất là vườn cao su, cây ăn trái, chè xanh và ao cá.

    01/08/2021
    .