.

"Giữ lửa" văn nghệ dân gian

.
08:40, Thứ Hai, 26/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Trước thực trạng không ít làng quê có các làn điệu dân ca, dân vũ đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, nhiều "nghệ sĩ làng" đã âm thầm tìm tòi, gìn giữ và làm sống lại những thanh âm tưởng chừng như đã bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Họ là những người nông dân sống gắn bó với ruộng đồng, cày cuốc cùng những câu dân ca mộc mạc. Với họ, từng câu hò, điệu hát là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân quê.
 
Ông Đàn mê hát
Nghệ nhân Đinh Thanh Đàn đang thể hiện một làn điệu dân ca Minh Hóa trong một buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB.
Nghệ nhân Đinh Thanh Đàn đang thể hiện một làn điệu dân ca Minh Hóa trong một buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB.
Nhắc tới nghệ nhân Đinh Thanh Đàn, nhiều người dân xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa gọi ông là ông “Đàn hát” bởi ông tên Đàn nhưng rất mê hát và lại là Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) đàn, hát dân ca của xã. Hồng Hóa cũng như nhiều làng quê khác ở huyện Minh Hóa, là xứ sở của những làn điệu dân ca đặc trưng, như: hò thuốc cá, hát ru, hát đúm, ví giao duyên, hát sắc bùa. 
 
Trong những năm chiến tranh ác liệt, người Hồng Hóa vẫn mang tiếng hát của quê hương ra chiến trường, khi san đường mở lối hay cả những lúc lên nương làm rẫy. Thế nhưng, trong những năm đổi mới, cuộc sống người dân dần khấm khá hơn thì phòng trào đàn, hát dân ca ở xã lại lắng xuống, thậm chí có lúc tưởng chừng như mai một.
 
Nguyên nhân của vấn đề trên là do thế hệ trẻ không mấy mặn mà với dòng nhạc dân gian của dân tộc, còn những người nắm giữ tinh hoa văn hóa của làng quê tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu. Vì vậy, ông Đàn và những người tâm huyết với văn hóa của làng đã cất công tìm tòi các giai điệu cổ và ghi chép, lưu giữ rồi tập hợp những người có cùng sở thích hát dân ca để tập luyện và thành lập nên CLB đàn, hát dân ca của xã.
 
Ông Đinh Thanh Đàn cho hay: Người Hồng Hóa rất yêu dân ca, thế nên, ngay từ khi có chủ trương thành lập CLB, nhiều người dân đã tự nguyện đăng ký tên mình để được sinh hoạt thường xuyên. Các thành viên trong CLB đã tự nguyện đóng góp tiền bạc mua trang phục, đạo cụ biểu diễn mà không phải chờ kinh phí từ cấp trên như những nơi khác.
 
Đến nay, CLB đàn, hát dân ca xã Hồng Hóa có 58 thành viên, chủ yếu là hội viên Hội Người cao tuổi của xã và một số gương mặt trẻ. Không chỉ đảm nhận vai trò chủ nhiệm CLB, ông Đinh Thanh Đàn còn là giọng hát chính và là người giữ vai trò chủ chốt trong việc sáng tác các ca khúc mới dựa trên những giai điệu cổ của dân ca Minh Hóa. Nhiều tiết mục do ông và các thành viên trong CLB dàn dựng, biểu diễn, như "Mừng Đảng, mừng xuân", "Sáng mãi làng An"... tạo được ấn tượng trong lòng người xem.
 
Người dân Hồng Hóa không chỉ yêu quý ông bởi sự nhiệt tình đầy trách nhiệm với CLB mà còn khâm phụ tài năng của ông trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các chương trình văn nghệ dân gian của CLB đều do ông đảm nhận phần sáng tác, đạo diễn và tham gia làm diễn viên. Ông Đàn cho hay: Nhiều thành viên trong gia đình ông biết hát dân ca Minh Hóa. Vợ ông cũng là thành viên của CLB. Mỗi lúc vui hay buồn, ông đều cất lên những ca từ mộc mạc của quê hương mình.
 
Sống lại điệu hò xưa
 
Những tưởng hò phường nón, điệu hò cổ rất đặc trưng của làng Thổ Ngọa sẽ chỉ còn trong ký ức của các bậc cao tuổi trong làng, nhưng chính những người nặng lòng với văn nghệ dân gian đã làm cho làn điệu này được hồi sinh sau một thời gian dài chìm vào quên lãng. Một trong những người có công rất lớn trong việc khôi phục lại các làn điệu hò phường nón là nghệ nhân Nguyễn Văn Chành, người gần trọn cuộc đời gắn bó với nghề làm nón truyền thống của làng.
CLB hò phường nón Thổ Ngọa đang biểu diễn hò phường nón trên sân khấu
CLB hò phường nón Thổ Ngọa đang biểu diễn hò phường nón trên sân khấu
Với không gian lao động nghề nón của làng Thổ Ngọa xưa là làm nón “chùm” (tập hợp nhiều người cùng làm với nhau) thường diễn ra dưới các gốc cây cổ thụ râm mát hay bên ngọn đèn dầu nên người làm nón thường dùng những câu hò để giải bày tình cảm. Hò phường nón có giai điệu ngọt ngào gần giống với điệu hát phường vải của xứ Nghệ, song cũng có những nét riêng độc đáo.
 
