.

Khai thác tiềm năng du lịch từ tài nguyên văn hóa

.
15:52, Thứ Sáu, 23/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Quảng Bình là vùng đất chứa đựng rất nhiều di sản văn hóa gồm các di tích lịch sử, hệ thống hang động, lễ hội văn hóa và ẩm thực độc đáo cùng các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng ở những vùng, miền… Chính sự phong phú về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là điều kiện quan trọng để tỉnh khai thác, phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có.  
 
Tiềm năng chờ được khai mở
 
Quảng Bình là địa phương có sự giao lưu và hội tụ văn hóa đa dạng trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Vì vậy, nơi đây chứa đựng nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Một số di tích lịch sử, văn hóa đã trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch, như: Khu mộ và nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong, hang Tám Cô, núi Thần Đinh, đền Công chúa Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc, làng chiến đấu Cảnh Dương… Song, bên cạnh đó còn rất nhiều di sản chưa được khai thác thành sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
 
Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản tỉnh cho biết: Về văn hóa vật thể, tuy số lượng không nhiều, song tỉnh ta hội tụ đủ 4 loại hình di tích: di tích lịch sử văn hóa, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc, nghệ thuật, di tích danh thắng. Đó là các di sản tiêu biểu, như: đảo Chim, bãi biển Đá Nhảy, suối Bang, hệ thống hang động, di tích khảo cổ học Bàu Tró, hệ thống lũy Đào Duy Từ, chùa Hoằng Phúc, làng chiến đấu Cự Nẫm, ngầm Trạ Ang, bến phà Xuân Sơn… Hệ thống di tích Quảng Bình được kết nối liên hoàn theo hai chiều Bắc-Nam và Đông-Tây.
 
Đây là điều hết sức quan trọng trong phát triển du lịch theo hai tuyến: con đường di sản miền Trung (theo hướng Bắc-Nam) và hành lang Đông-Tây (Việt Nam-Lào-các tỉnh Đông Bắc Thái Lan). Ngoài ra, tỉnh ta còn có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể gồm các lễ hội truyền thống và các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo.
 
Thực tế cho thấy, không ít tiềm năng chờ được khai mở và phát huy hiệu quả, như: tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 12A với hàng chục di tích lịch sử ghi dấu hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc (đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, cầu Khe Ve, cổng trời Cha Lo, trận địa Nguyễn Viết Xuân...).
 
Việc đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng để tìm hiểu, khám phá nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Bru Vân Kiều, người Chứt, hay các hoạt động khác, như: du lịch tìm hiểu làng nghề truyền thống (nghề làm nón, nghề đan lát, nghề mộc chạm, rèn đúc… ở khắp các làng quê trong tỉnh); tìm hiểu các lễ hội văn hóa (lễ hội cầu ngư các xã vùng biển, lễ hội mồng 10 tháng ba làng Thổ Ngọa (Ba Đồn), lễ hội rằm tháng giêng làng Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh) và đưa các làn điệu dân ca, dân vũ (hò khoan Lệ Thủy, ca trù, hò biển, hát Kiều…) vào hoạt động du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Hội bài chòi là một trong những điểm nhấn của lễ hội chùa Hoằng Phúc (di tích lịch sử cấp quốc gia) ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy.
Hội bài chòi là một trong những điểm nhấn của lễ hội chùa Hoằng Phúc (di tích lịch sử cấp quốc gia) ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy.
Theo thống kê, tỉnh ta hiện có 120 di tích được xếp hạng (gồm 52 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 68 di tích xếp hạng cấp tỉnh) và các di sản văn hóa phi vật thể gồm lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, các ngành nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực… Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch bền vững.
 
Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế. Điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng du lịch ở tỉnh ta chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch từ di sản còn đơn điệu, chủ yếu mới phát huy những yếu tố lợi thế sẵn có, ít tính sáng tạo, do vậy giá trị chưa cao. Không ít di tích lịch sử, văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng như: Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh 559 (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh), lăng mộ Trung Bình hầu Trần Bình Ngũ (Trường Thủy, huyện Lệ Thủy), đền Song Trung (Phù Hóa,Quảng Trạch), đình Vịnh Sơn (Quảng Đông, Quảng Trạch), miếu thờ Hiệp biện Đại học sĩ, Thái học Đường Trần Cảnh Huống (Văn Hóa, Tuyên Hóa)… Một số làn điệu dân ca, dân vũ ở các địa phương đã bị mai một hoặc đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
 
Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành liên quan và các địa phương trong việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và để khai thác thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.
 
Khai thác song song với bảo tồn
 
Tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch Quảng Bình từ tài nguyên văn hóa” được Hội Di sản tỉnh tổ chức gần đây, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng: Di sản văn hóa là tài sản chung của quốc gia, nên việc khai thác tiềm năng di sản vào phát triển du lịch phải tính đến sự bền vững để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản. Và để đạt được điều đó cần có sự bắt tay chặt chẽ giữa những người làm du lịch và những người làm công tác quản lý di sản.
 
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay: Để các di tích tiêu biểu trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Du lịch. Dưới góc nhìn du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp thì điểm đến du lịch phải đáp ứng đồng bộ các dịch vụ bổ trợ, như: khu nghỉ dưỡng, hàng lưu niệm, thưởng thức văn hóa, ẩm thực địa phương… Vì vậy, cần phải xây dựng các sản phẩm, loại hình du lịch hấp dẫn, như: du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm, du lịch tâm linh, du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng… phù hợp với giá trị của các di tích; đồng thời, đưa các loại hình văn hóa phi vật thể vào khai thác nhằm làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch.  
 
Và để văn hóa “bắt tay” với du lịch, thời gian tới, ngành du lịch tỉnh ta sẽ tập trung triển khai nhiều hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các di tích tiêu biểu gắn với điểm đến và sản phẩm du lịch; đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, liên kết du lịch… từng bước phát huy các giá trị của tài nguyên văn hóa để thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
                                                                           
Nhật Văn
,
  • Dường như trời đã chớm đông

    (QBĐT) - Dường như trời đã chớm đông!
    Nghe cơn gió lạnh bềnh bồng đan tay
    Hạt sương buổi sớm lung lay
    Heo may thao thức phía ngày mênh mông...
     
    23/11/2018
    .
  • Tìm lại tuổi thơ

    (QBĐT) - Giũ bụi chiến chinh
                    tôi tìm về
                    năm tháng tuổi thơ
                   
    22/11/2018
    .
  • Ân tình phấn trắng, bảng đen

    (QBĐT) - Trong ký ức tuổi học trò ăm ắp những kỷ niệm thân thương luôn có hình ảnh mái trường, thầy cô, bè bạn và phấn trắng, bảng đen...

    22/11/2018
    .
  • Thầy và trò

    (QBĐT) - Thầy chín mươi, trò bảy mươi
    Thầy trò tóc bạc da mồi như nhau
     
    22/11/2018
    .
  • Tôn vinh áo dài tại 'Không gian di sản văn hóa Việt Nam 2018'

    Khách tham quan sẽ được giới thiệu lịch sử áo dài Việt Nam thông qua những tư liệu, hình ảnh và hiện vật về áo dài Việt từ khi hình thành đến nay như: Áo dài tứ thân, áo dài năm thân, áo dài vương triều, áo dài Lemur, áo dài cổ cao, áo dài cổ thuyền…

    21/11/2018
    .
  • Dòng phấn trắng

    (QBĐT) - Dòng phấn trắng như rãnh mòn
    di chuyển trên mặt đất...
    19/11/2018
    .
  • Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Khu Giao tế Quảng Bình

    (QBĐT) - Di tích lịch sử Khu Giao tế Quảng Bình thuộc thôn Giao Tế, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Hơn 45 năm trước, đây là nơi đón tiếp, phục vụ trên 450 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, làm việc tại Quảng Bình.

    19/11/2018
    .
  • Ngôi nhà người thầy dạy sử

    (QBĐT) - Ngôi nhà ngói kiểu cũ hồi đầu thế kỷ trước tọa lạc trong khu vườn rộng vừa phải. 

    19/11/2018
    .