Nếu người xứ Nghệ thường dùng "ơ ơ ơ"... hay "hò ơ ơ hò"... để bắt đầu câu  hát, thì người Thổ Ngọa lại ngân nga rằng: “ơi nữa ai ơi rồi”... hay “rứa nữa ai ơi rồi” ở đầu các câu hát và thường sử dụng những câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát để hò. Nội dung cuộc hát như một cuộc trò chuyện giữa hai người, thường là nam và nữ và chỉ kết thúc sau khi công việc làm nón đã hoàn tất, đôi bên từ giã nhau để ai về nhà nấy.
 
Từ chỗ gần như cả làng làm nón và sử dụng  hò phường nón trong lao động thì nhiều năm qua, những câu hò đối đáp đặc trưng của làng chỉ còn được cất lên ở một số người cao tuổi khi họ ru con, cháu. Dần dà, số người biết hò phường nón chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
 
Đau đáu bên mình nỗi lo, một ngày nào đó, những câu dân ca của làng sẽ không còn ai biết đến, ông Nguyễn Văn Chành cùng những bậc cao niên am hiểu văn hóa làng đã dày công sưu tầm từng lời hò cũ rồi tìm những người cùng tâm huyết để trao truyền. Đến nay, làng Thổ Ngọa đã thành lập được CLB hò phường nón gồm 13 thành viên. Dù mới thành lập năm 2017, song CLB đã tìm tòi, khôi phục được một số bài hát xưa, đồng thời sáng tác thêm nhiều bài hát mới dựa trên các giai điệu cổ.
 
Ông Chành cho biết: Mặc dù người làm nón ở Thổ Ngọa vẫn duy trì thói quen tụ tập nhau lại để cùng làm, cùng trò chuyện, song, những cuộc hát trong lúc lao động thì dường như không còn. Vì thế, trong các chương trình biểu diễn văn nghệ, CLB đã tái hiện lại không gian lao động của người dân làm nón một cách sinh động với những người đàn ông ngồi vót vành, phụ nữ xây nón, may nón và họ cùng nhau hò hát, đối đáp qua lại ngay trên sân khấu. Các tiết mục biểu diễn của CLB luôn tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, trở thành điểm nhấn trong các hội diễn văn nghệ quần chúng của địa phương.
 
Nặng lòng với di sản, các nghệ nhân trên mỗi làng quê đang nỗ lực gìn giữ, trao truyền những câu hò, điệu hát với tất cả sự nhiệt huyết và niềm đam mê. Và khi được hỏi họ mong muốn điều gì, đa số những "nghệ sĩ làng" đều bày tỏ "chỉ mong có sức khỏe tốt để được tiếp tục cống hiến, bảo tồn và trao truyền hồn cốt các câu hò, điệu hát của quê hương cho thế hệ mai sau...".
 
Nhật Văn
,
  • Bâng khuâng mùa đông...

    (QBĐT) - Ai đi qua những mùa đông lỗi hẹn
    Phía bâng khuâng ngọn gió bấc giao mùa
    Xao xác lòng chạm khẽ làn sương trắng
    Hoa cải vàng rưng rức bến sông quê
    25/11/2018
    .
  • Mùa đông

    (QBĐT) - Vừa chia xa ngọn gió nam nồm
    Chiều đã chạm heo may đầu ngõ
    Mùa dã quỳ nhạt nhòa đâu đó
    Đông chợt về chín ửng làn môi
     
    24/11/2018
    .
  • Khúc giao mùa

    (QBĐT) - Lao xao từng cơn gió
    Như khúc hát sang mùa
    Ngoài đê hàng so đũa
    Cũng bắt đầu đơm hoa
     
    23/11/2018
    .
  • Khai thác tiềm năng du lịch từ tài nguyên văn hóa

    (QBĐT) - Quảng Bình là vùng đất chứa đựng rất nhiều di sản văn hóa gồm các di tích lịch sử, hệ thống hang động, lễ hội văn hóa và ẩm thực độc đáo cùng các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng ở những vùng, miền… Chính sự phong phú về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là điều kiện quan trọng để tỉnh khai thác, phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng vốn có.  

    23/11/2018
    .
  • Dường như trời đã chớm đông

    (QBĐT) - Dường như trời đã chớm đông!
    Nghe cơn gió lạnh bềnh bồng đan tay
    Hạt sương buổi sớm lung lay
    Heo may thao thức phía ngày mênh mông...
     
    23/11/2018
    .
  • Ân tình phấn trắng, bảng đen

    (QBĐT) - Trong ký ức tuổi học trò ăm ắp những kỷ niệm thân thương luôn có hình ảnh mái trường, thầy cô, bè bạn và phấn trắng, bảng đen...

    22/11/2018
    .
  • Tìm lại tuổi thơ

    (QBĐT) - Giũ bụi chiến chinh
                    tôi tìm về
                    năm tháng tuổi thơ
                   
    22/11/2018
    .
  • Thầy và trò

    (QBĐT) - Thầy chín mươi, trò bảy mươi
    Thầy trò tóc bạc da mồi như nhau
     
    22/11/2018
    .